새해 복 많이 받으세요

Việt NamViệt Nam09/02/2025


Niềm tin vào tăng trưởng

Nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan ở những ngày đầu xuân Ất Tỵ được điểm qua, nhân lên niềm tin và kỳ vọng về sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam năm 2025.

Những khởi đầu lạc quan

Năm 2024, lượng khách tham quan và lưu trú du lịch trên địa bàn Quảng Nam tăng đáng kể so với cùng kỳ, cả về lượng khách quốc tế lẫn nội địa. Đây được xem là tín hiệu tích cực để dự báo bức tranh du lịch của tỉnh năm 2025 phát triển tốt hơn.

Cụ thể, theo phân tích của UBND tỉnh, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch đến Quảng Nam dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ ước đạt 395 nghìn lượt, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024.

z6283919067873_50059fdf90c24af96813328de365027a.jpg
Ngày 3/2, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị giao ban đầu xuân Ất Tỵ năm 2025. Ảnh: HÀN GIANG

Một tín hiệu lạc quan khác, thu ngân sách trong tháng 1/2025 của tỉnh giữ được đà, với khoảng hơn 10,7% kế hoạch. Trong lễ ra quân đầu năm 2025, doanh nghiệp “sếu đầu đàn” của Quảng Nam - THACO tổ chức khánh thành 6 công trình, dự án lớn - hứa hẹn về một bức tranh tăng trưởng kinh tế rất tích cực của tỉnh.

Năm 2025, Quảng Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 9,5 - 10% và phải phấn đấu hoàn thành, nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cùng cả nước thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn sắp tới.

Tranh thủ cơ hội phát triển

Trong khí thế mới, ngay sau kỳ nghỉ tết, lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo mạnh mẽ, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tại hội nghị giao ban đầu xuân mới Ất Tỵ năm 2025, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh các đầu việc trọng tâm cần thực hiện trong tháng 2/2025, tạo sự hanh thông cho việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển đề ra của tỉnh.

Trước mắt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc, quyết liệt thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo đi vào hoạt động ổn định trong tháng 2.

Cùng với đó, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các tài sản công, dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng gây ra lãng phí. Trên cơ sở rà soát, các ngành, địa phương thống kê, có báo cáo chuyên đề với Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, tập trung chỉ đạo, với tinh thần rõ giải pháp, rõ người, rõ việc trong xử lý, giải quyết.

ra-quan.jpg
Thaco tổ chức lễ ra quân 2025 vào mùng 6 Tết Ất Tỵ. Ảnh: TRỊNH DŨNG

“Trung ương đang rất quyết tâm, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đây là cơ hội của tỉnh, nếu bỏ mất sẽ lãng phí một nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển. Nếu không huy động được nguồn lực từ các dự án lãng phí này, chúng ta sẽ không đủ nguồn lực để tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn sắp tới. Việc này rất khẩn trương, đề nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh chỉ đạo rà soát ở tất cả địa phương để thống kê, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể, rõ ràng nhằm tập trung chỉ đạo” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác cần tập trung thực hiện là tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án. Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đây là điểm nghẽn rất lớn, nhưng giải pháp đề ra chưa mạnh, chưa quyết liệt, cho nên chưa tạo ra xung lực trong giải quyết. Trong chương trình làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 2 cũng nghe báo cáo chuyên đề này. Theo đó, sẽ tính toán việc cơ cấu lại các tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất; cần thiết thì thành lập một bộ phận có chất lượng cao hơn nằm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ này ở các địa phương…

Rộn ràng khí thế sản xuất đầu xuân

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục ra quân sản xuất đầu năm, ngay từ mùng 6 Tết. Sự khởi động này được kỳ vọng sẽ có một năm sản xuất kinh doanh ổn định, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh trong năm 2025.

