Trước đó, Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Trung Phi (ECCAS) đã đình chỉ tư cách thành viên của Gabon sau cuộc đảo chính tuần trước.
Lãnh đạo phe đảo chính ở Gabon, Tướng Brice Oligui Nguema (bên phải), nhậm chức ‘tổng thống chuyển tiếp’ ngày 4/9. (Nguồn: ANP) |
Truyền hình nhà nước Gabon ngày 5/9 đưa tin người đứng đầu chính quyền quân sự mới của nước này, Tướng Brice Oligui Nguema, đã gặp tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin Archange Touadera. Cuộc gặp diễn ra sau cuộc đảo chính ở Gabon ngày 30/8 lật đổ sự cai trị của nhà Bongo trong vòng 55 năm.
Trước đó, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Trung Phi (ECCAS) đã bổ nhiệm ông Touadera làm “người hỗ trợ tiến trình chính trị” ở Gabon. Ông được giao nhiệm vụ gặp gỡ tất cả các chủ thể và đối tác Gabon, với mục tiêu đưa nước này sớm lập lại trật tự hiến pháp. Đài truyền hình Gabon không nêu chi tiết về đàm phán.
Động thái trên diễn ra ngay sau khi Guinea Xích đạo, một thành viên ECCAS, cho biết Gabon đã bị đình chỉ khỏi tổ chức bao gồm 11 quốc gia này ngày 4/9.
Trong một thông báo trên mạng xã hội X, Phó tổng thống Guinea Xích đạo, ông Teodoro Nguema Obiang Mangue cho biết ECCAS cũng đã ra lệnh chuyển trụ sở chính của khối từ Libreville của Gabon đến Malabo, thủ đô quốc gia của ông.
Trước đó, trong phát biểu nhậm chức “tổng thống chuyển tiếp” ngày 4/9, Tướng Brice Oligui Nguema, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi và Phục hồi Thể chế (CTRI), cho biết cuộc đảo chính diễn ra “không đổ máu”, không có báo cáo về thương vong.
Phe đảo chính quân sự cho biết đã giải tán các thể chế quốc gia, hủy bỏ kết quả bầu cử. Tướng Oligui Nguema cũng tuyên bố sẽ tạo ra thể chế dân chủ hơn, tôn trọng nhân quyền ở Gabon, song cũng cho biết sẽ tiến hành “không vội vàng”.
Tướng Brice Oligui Nguema, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cộng hòa, đã lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự hôm 30/8, lật đổ Tổng thống Ali Bongo Ondimba. Sự kiện diễn ra chỉ ít phút sau khi ông Bongo, 64 tuổi, được tuyên bố chiến thắng trong bầu cử tổng thống ngày 26/8.
Gabon cùng với Mali, Guinea, Sudan, Burkina Faso và Niger nằm trong số các quốc gia châu Phi đã trải qua đảo chính 3 năm qua. Đây là một xu hướng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đáng quan ngại ở lục địa này.