Em 17 tuổi, da mặt tiết nhiều dầu, dùng sữa rửa mặt và một số mỹ phẩm nhưng không cải thiện. Nhờ bác sĩ tư vấn cách kiểm soát. (Tuấn Anh, Bình Dương)
Trả lời:
Da dầu là kết quả của tuyến bã sản xuất quá nhiều chất nhờn. Đặc điểm phổ biến là da thường xuyên tiết dầu, bóng nhờn, lỗ chân lông to, xuất hiện mụn đầu đen, mụn trứng cá. Da dầu thường gặp ở nam giới, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên, có thể kiểm soát bằng những cách dưới đây.
Rửa mặt đúng cách vào mỗi sáng, tối và sau khi tập thể dục giúp loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn bám trên da. Chọn sữa rửa mặt dành cho da dầu mụn hoặc da nhạy cảm, không nên chà xát quá mạnh vì dễ gây kích ứng. Sau khi rửa mặt, có thể dùng thêm nước hoa hồng thoa lên vùng chữ T để cân bằng độ pH và se khít lỗ chân lông.
Chọn sản phẩm chăm sóc da dạng lỏng nhẹ, không chứa dầu, có thể kết hợp sữa rửa mặt với tẩy trang để làm sạch sâu. Sử dụng kem dưỡng ẩm dành cho da dầu hàng ngày giúp cân bằng độ ẩm, giảm tiết bã nhờn. Dùng thêm các sản phẩm có chứa BHA, retinoid, lưu huỳnh, niacinamide, kẽm… cũng tránh tiết dầu.
Thoa kem chống nắng khi đi ra ngoài nhằm ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời. Nên chọn loại có oxit kẽm và titan dioxide, chỉ số SPF từ 30 đến 50. Không sử dụng kem chống nắng chứa dầu hoặc hương thơm.
Sử dụng giấy thấm dầu bằng cách ấn nhẹ lên mặt và giữ trong vài giây để hút bớt lượng dầu thừa. Lướt giấy quá nhanh không lấy hết lượng dầu thừa.
Tẩy da chết 1-2 lần một tuần để loại bỏ bụi bẩn, thông thoáng lỗ chân lông, ngăn ngừa mụn. Không chạm tay lên mặt vì có thể lây lan bụi bẩn, vi khuẩn sang mặt. Chỉ chạm tay vào mặt khi tay đã rửa sạch.
Chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế thức ăn ngọt, béo, chế phẩm từ sữa, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ. Nên bổ sung rau quả như cà rốt, cà chua, cải bó xôi, kiwi, táo. Uống đủ nước để cấp ẩm, tránh mất nước khiến da khô, nứt nẻ.
Sản xuất dầu của tuyến bã nhờn là hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, nếu xảy ra quá mức ảnh hưởng xấu đến làn da.
Nguyên nhân có thể do thay đổi nội tiết tố, thường gặp ở tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, trong thời kỳ kinh nguyệt và mãn kinh. Thói quen ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ; căng thẳng cũng tăng sản xuất bã nhờn. Chăm sóc da sai cách; sử dụng mỹ phẩm không phù hợp; tác động của môi trường; tác dụng phụ của thuốc (thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu…) cũng gây da dầu.
Để cải thiện tình trạng, bạn nên khám ở cơ sở uy tín. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng da, tư vấn cách chăm sóc và điều trị phù hợp.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh da liễu – thẩm mỹ da tại đây để được bác sĩ giải đáp.