Bộ máy gọn nhẹ, dân được hưởng lợi, đất nước có thêm nguồn lực phát triển

(Dân trí) - Thay vì bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc và "ngốn" tới 70% ngân sách, một bộ máy tinh, gọn, nhẹ sau sắp xếp sẽ giúp dành nhiều nguồn lực cho phát triển, và người dân được hưởng lợi từ chính việc này.

Báo Dân tríBáo Dân trí22/02/2025

Những bước đi đầu tiên của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy vừa được hoàn thành, bằng việc tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số lượng thành viên Chính phủ cũng như cơ cấu tổ chức bộ máy Quốc hội.

Sau sắp xếp, Chính phủ giảm 5 bộ, ngành và 3 cơ quan trực thuộc, chỉ còn 22 đầu mối thay vì 30 như trước đây. Bộ máy lãnh đạo Chính phủ gồm Thủ tướng, 7 Phó Thủ tướng và 17 bộ trưởng, trưởng ngành.

Ở khối Quốc hội, trước khi sắp xếp có 14 cơ quan, sau khi sắp xếp còn 9 cơ quan, giảm 5 cơ quan, đạt tỷ lệ giảm 37,5%. Số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV là 19 người, gồm: Chủ tịch Quốc hội, 6 phó chủ tịch Quốc hội và 12 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, các Ban Đảng Trung ương cũng đã hoàn thành việc sắp xếp với việc giảm 2 đầu mối, trong đó 4/6 lãnh đạo mới được giao nhiệm vụ so với đầu nhiệm kỳ.

Ấn tượng về tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) ghi nhận các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã thể hiện những quyết sách kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn cuộc sống.

"Đây là tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế nhằm tạo đột phá phát triển đất nước", nữ đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Hồng Phong).

Ấn tượng với tính đột phá và trách nhiệm trong kỳ họp vừa qua, bà Tâm nhấn mạnh đó là kỳ họp tạo nền tảng để kiến tạo bộ máy tinh gọn.

Dù công việc hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị hoạt động năng suất, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo phù hợp cho giai đoạn phát triển mới của đất nước là cả một quá trình lâu dài, song bà Tâm nhấn mạnh kết quả của kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 vừa qua là tiền đề quan trọng cho quá trình đó.

Đặc biệt, nữ đại biểu chia sẻ rất ấn tượng với quan điểm của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về những nội dung cốt lõi, đột phá của việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đó là đảm bảo tính phân cấp, phân quyền, ủy quyền; tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý; đảm bảo tính ổn định và liên thông.

Việc bấm nút thông qua các luật, nghị quyết liên quan đến tổ chức, sắp xếp bộ máy, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đã thể hiện tư duy đột phá trong công tác xây dựng lập pháp, điển hình là thực hiện việc ủy quyền lập pháp.

Nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy đã được Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 (Ảnh: Phạm Thắng).

Với việc này, bà kỳ vọng sẽ khắc phục được thực trạng chồng chéo, vướng mắc trong thời gian qua là không thể phân cấp, phân quyền, ủy quyền khi hàng trăm luật quy định rất cụ thể thẩm quyền từ Thủ tướng đến bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các địa phương…

Nữ đại biểu khẳng định những luật vừa được thông qua sẽ tạo cơ chế để thực hiện theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", tránh dồn việc lên Chính phủ.

Bộ máy bớt rườm rà sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách

Ông Nguyễn Túc (Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cũng chia sẻ nhiều kỳ vọng vào cơ cấu bộ máy các ban Đảng, Chính phủ và Quốc hội sau sắp xếp.

"Bộ máy tinh gọn, bớt rườm rà sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục, giúp người dân bớt bị phiền hà, nhũng nhiễu do bộ máy nhiều tầng nấc như trước kia", ông Túc nói, và chia sẻ thêm, chủ trương tinh gọn bộ máy được nhân dân trông đợi, kỳ vọng từ rất lâu.

Ông nhận định bộ máy mới sau sắp xếp bước đầu đã đảm bảo tinh gọn, giảm khâu trung gian, giảm đầu mối và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, với nguyên tắc rõ ràng "một việc chỉ giao một người và một người có thể làm nhiều việc, ai làm tốt nhất thì giao".

"Với nguyên tắc này sẽ không còn câu chuyện trách nhiệm tập thể, mà quy định rõ trách nhiệm cá nhân để nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của mỗi cán bộ, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc, cũng giảm bớt được tiêu cực", ông Túc nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Ảnh: Quang Vinh).

Với bộ máy tinh gọn bước đầu lần này, ông Túc kỳ vọng trong giai đoạn tới, chúng ta sẽ không phải đau đáu, trăn trở với thực tế 70% ngân sách Nhà nước phải chi cho bộ máy, còn nguồn lực chi cho đầu tư phát triển rất hạn hẹp.

"Tới đây, với bộ máy tinh gọn, chúng ta sẽ có thêm nguồn ngân sách chi cho các mục tiêu đầu tư phát triển, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước", ông Túc nêu quan điểm.

Với cách làm quyết liệt "vừa chạy vừa xếp hàng" như vừa qua, ông góp ý cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không làm theo kiểu phong trào, vì việc sắp xếp bộ máy liên quan đến tổ chức và con người nên phải hết sức thận trọng.

Ông Túc cũng đánh giá cao việc nhiều cán bộ, lãnh đạo ở các đơn vị, địa phương tự nguyện xin nghỉ trước tuổi để tạo điều kiện cho sắp xếp bộ máy.

Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng 4 bộ trưởng được Quốc hội phê chuẩn, bổ nhiệm (Ảnh: VGP).

Vì vậy, ông nhấn mạnh cần đảm bảo chế độ, chính sách hỗ trợ tốt cho những cán bộ này, bởi việc xin nghỉ sớm của họ cũng là một sự hy sinh cho cuộc cách mạng tinh gọn.

Bên cạnh đó, ông Túc cũng lưu ý cần chú trọng chính sách giữ chân người tài ở lại trong bộ máy Nhà nước để tiếp tục cống hiến.

Khẳng định hiếm khi nào cảm thấy một khí thế mới đầy quyết tâm như giai đoạn này, ông Túc thể hiện tin tưởng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà Tổng Bí thư Tô Lâm phát động, một cuộc cách mạng diễn ra rất nhanh, rất dồn dập, trong thời gian rất ngắn nhưng đầy quyết tâm và khí thế.

Khí thế mới, quyết tâm mới bước vào kỷ nguyên mới

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ cũng khẳng định cơ cấu bộ máy mới của Chính phủ, Quốc hội sau sắp xếp chắc chắn sẽ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn do giảm được sự chồng chéo, trùng lặp và những bất cập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

"Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói, bộ máy gọn nhẹ thì đất nước mới có thể cất cánh", ông Hạ chia sẻ và nói thêm rằng, nếu 70% ngân sách vẫn phải dành chi cho bộ máy khổng lồ như trước kia, sẽ không còn kinh phí chi cho đầu tư phát triển, và như vậy, đất nước không thể cất cánh.

Đi kèm với bộ máy mới tinh gọn, vị đại biểu góp ý cần tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ (Ảnh: Hồng Phong).

"Khi bộ máy gọn hơn, con người giảm đi thì mỗi cán bộ phải gánh nhiều việc hơn. Vì vậy, cần lựa chọn những người đủ năng lực, trình độ và phẩm chất để đảm đương khối lượng công việc đó", ông Hạ nêu quan điểm.

Ở một góc độ khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội nhìn nhận những cán bộ tự nguyện xin nghỉ trước tuổi để tạo thuận lợi cho sắp xếp bộ máy cũng là một sự hy sinh rất đáng ghi nhận.

"Họ nghỉ không phải vì họ yếu kém hay buộc phải nghỉ, mà họ nghỉ với tinh thần vì sự nghiệp chung. Họ muốn trao lại cơ hội, trọng trách và gửi gắm niềm tin cho những người ở lại, vì vậy, đội ngũ cán bộ còn lại trong bộ máy cũng phải coi đó là động lực để làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn, xứng đáng với sự hy sinh và gửi gắm của những người đã tự nguyện xin nghỉ", ông Hạ nói.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh cần đảm bảo chế độ, chính sách cho những cán bộ tự nguyện xin nghỉ, và cả những cán bộ tiếp tục ở lại cống hiến trong bộ máy.

Với bộ máy mới sau sắp xếp, ông Hạ đánh giá sự "tinh, gọn, nhẹ" sẽ đem tới hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế, mà trước hết người dân sẽ được hưởng lợi từ một bộ máy bớt cồng kềnh.

"Việc giải quyết thủ tục của người dân chắc chắn sẽ nhanh gọn hơn, không bị phân khúc hay còn tình trạng làm một thủ tục phải chạy mấy nơi. Như trước kia, vấn đề trẻ em có 17 đầu mối phụ trách nhưng khi xảy ra vấn đề, không nơi nào chịu trách nhiệm, còn với bộ máy và tinh thần phân cấp, phân quyền rõ ràng như hiện nay, tắc ở khâu nào, khâu đó phải chịu trách nhiệm", ông Hạ phân tích.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông cũng đánh giá cao tinh thần phân cấp, phân quyền rất rõ ràng lần này giữa Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng và cấp địa phương, cũng như giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành.

"Bộ máy tinh gọn đi kèm với phân cấp, phân quyền rõ ràng, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong điều hành, xử lý các công việc của Chính phủ và các cấp, các ngành", ông Hạ nói.

"Chúng ta bước vào kỷ nguyên mới với tinh thần mới, khí thế mới đầy quyết tâm, đầy hứa hẹn nhưng cũng có rất nhiều thách thức cần đối diện, nhưng rõ ràng, cả nước đang có bước chuyển mình mạnh mẽ và đầy tự tin, tạo cảm hứng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tiềm lực, tiềm năng nội tại của đất nước", theo lời đại biểu Tạ Văn Hạ.

Ông chia sẻ thêm, để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy, suốt thời gian qua, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đã làm việc với tinh thần hết sức khẩn trương, trách nhiệm, làm việc không kể ngày đêm hay lễ Tết.

"Thời gian ấy, đi đến đâu cũng thấy các phòng làm việc sáng đèn, kể cả lúc nghỉ ngơi hay trên bàn ăn, mọi người cũng đều bàn đến công việc. Thực sự rất áp lực, nhưng đó cũng là động lực rất lớn, vì với chủ trương đúng, mỗi cán bộ trong bộ máy sẵn sàng làm việc hết mình để nâng cao hiệu quả công việc, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước", ông Hạ chia sẻ.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-may-gon-nhe-dan-duoc-huong-loi-dat-nuoc-co-them-nguon-luc-phat-trien-20250221231317191.htmt


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available