Hàng chục quan chức quân sự cấp cao đã xuất hiện trên kênh truyền hình Gabon để tuyên bố rằng kết quả bầu cử đã bị hủy bỏ, biên giới bị đóng cửa và các cơ quan nhà nước bị giải thể. Họ tuyên bố họ đại diện cho tất cả lực lượng an ninh và quân đội của Gabon.
Cuộc đảo chính thứ 8 ở Tây và Trung Phi từ năm 2020
Theo các hình ảnh trên truyền hình, hàng trăm người đã xuống đường ở Thủ đô Libreville để ăn mừng vào buổi sáng, sau thông báo đảo chính trong đêm và dường như được quay từ Dinh Tổng thống Gabon.
Nếu thành công, đây sẽ cuộc đảo chính thứ 8 ở Tây và Trung Phi kể từ năm 2020. Như đã biết, vụ đảo chính gần đây nhất là ở Niger. Các nhóm quân đội cũng đã nắm quyền ở Mali, Guinea, Burkina Faso và Chad.
Nhóm đảo chính quân đội, tự gọi mình là Ủy ban Chuyển đổi và Phục hồi Thể chế, cho biết Gabon đang “trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thể chế, chính trị, kinh tế và xã hội”, đồng thời cho biết cuộc bầu cử ngày 26 tháng 8 không minh bạch hoặc đáng tin cậy.
Tiếng súng đã được nghe thấy ở Libreville sau tuyên bố lật đổ Tổng thống Bongo, người và gia đình đã nắm nắm quyền lực trong hơn nửa thế kỷ tại quốc gia sản xuất dầu và mangan này. Đường phố phần lớn yên tĩnh sau đó, với việc cảnh sát bảo vệ các giao lộ lớn của thành phố.
Không có phản hồi ngay lập tức từ chính quyền Gabon và chưa có báo cáo về tung tích của ông Bongo, 64 tuổi, người được nhìn thấy lần cuối trong cuộc bỏ phiếu công khai vào thứ Bảy vừa rồi.
Tổng thống Bongo đã xuất hiện trước công chúng trước cuộc bỏ phiếu với vẻ ngoài khỏe mạnh hơn so với những lần xuất hiện yếu ớt và hiếm hoi trên truyền hình trước đó sau cơn đột quỵ vào năm 2019.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết Pháp, nước từng thuộc địa Gabon, đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Cuộc đảo chính ở Gabon đã tạo thêm thách thức cho sự hiện diện của Pháp trong khu vực. Họ có khoảng 350 quân đồn trú ở Gabon. Lực lượng Pháp đã bị trục xuất khỏi Mali và Burkina Faso sau các cuộc đảo chính ở các quốc gia này, trong bối cảnh làn sóng chống Pháp lan rộng trong khu vực. Mới nhất, nhóm đảo chính ở Niger cũng đã ra lệnh cho binh lính và nhân viên ngoại giao Pháp rời đi.
Làn sóng đảo chính lan rộng ở châu Phi
Việc Niger và các quốc gia khác ở khu vực Sahel phải chiến đấu với các cuộc nổi dậy của các chiến binh Hồi giáo đã làm xói mòn niềm tin vào các chính quyền dân chủ. Gabon, nằm xa hơn về phía Nam trên bờ biển Đại Tây Dương, không phải đối mặt với những thách thức tương tự. Tuy nhiên, cuộc đảo chính cho thấy bất ổn đã lan rộng trong khu vực.
Sự bất mãn trước sự nắm quyền kéo dài 56 năm của gia đình Bongo ngày càng tăng ở Gabon, một thành viên của OPEC. Tình trạng bất ổn bạo lực nổ ra sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 của Bongo và có một âm mưu đảo chính thất bại vào năm 2019, vài tháng sau khi vị Tổng thống này bị đột quỵ ở nước ngoài, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của ông.
François Conradie, nhà kinh tế chính trị hàng đầu của Oxford Economics, viết: “Chúng tôi nghĩ rằng những người lính muốn nắm giữ quyền lực và sẽ thiết lập một cuộc đối thoại dưới hình thức nào đó để soạn thảo một hiến pháp mới, đồng thời loại bỏ bộ máy quan liêu của những người trung thành với Bongo”.
Những người chỉ trích Bongo nói rằng gia đình ông đã làm rất ít để chuyển dầu mỏ và của cải khác của Gabon đến với dân số khoảng 2,3 triệu người, 1/3 trong số đó sống trong cảnh nghèo đói.
Gabon sản xuất khoảng 200.000 thùng dầu mỗi ngày, chủ yếu từ các mỏ sắp cạn kiệt. Các công ty quốc tế khai thác ở đây bao gồm TotalEnergies của Pháp và nhà sản xuất Perenco của Anh-Pháp. Công ty khai thác Eramet của Pháp, quốc gia có hoạt động khai thác mangan lớn ở Gabon, cho biết họ đã tạm dừng hoạt động.
Đã có lo ngại về tình trạng bất ổn sau cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và cơ quan lập pháp Gabon. Chính quyền ông Bongo đã cắt internet cũng như áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc sau cuộc bầu cử. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch của cuộc bỏ phiếu và khiến bất ổn leo thang.
Nhóm đảo chính Gabon cho biết, các cơ quan nhà nước mà họ đã giải tán bao gồm chính phủ, thượng viện, quốc hội, tòa án hiến pháp và cơ quan bầu cử. Sau thông báo, việc truy cập internet dường như đã được khôi phục lần đầu tiên kể từ cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy.
Trung tâm bầu cử Gabon trước đó vào thứ Tư cho biết ông Bongo đã thắng cuộc bầu cử với tỷ lệ 64,27% phiếu bầu và đối thủ chính của ông, Albert Ondo Ossa, giành được 30,77%.
Ông Bongo kế vị cha mình là Omar Bongo để làm Tổng thống Gabon vào năm 2009 và tái đắc cử trong cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm 2016.
Huy Hoàng (theo Reuters, AP)