Người lao động quay lại nhà máy

Xuyên suốt kỳ nghỉ tết dài, anh Nguyễn Thanh Sơn (quê ở tỉnh Hà Tĩnh) đang làm việc tại đội phòng cháy chữa cháy tại chỗ của Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp (KCN) Quảng Nam - Đà Nẵng (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) vẫn bám công việc cùng đồng nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết tặng quà động viên người lao động nhân dịp xuân mới. Ảnh: DIỄM LỆ

“Chúng tôi trực xuyên tết, tôi cũng không về thăm quê, ở lại làm việc. Làm việc quen rồi, cũng nhớ nhà nhưng để sắp xếp thời gian về thăm quê sau. Cả công ty đã đi làm lại từ mùng 6 Tết, mọi người đều đi làm với khí thế hào hứng sau kỳ nghỉ với gia đình. Chúng tôi mong một năm làm việc an toàn, lao động được chăm lo chu đáo là yên tâm rồi” - anh Nguyễn Thanh Sơn nói.

Tại Công ty CP Phước Kỳ Nam (nhà máy ở Tam Kỳ và Tiên Phước), với khoảng 5.000 lao động cũng bắt đầu làm việc lại từ ngày 3/2. Không khí làm việc đầu xuân rộn ràng, đầy tiếng cười khi công ty đã có đơn hàng ngay đầu năm để lao động quay lại làm việc.

Anh Nguyễn Văn Quốc, một lao động tại nhà máy ở Tiên Phước nói: “Cuối năm, công ty đã giải quyết đầy đủ chế độ cho lao động nên chúng tôi rất phấn khởi, ăn tết vui vẻ. Đầu năm, công ty thông báo làm việc lại vì có đơn hàng cần hoàn thành, nên chúng tôi càng yên tâm, tin tưởng vào một năm có việc nhiều, thu nhập tốt. Chúng tôi chỉ mong công ty phát triển, đơn hàng nhiều thì công việc của chúng tôi mới ổn định, cuộc sống thêm thong thả hơn”.

Những kỳ vọng mới

Tại các KCN lớn của tỉnh như Tam Thăng, Tam Thăng 2, Thuận Yên (Tam Kỳ), Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), Bắc Chu Lai (Núi Thành)... các doanh nghiệp (DN) cũng bắt đầu khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh từ ngày 3/2 đến nay.

20240508_110119.jpg
Xí nghiệp may Ánh Sáng 2 (Thăng Bình) tạo môi trường làm việc an toàn cho lao động nữ. Ảnh: DIỄM LỆ

Theo ông Vũ Hồng Nhân - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (Cizidco), ở cả hai KCN do Cizidco làm chủ đầu tư, các DN đã bắt đầu hoạt động lại.

Ông Nhân cho biết: “Kế hoạch trong năm 2025 của công ty gồm các đầu việc cụ thể, từ hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng 9,2ha và thực hiện thuê đất, đầu tư hạ tầng tại KCN Bắc Chu Lai. Tại KCN Tam Thăng thực hiện điều chỉnh tiến độ thực hiện đầu tư và điều chỉnh dự án, tiếp tục hỗ trợ Công ty Panko hoàn thành cấp phép môi trường, đồng thời hoàn thành cấp phép môi trường cho KCN. Quỹ đất trống còn tại KCN đã đảm bảo kết cấu hạ tầng, Cizidco sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư dự án mới, đồng thời bồi thường, giải phóng mặt bằng 38ha còn lại và thực hiện thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng”.

Tại KCN Tam Thăng 2, Công ty CP Capella Quảng Nam là chủ đầu tư cho biết hiện có 7 DN thuê đất, trong đó có 4 DN đang hoạt động, 1 DN đang triển khai xây dựng. Lao động đang làm việc là 686 người. Ông Nguyễn Phương Chính - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Capella Quảng Nam thông tin, trong năm 2025 này, KCN Tam Thăng 2 sẽ thu hút thêm 8 dự án mới, được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động và giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ông Chính cho biết: “Capella đã thực hiện ký kết thành công thỏa thuận ghi nhớ với Công ty Tinfulong Material Singapore PTE và đang thực hiện thủ tục cấp chứng nhận đầu tư, đã hỗ trợ hoàn thành cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH OBE Việt Nam, Công ty TNHH Yue Teng Sporting Goods. Công ty cũng tiếp tục làm việc với các đoàn nhà đầu tư thứ cấp đến khảo sát, đặt vấn đề thuê đất”.

