Tham dự có lãnh đạo các cơ quan Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị liên quan.
Dấu mốc vì quyền lợi người lao động
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, với thành phần đại diện 3 bên cấp quốc gia, việc hình thành Hội đồng có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi cơ chế xác lập tiền lương tối thiểu tại Việt Nam.
Hội đồng có trách nhiệm đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu, mức tiền lương trên thị trường lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp để xây dựng và khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu hàng năm và từng thời kỳ.
Kể từ khi áp dụng Bộ luật Lao động 2019, Hội đồng được bổ sung thêm các thành viên là chuyên gia độc lập và mở rộng chức năng tư vấn về chính sách tiền lương đối với người lao động.
Cũng theo đại diện Hội đồng, sau 10 năm hoạt động, Hội đồng đã và đang từng bước khẳng định được vai trò trong thiết chế tiền lương tối thiểu ở Việt Nam, nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, người lao động.
Kể từ thời điểm thành lập đến nay, hàng năm, Hội đồng đều tổ chức các phiên họp để xem xét, thương lượng các phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu trong các năm từ 2014 đến 2022, mức tăng từ khoảng 5.5% đến 15.2% trên cơ sở đồng thuận giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động.
Năm 2019, để tiếp tục tăng cường năng lực và đảm bảo vai trò độc lập, tư vấn của Hội đồng, căn cứ BLLĐ 2019, Hội đồng đã được kiện toàn, ngoài 15 thành viên đại diện các bên theo quy định, Hội đồng đã được bổ sung thêm 2 thành viên là chuyên gia độc lập.
Đặc biệt, chức năng của Hội đồng cũng được mở rộng, ngoài chức năng tư vấn về mức lương tối thiểu còn bổ sung thêm chức năng tư vấn về chính sách tiền lương đối với người lao động.
Tháng 12/2019, dịch Covid-19 xuất hiện và tác động nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội, trong đó có việc làm, thu nhập của người lao động và gia đình họ. Trước tình hình đó, Hội đồng đã đưa ra nhiều khuyến nghị phù hợp theo bối cảnh đất nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lấy đà phục hồi, cũng như giúp cho người lao động giữ được việc làm, hoặc có cơ hội thuận lợi tái tham gia thị trường lao động.
Trong bối cảnh phục hồi phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch, Hội đồng đã thống nhất khuyến nghị với Chính phủ, đưa phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng bình quân 6% kể từ ngày 1/7/2022.
Đồng thời, Hội đồng cũng lần đầu tiên ban hành quy định mức lương tối thiểu theo giờ để tăng cường sự bảo vệ cũng như mở rộng độ bao phủ của lương tối thiểu đến các nhóm lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, làm các công việc ngắn hạn, bán thời gian.
Tiếp tục phát huy sứ mệnh của Hội đồng tiền lương
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Hội đồng tiền lương quốc gia đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm vì lợi ích chung, 10 năm với nhiều thành tựu ấn tượng.
Tính đến nay, mức lương tối thiểu theo tháng đã tăng 99,1% so với năm 2013. Đặc biệt vào năm 2020, lần đầu tiên mức lương tối thiểu đạt được mục tiêu “bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam ban hành loại hình lương tối thiểu theo giờ để mở rộng độ bao phủ của tiền lương tối thiểu đến các nhóm lao động còn lại chưa được lương tối thiểu theo tháng bảo vệ.
Các lần khuyến nghị của Hội đồng đều được Chính phủ đánh giá cao, phù hợp và thống nhất công bố, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, góp phần cải thiện đời sống người lao động, không gây tác động tiêu cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
10 năm hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia cho thấy, việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Thông qua Hội đồng, cơ chế xác lập tiền lương tối thiểu ở Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực, từ chỗ do Nhà nước xác định, công bố (như trong Bộ luật Lao động năm 1994) sang cơ chế xác lập dựa trên kết quả thương lượng, thỏa thuận giữa các đối tác ở cấp quốc gia. Cơ chế này góp phần nâng cao mức độ bảo vệ người lao động, giảm bất bình đẳng và nghèo đói, duy trì quan hệ lao động hài hòa, nâng cao năng suất, giúp thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, tiền lương tối thiểu vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách tiền lương, là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiền lương và an sinh xã hội.
Trên chặng đường tiếp theo, Hội đồng tiền lương quốc gia khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động nghiên cứu đa chiều, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, thương lượng và đề xuất mức lương tối thiểu hợp lý với từng năm, thời kỳ, dựa trên bằng chứng và cơ chế đối thoại và thương lượng ba bên hiệu quả và tin cậy.