Ngày 22/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận và biểu quyết thông qua một số dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Theo đó, sau khi nghe các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết: về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; về phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu Quốc gia; biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.
Trong ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Qua thảo luận các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể chế hóa xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số; bổ sung các chính sách mới, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông và các dịch vụ viễn thông; mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế – xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số.
Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các điều khoản nhằm hoàn thiện dự thảo luật, như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, đặc biệt là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực mới như dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, OTT, dịch vụ trung tâm, dịch vụ điện toán đám mây, chính sách, điều kiện kinh doanh, quản lý đối với các dịch vụ mới này. Tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tính tương thích phù hợp với các điều ước quốc tế. Quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được đảm bảo an toàn viễn thông cho cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ; cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông… Đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến cơ sở, căn cứ, mục đích thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hiệu quả, nguyên tắc hoạt động của quỹ…
Thảo luận về việc xây dựng dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Đồng thời, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu góp ý cụ thể về tên gọi của luật; về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam; về căn cước điện tử…
Mai Lan