(CLO) Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần những cơ chế, chính sách mang tính đột phá về thu hút đầu tư, để trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia.
Ngày 17/12, Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hoá) tổ chức hội nghị bàn về cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, diện tích mặt đất và diện tích mặt hồ rất thuận lợi cho việc đầu tư các loại hình về VHTT&DL, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ người dân.
Đây cũng là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa, nơi bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc các địa phương. Đó là những điều kiện thuận lợi để đầu tư, kết nối và mở ra rất nhiều hoạt động mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cũng có nhiều thách thức trong việc huy động nguồn lực đầu tư để phát triển Làng Văn hóa. Chính vì thế, hội nghị nhằm tìm giải pháp thu hút đầu tư vào Làng, đặc biệt là huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và đầu tư cho xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các khu chức năng của Làng theo quy hoạch.
Theo Ban quản lý Làng Văn hóa, tổng diện tích của đơn vị là 1544ha (605ha đất, 939ha đất có mặt nước).
Quy hoạch chung của Làng gồm 7 khu chức năng: Khu trung tâm thể thao, vui chơi giải trí (125,22ha); khu các Làng dân tộc (198,61ha); khu di sản văn hóa thế giới (46,50ha); khu dịch vụ du lịch tổng hợp (138,89ha); khu công viên bến thuyền (341,53ha); khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô (600,9ha); khu quản lý điều hành văn phòng (78,5ha).
Các hạng mục Nhà nước đã đầu tư xây dựng bao gồm: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của dự án; hệ thống cây xanh, cảnh quan; khu các làng dân tộc.
Trong những năm qua, Ban Quản lý Làng Văn hóa đã chủ động làm việc, tiếp đón các công ty, tập đoàn lớn trong nước để mời gọi đầu tư tiêu biểu như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời… Các tập đoàn đã cử đại diện đến và tổ chức khảo sát, tuy nhiên cho đến nay Ban Quản lý chưa nhận được các đề xuất đầu tư vào các khu chức năng.
Năm 2018, Ban Quản lý Làng Văn hóa đã có Quyết định về chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch – Văn hóa – Nghỉ dưỡng Đồng Mô (pháp nhân đại diện cho Công ty CP Eurowindow Holding) thực hiện dự án đầu tư tại Khu dịch vụ du lịch tổng hợp (Khu D).
Dự án này có tên gọi Khu du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì Legend, được thực hiện trên tổng diện tích đầu tư khoảng 120 ha với tổng vốn đầu tư 4.832 tỷ đồng. Hiện dự án đang trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, tuy nhiên gặp nhiều vướng mắc về pháp lý nên chưa thể triển khai dự án trên thực tế.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, việc chưa có dự án đầu tư nào được triển khai là do vướng mắc bởi các quy định của Luật Đầu tư hiện hành với các thẩm quyền của Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 39/2014/QĐ-TTg ngày 15/7/2014.
Để Làng Văn hoá được đầu tư phát triển theo đúng mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã xác định, đồng thời về lâu dài được khai thác, vận hành có hiệu quả, Ban Quản lý Làng đề xuất quan điểm đầu tư phát triển được xác định “Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình khu kinh tế – văn hóa đặc thù, trong đó văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu”.
Theo đó, đề xuất được áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư như khu kinh tế đối với các khu chức năng, nhằm thúc đẩy lợi thế kêu gọi đầu tư và đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu chức năng. Đây cũng là một động lực thúc đẩy hiệu quả và tiềm năng phát triển Làng Văn hóa để trở thành Khu Văn hóa – Du lịch quốc gia.
Thời gian vừa qua, để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, Ban Quản lý Làng Văn hóa đã báo cáo Bộ VHTT&DL kiến nghị, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thường trực Chính phủ sửa đổi và bổ sung Luật Đầu tư, tuy nhiên vẫn có những nội dung kiến nghị chưa được như mong muốn.
Tại Hội nghị, các đại biểu, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp ý kiến và đề xuất. Trong đó, đề nghị cần sớm ban hành các quy chế về đầu tư vào Làng Văn hóa đồng thời quy định chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của Ban quản lý Làng. Ngoài ra, cần làm rõ cơ chế đầu tư như thế nào…
Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa cho biết, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu. Đây là những luật tháo gỡ những vướng mắc về thẩm quyền và cơ chế mà lâu nay đơn vị đang gặp khó khăn.
Làng Văn hóa được xác định hai khu vực: khu vực đầu tư công và khu vực đầu tư tư nhân. Hiện tại, để thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa mạnh hơn rất cần cơ chế chính sách theo đúng quy định pháp luật.
Ông Trịnh Ngọc Chung nhấn mạnh rằng, với khu vực thu hút đầu tư từ nguồn ngoài Nhà nước, cần những cơ chế mang tính đột phá để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào khu vực chức năng theo đúng quy hoạch. Từ đó thu hút được khách du lịch trong nước và quốc tế, để đưa Làng Văn hóa trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia.
Khánh Ngọc
Nguồn: https://www.congluan.vn/lang-van-hoa-de-xuat-thao-go-vuong-mac-trong-hoat-dong-dau-tu-post326085.html