Trong khi đó, tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, hiện có 76 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 23 nghìn lao động, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Lành - Giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết: “Trong KCN có những dự án không hiệu quả, bỏ hoang phí đất công nghiệp thì chúng tôi đã kêu gọi các dự án hiệu quả hơn vào thay thế. Thời gian sắp tới sẽ tiếp tục rà soát lại, dự án nào không tiếp tục sẽ thỏa thuận với chủ DN theo đúng quy định của pháp luật, nếu không hoạt động nữa thì thay thế đơn vị hiệu quả hơn”.

Tạo thuận lợi về môi trường đầu tư

Trong chuyến thăm và làm việc đầu xuân với các DN, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy động viên, hoan nghênh chủ đầu tư các KCN lớn của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thu hút đầu tư, đóng góp tích cực cho ngân sách tỉnh và sự phát triển kinh tế, xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong khu vực.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các chủ đầu tư kêu gọi dự án có chọn lọc, ưu tiên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dự án sạch. Đối với các KCN đã lấp đầy nhưng có dự án hoạt động không hiệu quả, bỏ hoang phí đất thì chủ đầu tư đã kịp thời thay đổi, kêu gọi dự án mới như cách làm của chủ đầu tư KCN Điện Nam - Điện Ngọc khá hiệu quả.

Với những vướng mắc về việc tính giá cho thuê đất, giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng, làm cơ sở thu hút dự án đầu tư mới ở các KCN, Bí thư Lương Nguyễn Minh Triết đã yêu cầu các đơn vị, sở ngành, UBND tỉnh tích cực hỗ trợ cho DN. Bản thân các DN, chủ đầu tư tích cực kiến nghị, đề xuất, chủ động đặt lịch làm việc với các cơ quan thì các cơ quan của tỉnh cũng phải vào cuộc hỗ trợ tối đa cho DN theo đúng quy định của pháp luật.

Quảng Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng trước khí thế và niềm tin của doanh nghiệp đang đầu tư và kỳ vọng với Quảng Nam.

anh-chu-tich.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi cán bộ thôn, tổ dân phố tại buổi gặp mặt do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức vào ngày 17/1/2025. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

* Thưa ông, chỉ tiêu tăng trưởng 7,1% đã phản ánh niềm tin của doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền tỉnh?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ VĂN DŨNG:

Kinh tế của tỉnh tăng trưởng âm như năm 2023 có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu nhất là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không có điều kiện mở rộng đầu tư, thị trường.

Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trọng tâm nhất là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ các điều kiện để các loại hình kinh tế phát triển, kể cả doanh nghiệp FDI, bất động sản, thương mại - dịch vụ. Đối với các hợp tác xã, tỉnh cũng tổ chức đối thoại để lắng nghe, tìm cách giải quyết khó khăn.

Đồng hành, từng bước tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù chưa phải đã hết khó khăn, nhưng doanh nghiệp có niềm tin rất lớn đối với sự điều hành của chính quyền tỉnh. Theo tôi biết, hiện nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, sẽ là cơ hội để nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng và phát triển.

* Những giải pháp nào sẽ được tỉnh tập trung để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 9,5 - 10% trong năm nay, và hướng đến khát vọng tăng trưởng 2 con số cùng cả nước, thưa ông?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ VĂN DŨNG:

Khí thế và niềm tin của doanh nghiệp đối với Quảng Nam rất lớn, đây là cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. UBND tỉnh cũng rất kỳ vọng vào việc tăng trưởng kinh tế sắp đến, với sự sẵn sàng và có đủ cơ sở về niềm tin thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với mức hai con số như nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra và chỉ đạo của Trung ương.

Quảng Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là kịp thời tháo gỡ khó khăn thu hút đầu tư; khơi thông các nguồn lực trong xã hội bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế mới tăng trưởng.

Chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là chế độ công vụ, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự đồng hành với doanh nghiệp, vì người dân. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, chống cho được tình trạng lãng phí hiện nay. Có một số dự án, công trình đang dở dang có thể gây lãng phí lớn cho xã hội, cần phải giải quyết, một mặt chống lãng phí, vừa góp phần khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh lĩnh vực khai khoáng vốn còn nhiều tiềm năng. Cũng như hỗ trợ đầu tư phát triển cho lĩnh vực hợp tác xã, nhằm kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản…

Vui cuộc hội làng

Trống hội đã giục ở các miền quê. Người khắp nơi về dự cuộc hội làng đầu xuân, mong ước một năm rộn ràng như hội...

