Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số đến năm 2025, định hướng năm 2030 của UBND tỉnh, huyện Lập Thạch tích cực đầu tư hạ tầng công nghệ, ứng dụng toàn diện chuyển đổi số trong hoạt động của bộ máy hành chính, hoạt động an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số từng bước đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, nhận được sự hài lòng, tin tưởng của người dân.
Cán bộ Bộ phận một cửa UBND huyện Lập Thạch hướng dẫn người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về chuyển đổi số, hằng năm, UBND huyện Lập Thạch xây dựng kế hoạch chuyển đổi số gắn với các mục tiêu cụ thể, trên cơ sở Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số.
Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn huyện đã được kết nối đến 100% các xã, thị trấn trong huyện, đảm bảo đường truyền ổn định, qua đó, 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện xử lý công việc trên môi trường điện tử.
Việc sử dụng thư công vụ điện tử, ứng dụng chữ ký số, triển khai các dịch vụ công trực tuyến… được phổ cập rộng rãi; trang thông tin điện tử của huyện thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, điều hành mới của tỉnh, huyện, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).
Năm 2023, 100% các văn bản chỉ đạo, văn bản nội bộ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện Lập Thạch đã được gửi qua thư điện tử và hệ thống quản lý văn bản nội bộ của tỉnh, 100% cán bộ công chức, viên chức được cấp hộp thư điện tử công vụ, tỷ lệ cán bộ thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt hơn 80%.
Trong công tác CCHC, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, cập nhật hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công (DVC) và Hệ thống thông tin một cửa điện tử theo quy định; tăng cường tính công khai, minh bạch trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo Bộ phận “một cửa” các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN nộp hồ sơ TTHC trên Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.
Theo thống kê của UBND huyện Lập Thạch, 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 99% tổng số hồ sơ TTHC của người dân, DN được tiếp nhận, giải quyết DVC mức độ 3, mức độ 4; trong đó, tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,4%.
Năm 2023, UBND huyện đã triển khai thực hiện chứng thực điện tử từ cấp huyện đến cấp xã, tạo thuận lợi cho người dân chứng thực bản sao điện tử để hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ TTHC theo quy định.
Về phát triển kinh tế số, huyện khuyến khích người dân, DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh (SXKD). Hiện nay, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các địa phương trên địa bàn huyện đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, quảng bá trên không gian mạng như cá thính, thanh long ruột đỏ, bưởi…; nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Bảo hiểm xã hội huyện Lập Thạch đã áp dụng các quy trình của hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 trong hoạt động; đến hết tháng 6/2023, Bảo hiểm xã hội huyện đã triển khai xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho hơn 80.000 người (đạt hơn 70% tổng số người tham gia bảo hiểm y tế), trong đó, có hơn 40.000 người đã cài đặt ứng dụng VssID để dễ dàng tra cứu thông tin bảo hiểm của cá nhân, tiếp cận các chính sách mới của Nhà nước và sử dụng nhiều tính năng tiện ích khác.
Bên cạnh đó, các đơn vị khác như bệnh viện, trường học, ngân hàng… trên địa bàn huyện cũng tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ trong hoạt động, giúp nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả hoạt động, đồng thời, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, hướng đến phát triển chính quyền số, kinh tế số theo lộ trình đề ra, huyện Lập Thạch tiếp tục tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp chính gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khai thác các DVC trực tuyến, khuyến khích người dân ứng dụng chuyển đổi số trong mọi mặt của cuộc sống; nâng cao trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện đối với các đơn vị được phân công phụ trách, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác chuyển đổi số.
Tiếp tục đầu tư mới các trang bị thiết yếu như máy tính, máy in, máy scan…cho các cơ quan, đơn vị phục vụ công tác chuyển đổi số; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả chuyển đổi số vào thành tích thi đua của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
Hoàng Sơn