NATO lạc quan về chiến dịch phản công của Ukraine, Hội nghị cấp cao ASEAN khép lại, Gabon-Trung Phi nhất trí về lộ trình mới… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
ASEAN-43: Lào đón nhận cương vị Chủ tịch ASEAN từ Indonesia. (Ảnh: Anh Sơn) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga chỉ trích Mỹ cung cấp đạn urani nghèo cho Ukraine: Ngày 6/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Đây là tin rất xấu. Việc sử dụng loại đạn pháo này đã khiến số lượng bệnh nhân mắc ung thư tăng vọt… Tình trạng tương tự chắc chắn sẽ xảy ra ở những vùng lãnh thổ Ukraine, nơi loại vũ khí này sẽ được sử dụng…”.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo sẽ triển khai đạn urani nghèo nếu Ukraine nhận được vũ khí này từ phương Tây.
Washington đã công bố khoản viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá hơn 1 tỷ USD dành cho Ukraine, bao gồm đạn urani nghèo.
Đạn urani nghèo đang gây tranh cãi do chúng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như ung thư và dị tật bẩm sinh ở những khu vực chúng được sử dụng trong các cuộc xung đột trước đây, mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng. (AFP/Reuters)
* Ukraine bắt đầu vận chuyển ngũ cốc qua các cảng Croatia: Ngày 7/9, trong tuyên bố bằng văn bản, Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết: “Ngũ cốc của Ukraine đã được xuất khẩu qua các cảng của Croatia. Chúng tôi rất biết ơn về điều này. Mặc dù đó là một tuyến thương mại thích hợp nhưng giờ nó đã phổ biến rồi”.
Tuy nhiên, quan chức này không tiết lộ số lượng ngũ cốc Ukraine đã được vận chuyển qua các cảng Croatia.
Tuyến xuất khẩu ngũ cốc chính của Ukraine thường thông qua các cảng sâu ở Biển Đen. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và Moscow rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Kiev đã tìm kiếm các tuyến đường thay thế.
Trong chuyến thăm Zagreb cuối tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, nước này và Croatia đã nhất trí về khả năng sử dụng các cảng của Croatia trên sông Danube và Biển Adriatic để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. (Reuters)
* NATO lạc quan về chiến dịch phản công của Ukraine: Ngày 7/9, phát biểu trước các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU), Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nêu rõ: “Lực lượng Ukraine đang dần đạt được tiến triển và điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của chính sách hỗ trợ của chúng ta, cũng như khả năng và thái độ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ của chúng ta…”.
Ông còn bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển “càng sớm càng tốt” sau khi Quốc hội nước này triệu tập trở lại.
Thêm vào đó, người đứng đầu NATO còn khẳng định liên minh này không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mảnh vỡ máy bay không người lái (UAV) được tìm thấy trên lãnh thổ Romania xuất phát từ một cuộc tấn công có chủ ý do Nga phát động vào nước này, nhấn mạnh “chúng tôi đang chờ đợi kết quả của cuộc điều tra”.
Những ngày gần đây, Ukraine tuyên bố đã xuyên thủng tuyến phòng thủ đầu tiên được củng cố nghiêm ngặt của Nga trong chiến dịch phản công. (AFP/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: UAV Bober tấn công sân bay Pskov xuất phát từ đâu? |
* Nga sẽ duy trì liên lạc với Mỹ trong vấn đề nhân đạo: Ngày 7/9, phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ: “Có những liên hệ ở cấp độ chuyên gia liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau, điều này không quá hiếm. Tất nhiên, chúng tôi tiếp tục xem xét toàn bộ các vấn đề liên quan đến các trường hợp nhân đạo, thị thực, hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài và dịch vụ lãnh sự cho công dân.
Đây là vấn đề chắc chắn phải được giải quyết trong khuôn khổ mối quan hệ giữa nhà nước và chính phủ. Tất nhiên, đó không phải là sự hợp tác trong các vấn đề lớn. Không có đối thoại (về các vấn đề chính)”.
Nhà ngoại giao này cũng cho biết có liên hệ Nga-Mỹ trên các nền tảng quốc tế, dưới hình thức đa phương. Ông Ryabkov nêu rõ: “Tôi nghĩ đây cũng là một thông lệ khá thông thường. Ít nhất, chúng tôi không bao giờ từ chối những liên hệ này, chúng tôi không tránh né chúng”.
Quan chức Nga khẳng định trách nhiệm giải quyết các vấn đề quan trọng hoàn toàn phụ thuộc vào Washington. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ lên tiếng về việc Ấn Độ mua dầu Nga; giá dầu Urals cao kỷ lục, New Delhi vẫn ‘tấp nập’ nhập hàng |
Đông Nam Á
* Chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 kết thúc: Ngày 7/9, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành “sân khấu hòa bình và bao trùm”.