Đua ghe trên sông Thu Bồn. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Đầu tiên từ lễ cúng tổ ở các làng nghề truyền thống xứ Quảng, cho đến những bước chân đi quanh làng rước sắc rước thần - đặc trưng của tục lệ thờ Mẫu, hay dừng chân vùng biển xem hội cầu ngư... Những cuộc hội rộn ràng mời gọi người khắp nơi.

Mỹ tục vùng Đại Lộc

Nhiều mỹ tục, lễ hội truyền thống dân gian giàu tính cố kết cộng đồng ở vùng Đại Lộc đang được phát huy.

Những cuộc hành hương về miền tâm linh với chùa chiền, dinh miếu, đình làng tiếp nối trong mỗi mùa xuân. Và những lễ hội lớn nhỏ được tổ chức theo ngày tháng giêng hai. Dẫu cuộc sống mưu sinh có khó khăn, tất bật, song trong cộng đồng dân cư, mạch nguồn văn hóa tâm linh vẫn được bảo tồn, nhắc nhớ mỗi người không quên lệ làng, nguồn cội.

Người dân Đại Lộc lẫn du khách thập phương vẫn thường viếng thăm các chùa lớn như: Cổ Lâm, Giác Nguyên, Hà Tân... Lệ thường, đi chùa đầu năm để hái lộc, cầu may, cầu an trong năm mới. Nhiều ngôi chùa đã dán những tấm thiệp đỏ trên những cành cây, để tín đồ phật tử, người dân khắp nơi sau khi dâng hương, đảnh lễ Phật, không quên hái về một tấm thiệp với những ước nguyện đầu xuân.

Cư dân vùng Đại Lộc còn gắn bó với nhiều lễ hội trải dài đến hết cả tháng Giêng. Mùng 6, lễ hội đua ghe truyền thống do UBND huyện Đại Lộc tổ chức sôi nổi khắp bến sông Ái Nghĩa, thu hút cả nghìn người dân, du khách tham gia. Đây là một trong những mỹ tục đầu xuân được người dân Đại Lộc gìn giữ, bảo tồn và có sức hút mạnh mẽ.

Vùng Đại Lộc còn có lễ hội đua ghe truyền thống trên Bàu Ông (sáng mùng 8 tháng Giêng), thuộc xã Đại Nghĩa; giải đua trên sông Thu Bồn qua địa phận xã Đại Thắng, thu hút các đội đua đến từ các xã vùng B huyện Đại Lộc, vùng tây Duy Xuyên và vùng Điện Trung, Điện Phong, Điện Quang (thị xã Điện Bàn)… Những giải đua thuyền trên sông Vu Gia, Thu Bồn và Bàu Ông thu hút hàng trăm vận động viên không chuyên lẫn chuyên nghiệp với các nội dung thi đấu: giải hòa bình, giải nam chính và giải nữ chính. Các vòng đua diễn ra sôi nổi trong tiếng reo hò, cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo khán giả là người dân và du khách thập phương.

Mùng 7 tháng Giêng, lễ hội bà Chúa Ngọc vùng Đại Đồng được cư dân duy trì, gìn giữ. Mùng 10 tháng Giêng, lại sôi nổi lễ hội bà Phường Chào của cư dân khu Hoán Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa... Các lễ hội dân gian vùng Đại Lộc luôn có phần lễ và phần hội đan xen, làm nên sức sống của lễ hội trong cộng đồng.

Hội nghề truyền thống

Nức danh với xứ đất trăm nghề, thì cũng sẽ có từng ấy lễ cúng tổ nghề. Những ngày đầu xuân, du khách hào hứng với các trải nghiệm trong ngày hội giỗ tổ nghề tại Hội An. Ngay mùng 7 Tết, “làng du lịch tốt nhất thế giới” Trà Quế đã thơm nồng hương rau quế rau mùi, trong lễ hội Cầu bông - thời khắc người dân bày tỏ sự thành kính, lòng biết ơn trời đất, các vị thần linh, những bậc tiền nhân mở đất lập làng và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, mùa màng bội thu.

tam-linh-2.jpg
Nhiều nam thanh nữ tú đến chùa Cổ Lâm vào Mùng 2 Tết. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Người dân làng Trà Quế năm nay có thêm niềm vui từ Giải thưởng làng du lịch tốt nhất do Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc trao tặng. Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, những nỗ lực trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa, các sinh hoạt tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, nếp sống, nếp sinh hoạt lâu đời lẫn sự sáng tạo của bà con làng Trà Quế đã được nhận chân.

