Ngày 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc lựa chọn chuyên đề giám sát này là thiết thực, kịp thời, hiệu quả; ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của Đoàn giám sát cùng các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương các cấp trong thực hiện giám sát, góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội.
Trong đó khẳng định: việc sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước, địa phương, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm, đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong giai đoạn dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đã đặt ra.
Quyết tâm chung sức đồng lòng, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định giúp chúng ta chiến thắng đại dịch COVID-19. Sự nỗ lực của Chính phủ, của chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội… sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cùng sự tự giác chấp hành và hỗ trợ, chia sẻ trong toàn dân đã đóng góp rất quan trọng vào sự thành công trong công tác phòng, chống đại dịch.
Thành công lớn nhất của Việt Nam trong phòng, chống dịch là nhân dân tin tưởng vào đường lối của Đảng, Nhà nước, đồng lòng, đồng sức thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, thể hiện tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong khó khăn gian khổ, để đạt được những thành tựu cụ thể trong phòng, chống dịch bệnh…
Tuy nhiên, đại dịch đã làm bộc lộ những khó khăn, bất cập, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; những hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng như: hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.
Công tác quản lý, điều phối nguồn lực xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế, lúng túng trong tổ chức, thực hiện, hiệu quả sử dụng chưa cao. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch. Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa thực sự ổn định, trải qua nhiều lần thay đổi, mô hình quản lý trung tâm y tế huyện chưa thực hiện thống nhất trên cả nước; Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn; Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”…
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều biện pháp để vừa phát huy tốt nhất những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, vừa kịp thời xử lý có hiệu quả những vướng mắc, bất cập, hạn chế còn tồn tại qua giám sát như: cần có cơ chế phân cấp hợp lý trong ứng phó với dịch bệnh; chú trọng đầu tư cho trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa; tiếp tục quan tâm tới chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở và cần có chính sách đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc cho nhân lực y tế cơ sở; cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn mua sắm đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm, đặc biệt sau thời gian hậu COVID – 19…
Mai Lan