Ông cho rằng điều này là nền tảng quan trọng mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho người dân ASEAN và thế giới, đồng thời là tinh thần nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng”.
Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh, sứ mệnh của ASEAN vẫn chưa kết thúc và cho rằng Đông Nam Á sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều động lực và sự phức tạp của những thách thức toàn cầu.
Vì lý do đó, theo ông Widodo, ASEAN phải chung tay biến thách thức thành cơ hội, biến cạnh tranh thành hợp tác, biến độc quyền thành sự bao trùm, và biến sự khác biệt thành sự thống nhất. Bên cạnh đó, ASEAN cũng phải là “thuyền trưởng con tàu của chính mình”.
Trước khi chuyển giao búa Chủ tịch ASEAN cho Lào, Tổng thống Jokowi kêu gọi các nước trong khu vực tiếp tục hợp tác vì một ASEAN hòa bình và thịnh vượng, đồng thời biến thế giới này thành “nơi tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.
Về phần mình, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone chúc mừng Indonesia đã đạt được kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023 và cho biết Vientiane sẽ tiếp nối thành tựu hợp tác ASEAN đạt được trong năm Chủ tịch của Indonesia.
Chủ tịch ASEAN 2024 sẽ tập trung triển khai các hội nghị tiếp theo, thúc đẩy kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đồng thời giải quyết các thách thức trong bối cảnh địa chính trị biến động không ngừng.
Thủ tướng Lào khẳng định ASEAN cần tiếp tục kết nối nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên, thúc đẩy đối thoại, củng cố thống nhất nội khối, mở rộng hợp tác với các đối tác và giải quyết khác biệt nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực.
Cuối cùng, người đứng đầu chính phủ Lào cam kết hợp tác trong nâng cao năng lực lãnh đạo, củng cố tính thống nhất nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển, đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế, thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác chống biến đổi khí hậu. (TTXVN)
* Nga cảnh báo về châu Á-Thái Bình Dương: Ngày 6/9, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) ở Jakarta (Indonesia), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ: “Người ta đặc biệt chú ý đến nguy cơ quân sự hóa khu vực Đông Á, trong bối cảnh lực lượng và cơ sở hạ tầng của NATO xâm nhập vào khu vực này với sự phụ thuộc vào các cơ chế răn đe ngăn chặn do phương Tây tạo ra, hay như việc thúc đẩy dự án AUKUS mang tính đối đầu, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động triển khai một tổ hợp chiến lược-quân sự có thành phần hạt nhân trong khu vực”.
Nhà ngoại giao Nga cũng chỉ ra rằng, trong quá trình trao đổi quan điểm về các vấn đề quan trọng liên quan khu vực châu Á-Thái Bình Dương, “lập trường nhất quán của Moscow trong việc hỗ trợ củng cố cấu trúc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt trong khu vực cũng như đảm bảo động lực phát triển mạnh mẽ” đã nhận được sự chú ý từ phía các đối tác.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “(Ngoại trưởng Lavrov còn nêu bật) tầm quan trọng của mục tiêu duy trì các cơ chế hợp tác đa phương hoạt động trong khuôn khổ hệ thống phối hợp ASEAN, trên tinh thần đối thoại mang tính xây dựng, phi chính trị hóa và hợp tác sáng tạo dựa trên các nguyên tắc đồng thuận, tôn trọng lẫn nhau và tính đến các lợi ích”.
Bộ trên kết luận: “Nga khẳng định trọng tâm là thiết lập khuôn khổ hợp tác liên quốc gia vững chắc trong khu vực thông qua kết hợp với tiềm năng của các cơ chế đa phương hoạt động trên tinh thần hợp tác tích cực cùng phát triển, bao gồm tăng cường tương tác mang tính xây dựng giữa ASEAN với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU)”. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
ASEAN-43: Lào đón nhận cương vị Chủ tịch ASEAN từ Indonesia |
Nam Thái Bình Dương
* Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Australia vì hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương: Ngày 7/9, hội đàm với người đồng cấp Australia Anthony Albanese bên lề EAS ở Jakarta (Indonesia), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố, khu vực là ngôi nhà chung của cả Trung Quốc và Australia, do đó, phía Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Canberra để chung tay bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.
Ngoài ra, trong cuộc gặp, lãnh đạo Trung Quốc-Australia cam kết tăng cường trao đổi song phương, cũng như nhất trí về tầm quan trọng của quan hệ giữa hai nước.
Theo ông Lý Cường, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Canberra để tái khởi động và khôi phục hoạt động trao đổi song phương trên nhiều lĩnh vực. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định một mối quan hệ Trung Quốc-Australia lành mạnh và ổn định sẽ phục vụ lợi ích cơ bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước.