Lễ hội Cầu Bông và làng rau Trà Quế nói chung là một “bức tranh” đẹp về đời sống nông nghiệp và tinh thần nông dân rõ nét tại Hội An. Trong lễ hội này, người dân sắm sửa các mâm lễ vật cúng tạ và tham gia các hoạt động dân gian sôi nổi trong ngày hội như: hội trò chơi dân gian bài chòi, biểu diễn lân - sư - rồng, hội thi trình diễn cuốc đất cấy cải và hội thi ẩm thực...

Ở vùng ven sông hữu ngạn Thu Bồn, làng mộc Kim Bồng cũng đang bắt đầu chờ ngày hội làng nghề truyền thống, diễn ra cùng lúc với lễ tế tiền hiền. Năm nay, chương trình tổ chức vào những ngày cuối tuần này (8 và 9/2/2025 (nhằm ngày 11 và 12 tháng Giêng, năm Ất Tỵ).

Tại trung tâm làng nghề Kim Bồng, hoạt động khai hội với nghi thức “phạt mộc”, bên cạnh việc tái hiện “chợ quê Kim Bồng” cùng việc phô bày những nét văn hóa đặc sắc của làng Kim Bồng, sẽ níu chân du khách dừng lại thật lâu. Từ trình nghề điêu khắc mộc, gốc tre, đóng ghe, làm chiếu, đan thúng, tráng mỳ, trình nghề lưới bén, rọ, rớ, chươm, vãi chài và bơi trải nghiệm đến những gian trò chơi dân gian… hẳn sẽ ít nhiều mang lại những rộn ràng của hội lễ đầu xuân.

Chưa kể, ngay dòng sông Thu bên làng, những cuộc hội đua ghe truyền thống bắt đầu, cùng tiếng hò reo, cùng màn té nước rộn rã tiếng cười. Là người xứ Quảng, những ngày tháng Giêng, ai mà chưa từng rủ nhau xem hội đua ghe...

Vào mùa hội làng với những rộn ràng, như một thông điệp vui mang năng lượng tích cực để bắt đầu cho những hành trình mới...

Tết ấm trong nhà mới

Với những hộ dân khó khăn ở khắp vùng xứ Quảng, tết này thật sự ý nghĩa khi họ được “ăn tết” trong những căn nhà mới.

Tết có nhà mới là đủ ấm rồi!

Anh Alăng Xuân (SN 1992, người dân tộc Cơ Tu), cùng 2 con gái trú thôn Bến Giằng (xã Cà Dy, huyện Nam Giang) dọn về ngôi nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ chừng gần nửa tháng.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Chữ thập đỏ huyện Nam Giang đến tặng quà cho gia đình anh Alăng Xuân trong này bàn giao nhà mới trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ảnh: TÂM ĐAN

Không còn cảnh cách biệt với làng trước đây như tại ngôi nhà cũ, nhà mới của cha con Alăng Xuân được xây dựng trên phần đất của gia đình, xung quanh có nhiều bà con hàng xóm đông vui.

Lúc trước, khi mới cưới, Alăng Xuân và vợ Alăng Thị Chuẩn dựng tạm căn nhà bằng phên tre nứa nằm cách làng chừng 1km. Vợ chồng đang có cuộc sống bình yên, hạnh phúc cùng 2 cô con gái nhỏ thì tai ương ập đến. Năm 2023, vợ Alăng Xuân không may qua đời do tai nạn, để lại anh cảnh “gà trống nuôi con”.

Năm 2024, Alăng Xuân được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh 60 triệu đồng và 50 triệu đồng từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam do một nhà hảo tâm tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) tài trợ. Ngoài ra, phía đơn vị trường học của con gái đầu cũng tặng gia đình 8.000 viên gạch để xây dựng nhà.

