Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Ủy ban Trung hòa carbon và tăng trưởng xanh Hàn Quốc Kim Sang-Huyp bên lề WEF Đại Liên tại Trung Quốc tháng 6/2024. (Nguồn: VGP) |
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) 2025 có chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”. Đại sứ đánh giá như thế nào về chủ đề này với xu hướng hợp tác quốc tế trong tăng trưởng xanh hiện nay?
Quan hệ quốc tế nói chung, các hoạt động hợp tác nói riêng luôn thay đổi, biến động phù hợp với tình hình, lợi ích cũng như khả năng của từng quốc gia tham gia hoạt động này. Trong quá trình đó, tham vấn, đối thoại là chất xúc tác giúp các nước xích lại gần nhau, hợp tác vì mục tiêu chung.
Tăng trưởng xanh, nhu cầu của cả nhân loại không ngoài quy luật này. Bởi lẽ đó, nội dung này trở thành xu hướng chung, là nghị sự của nhiều quốc gia, được đề cập tại nhiều sự kiện quốc tế. Tuy vậy, khó có thể bỏ qua một thực tế, các vấn đề như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh với thành phần tham gia đa dạng như vậy sẽ nhận được nhiều ý kiến phong phú, đôi khi trái chiều. Một lần nữa, tham vấn và đối thoại đã và đang là công cụ chính tạo dựng sự thống nhất của các quan điểm.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ. (Nguồn: TTXVN) |
Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 tổ chức tại Việt Nam lần này, bởi vậy mang trong mình nhiều ý nghĩa. Đó chính là, đóng góp của Việt Nam cũng như của các nước tham gia sáng kiến vào quá trình xây dựng tiếng nói chung về tăng trưởng xanh và bền vững. Đây cũng là thông điệp của Việt Nam gửi đến cộng đồng quốc tế, mọi chính sách, mọi hành động của Chính phủ đều lấy con người làm trung tâm, thông qua chủ trương, chính sách, pháp luật để phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc và đóng góp cho nhân loại.
Bởi những lẽ trên, có thể khẳng định, chủ đề của P4G Việt Nam lần này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung, đồng thời cũng phản ánh rõ chủ trương của Việt Nam, luôn coi con người là trung tâm trong hoạt động của Chính phủ.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong tăng trưởng xanh, với những điển hình về thành phố xanh, quỹ đầu tư xanh, công nghệ xanh… phù hợp với xu hướng mà Việt Nam đang thúc đẩy trong giai đoạn phát triển bứt phá tới đây. Những bài học nào Việt Nam có thể học hỏi từ Hàn Quốc trong lĩnh vực này?
Thống nhất trong chủ trương, nhất quán trong chính sách, bao trùm trong triển khai, nhẫn nại và sáng tạo trong hành động là những phương thức căn bản đang được Hàn Quốc áp dụng để đạt tới các mục tiêu tăng trưởng xanh của mình.
Tăng trưởng xanh, bền vững được coi là mục tiêu chung, toàn xã hội đồng thuận, không thay đổi trong mọi tình huống. Dựa trên chủ trương này, các Chính phủ Hàn Quốc lần lượt đưa ra các chính sách để hiện thực hóa. Với phương châm linh hoạt, sáng tạo, các chính sách này đã lan tỏa sâu rộng, từng bước trở thành chuẩn mực được thừa nhận trong xã hội.
Thỏa thuận Xanh mới (Green New Deal) với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 là một minh chứng. Để triển khai, Chính phủ dùng công cụ thuế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp phát triển công nghệ xanh. Đồng thời, Chính phủ cũng lập quỹ đầu tư xanh cho các dự án năng lượng, giao thông và kinh tế tuần hoàn. Tiếp đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh chính sách tài chính xanh, khuyến khích các tổ chức tài chính phát hành trái phiếu xanh và đầu tư vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường.
Ở cấp độ địa phương, Hàn Quốc xây dựng nhiều thành phố thông minh với mô hình bền vững, tiêu biểu như Songdo, Incheon. Các thành phố này đã áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo tối ưu hóa quy hoạch đô thị, hệ thống giao thông và sử dụng năng lượng tái tạo. Các hoạt động này kết hợp với các chuẩn mực chung đã, đang và sẽ là nguồn lực cho quá trình giảm phát thải ròng của Hàn Quốc.