Về phần mình, Thủ tướng Albanese cho hay, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc rất quan trọng, đồng thời nêu rõ Canberra rất vui mừng trước sự tiến triển trong quan hệ song phương.
Theo nhà lãnh đạo, Australia sẵn sàng thúc đẩy đối thoại và trao đổi với Trung Quốc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế và thương mại, mở rộng giao lưu nhân dân và trao đổi văn hóa, đồng thời xử lý thỏa đáng những khác biệt để xây dựng quan hệ song phương ổn định và mang tính xây dựng. (Tân Hoa xã)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Australia trông đợi chuyến thăm Trung Quốc ‘vào cuối năm nay’ |
Trung Á
* Armenia: Azerbaijan chuẩn bị “khiêu khích quân sự” gần Nagorno-Karabakh: Ngày 7/9, phát biểu tại họp nội các ở Yerevan, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhấn mạnh tình hình quân sự – chính trị khu vực “đã trở nên tồi tệ nghiêm trọng”.
Cho rằng Azerbaijan đang tập trung quân ở biên giới hai nước và gần khu vực miền núi do phe ly khai kiểm soát, ông Pashinya cáo buộc Baku “đang thể hiện ý định hành động khiêu khích quân sự mới chống Nagorno-Karabakh và Armenia”.
Tuyên bố của Thủ tướng Pashinyan được đưa ra trước cuộc bầu cử tống thống đột xuất tại khu vực ly khai vào ngày 9/9, cũng như chỉ vài ngày trước cuộc tập trận chung của lực lượng gìn giữ hòa bình Armenia với Mỹ. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Nga-Azerbaijan điện đàm, tiếp tục hối thúc vấn đề hành lang Lachin |
Châu Âu
* Đức bắt giữ thủ lĩnh nhóm phiến quân Syria: Ngày 7/9, các công tố viên Đức cho biết, hai kẻ tình nghi, Amer A. và Basel O. đã bị bắt giữ ở Kiel và Munich hôm 6/9 và bị tạm giam trước khi xét xử.
Trong đó, Amer A. được cho là đã thành lập “Liwa Jund al Rahman” năm 2013 tại tỉnh Deir ez-Zor, Syria. Các chiến binh dưới quyền người này “liên tục tham gia các hoạt động thù địch chống quân đội Syria”.
Tháng 6/2013, cùng các nhóm thánh chiến khác, lực lượng này đã tham gia tấn công ngôi làng phía Đông Hatlah, khiến 60 cư dân Shiite thiệt mạng. Theo các công tố viên, năm 2014, Amer A. gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và để IS kiểm soát nguồn tài chính cũng như các chiến binh. Amer A. bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Trong khi đó, Basel O. được cho là từng giữ “chức vụ quân sự nổi bật” trong tổ chức của Amer A. năm 2013-2014. Đức cho biết nghi phạm chỉ huy các đơn vị chiến đấu chống lại quân đội Syria, đặc biệt là tại sân bay Deir ez-Zor. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Bộ trưởng Quốc phòng Đức: Berlin ‘phải đảm nhận vai trò lãnh đạo ở châu Âu’ |
Trung Đông-Châu Phi
* Gabon, Trung Phi nhất trí soạn thảo “lộ trình” quay trở lại dân chủ: Ngày 6/9, “Tổng thống chuyển tiếp” của Gabon, Tướng Brice Oligui Nguema, và Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin Archange Touadera, người được giao nhiệm vụ làm đặc phái viên Cộng đồng kinh tế các quốc gia Trung Phi (ECCAS), đã nhất trí vạch ra “lộ trình” khôi phục chế độ dân chủ sau vụ đảo chính tuần trước.
Trong bài phát biểu ngắn phát trên sóng truyền hình Gabon tối 6/9, Tổng thống Touadera nhấn mạnh: “ECCAS đã bổ nhiệm tôi làm người hỗ trợ tiến trình chính trị (ở Gabon)… để soạn thảo lộ trình cho phép nhanh chóng quay trở lại trật tự hiến pháp, với sự đồng ý của tổng thống lâm thời (Nguema)”.
Cùng ngày, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách khu vực Trung Phi, ông Abdou Abarry, đã gặp Tướng Nguema tại Gabon.
Trong cuộc gặp, ông cho hay, các tổ chức Liên hợp quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ Gabon trở lại trật tự hiến pháp.
Phát biểu sau cuộc gặp, ông nêu rõ: “Một khi chúng ta biết lộ trình, thời gian biểu, một khi chính phủ được bổ nhiệm, các cơ quan khác nhau của chúng tôi sẽ thực hiện liên hệ cần thiết và tiếp tục hỗ trợ Gabon”. (AFP/Reuters)