Sau thời gian thi công, ngôi nhà kịp bàn giao cho gia đình trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Nhà có diện tích 60m2 gồm phòng khách và 2 phòng ngủ, mái lợp tôn, nền lát gạch men sạch sẽ.

“Từ ngày có nhà mới, cha con tôi mừng lắm. Trước đây, nhìn cảnh vợ con ở trong nhà tạm mỗi khi mưa gió, nghĩ lại mà thương. Nay có nhà mới kiên cố, không lo mưa dột nữa, thấy yên tâm và ấm áp lắm. Tôi biết ơn Nhà nước và cộng đồng đã quan tâm đến những hoàn cảnh như gia đình tôi” - Alăng Xuân chia sẻ.

“Ngày 26 tết, sau khi nhận tiền công làm keo, tôi chở 2 con gái ra huyện sắm cho mỗi đứa một bộ đồ mới, đôi dép mới, sau đó mua vài cân thịt heo cùng bánh kẹo, hạt dưa và một ít vật dụng khác mang về chuẩn bị tết. Sắm một tý cho có không khí thôi, chứ tết này, với cha con tôi thì có ngôi nhà là đã quá hạnh phúc rồi” - Alăng Xuân tâm sự.

Năm mới, Alăng Xuân mong ước bản thân có sức khỏe, chăm chỉ làm việc nuôi 2 con ăn học trưởng thành. Anh cũng ước có con bò để tăng gia, làm vốn. Có đồng dư, anh sẽ tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà (ngôi nhà chưa được sơn tường) cho các con mừng, có động lực học tập...

Cuộc sống tốt hơn từ khi có nhà mới

Còn ở xã vùng cao Phước Gia (Hiệp Đức), đây là năm thứ 2 gia đình ông Hồ Văn Đim (SN 1979) và vợ Hồ Thị Bé (SN 1991, dân tộc Ca Dong) ăn tết trong nhà mới.

Đầu xuân (ngày mùng 7 tháng Giêng Ất Tỵ), liên hệ với gia đình thì biết cả 2 vợ chồng đều đã đi làm việc. Qua điện thoại, chị Bé cho biết, chồng đi làm keo còn mình đang lên núi chăn bò.

Năm 2023, gia đình chị Bé được huyện Hiệp Đức hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà mới từ nguồn tài trợ của Tổ chức Habitat. Cũng năm này, vợ chồng anh chị được tặng 2 con bò giống để phát triển sinh kế, vươn lên thoát nghèo.

Từ nguồn hỗ trợ, gia đình chị Bé quyết tâm xây dựng ngôi nhà mới trị giá hơn 120 triệu đồng, trong đó gia đình đối ứng hơn 60 triệu đồng từ tiền cho thuê đất và bán trâu. “Nhờ sự “tiếp sức” từ nguồn hỗ trợ, vợ chồng tôi mới dám quyết tâm làm nhà. Năm nay là cái tết thứ 2 cả gia đình sum vầy trong ngôi nhà mới. Căn nhà không lớn nhưng đủ để các con có không gian sinh hoạt, học tập thoải mái hơn. Chúng tôi hạnh phúc vì được đón tết trong ngôi nhà kiên cố, rộng rãi hơn trước, các con, vợ chồng đều có phòng sinh hoạt riêng” - chị Bé chia sẻ.

Năm mới trong căn nhà nghĩa tình, hai vợ chồng động viên nhau sẽ phấn đấu thoát nghèo trong thời gian tới.

Theo Ban Vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp tỉnh, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 6.187/10.945 căn nhà, trong đó, xây mới 4.055 nhà và sửa chữa 2.132 nhà với tổng kinh phí gần 113,5 tỷ đồng. Năm 2025, Quảng Nam còn khoảng 4.758 căn nhà cần phải hoàn thiện, kinh phí dự kiến hơn 128,7 tỷ đồng… Đến cuối năm 2024, Ban Vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp tỉnh và cấp huyện thu về gần 62 tỷ đồng, trong đó có 272 cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ hơn 49 tỷ đồng vào tài khoản Ban Vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Nam.

Nội dung: HÀN GIANG - DIỄM LỆ - TÂM ĐAN - LÊ QUÂN - HOÀNG LIÊN

Trình bày: MINH TẠO



Nguồn: https://baoquangnam.vn/nhip-vui-dau-xuan-moi-3148729.html

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available