Với các doanh nghiệp, Hàn Quốc đang đi đầu trong phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm rác thải nhựa và tái chế. Quản lý rác thải, mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là dệt may, chế biến thực phẩm và sản xuất. Đáp lại, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Như vậy, nhất quán, hài hòa, sáng tạo kết hợp với hợp tác công-tư hợp lý, hợp tình và hiệu quả là câu trả lời cho phát triển xanh và tăng trưởng bền vững ở Hàn Quốc.
Songdo là một trong những thành phố thông minh với mô hình bền vững, tiêu biểu của Hàn Quốc. (Nguồn: HBS) |
Việt Nam sang kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ, vươn mình toàn diện. Trong đó, đầu tư nước ngoài là một điểm sáng. Đặc biệt, tăng trưởng xanh được nhiều nước quan tâm, tham gia. Hàn Quốc - Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong các dự án tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Trước hết, cần khẳng định, đây là “con đường hai chiều". Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Hàn Quốc cần có cách tiếp cận toàn diện, thực chất và hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng xanh với phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa với năng lực của từng bên.
Để đạt được điều này, khung pháp lý được hoàn thiện mọi mặt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tiền đề cho đầu tư, là căn bản cho doanh nghiệp phát triển. Đây không thể coi là “việc riêng” của Chính phủ, đóng góp tiếng nói xây dựng, tham gia một cách tích cực cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Xác định ưu tiên, tạo dựng chuẩn mực, chuyển giao công nghệ cũng là những nội dung cấp bách cần được đề cập tới trong các đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Thực tế, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Huyndai, Hanwha đã và đang tham gia các hoạt động này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là những đối tượng không thể bỏ qua, đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng chính sách.
Chỉ với những con người hiểu biết, được đào tạo đầy đủ mới có thể triển khai thành công các chính sách về tăng trưởng xanh, từ đó bảo đảm tính bền vững trong phát triển của đất nước. Nhân tố con người bởi vậy cần được đặt lên hàng đầu trong hợp tác nói chung, Việt Nam-Hàn Quốc nói riêng.
Cùng là thành viên trong các cơ chế hợp tác đa phương, trong đó có ASEAN-Hàn Quốc, Liên hợp quốc, APEC, P4G, theo Đại sứ, hai nước có thể phối hợp ra sao để thúc đẩy các chính sách tăng trưởng xanh?
Như đã đề cập, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là mục tiêu chung của nhiều quốc gia. Một nước không thể “đi một mình", “tự phát triển” mà phải có đối thoại, phải có hợp tác. Các tổ chức quốc tế, các thể chế khu vực chính là nơi ươm mầm cho đối thoại và hợp tác.
Các tổ chức như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC… là những “sân chơi” để các nước có thể kiểm nghiệm, thúc đẩy các chính sách của mình đồng thời cũng là “điểm tập kết” cho nhiều ý tưởng phối hợp. Tại các diễn đàn này, trong các khuôn khổ đã được lập ra, Việt Nam và Hàn Quốc đã liên tục trao đổi, thường xuyên đối thoại và không ngừng hợp tác.
Tin liên quan |
Có thể nhắc lại rằng, Việt Nam chính là nước đã đi đầu trong quá trình nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc thành Đối tác chiến lược toàn diện. Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi toàn diện là những nội dung trọng tâm trong kế hoạch hành động để triển khai mối quan hệ này.
Một trong những ý tưởng Việt Nam có thể đề xuất cùng bảo trợ với Hàn Quốc trong ASEAN là tổ chức những diễn đàn, những hoạt động chung giữa ASEAN và Hàn Quốc về nội dung này. Bằng cách đó, nỗ lực của từng nước sẽ được bàn thảo, được đánh giá và được áp dụng ở tầm rộng hơn, vừa đóng góp cho quá trình xây dựng tiếng nói chung về phát triển bền vững, vừa chuẩn bị cho những bước xa hơn, tiến vào “sân chơi” rộng lớn, mang tính toàn cầu.
Bên cạnh đó, những mô hình như P4G sẽ mang theo trọng trách mới, là "nét cọ" mới cho bức tranh chung đa dạng, đa màu về hợp tác cùng hướng tới thế giới tốt đẹp hơn cho người dân của từng quốc gia.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-p4g-2025-net-co-moi-cho-buc-tranh-da-mau-ve-hop-tac-vi-tuong-lai-310117.html
Bình luận (0)