Nhiều mặt hàng thiết yếu được trao đổi mua bán sau Tết tại chợ Phường Đúc |
Hàng hóa dồi dào, ổn định
Ghi nhận tại chợ Bến Ngự (quận Thuận Hóa) vào sáng 5/2 (mùng 8 Tết) không khí mua bán cơ bản đã trở lại ổn định. Phần lớn tiểu thương tập trung bán các sản phẩm tươi sống, vật phẩm đi lễ và cúng đầu năm. Tại thời điểm này, dù giá các mặt hàng trên vẫn còn cao hơn từ 5 - 10% so với ngày thường, nhưng đã có dấu hiệu hạ nhiệt so với những ngày giáp Tết. Trong đó, giá thịt heo dao động từ 150 - 160 nghìn đồng/kg, tôm các loại có giá từ 300 - 450 nghìn đồng/kg, cá mú giá từ 250 - 300 nghìn đồng/kg, gà có giá từ 130 - 160 nghìn đồng/kg, cải xanh 5 - 7 nghìn đồng/bó.
Theo chị Trần Thị C. tiểu thương chợ Bến Ngự, từ mùng 4 Tết, chị đã nhập mới hàng để đảm bảo độ tươi, ngon phục vụ khách hàng. Dù vậy, do chi phí vận chuyển tăng nên giá cũng tăng hơn so với ngày thường. Hiện xoài, cam, bưởi có giá từ 35 - 45 nghìn đồng/kg, thanh long có giá 25 - 30 nghìn đồng/kg, dưa hấu từ 25 - 35 nghìn đồng/kg...
Phong phú các mặt hàng với giá ổn định trước, trong và sau Tết ở các siêu thị |
Tại siêu thị Coopmart Huế và Go! Huế, Go! Hương Trà, hiện nay nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Những ngày qua, hoạt động mua sắm của người dân đã tăng cao trở lại . Giá cả các mặt hàng từ rau củ quả đến hàng tiêu dùng thiết yếu không có biến động nhiều so với những ngày cận Tết.
Các chợ ở thị xã Phong Điền, như Phò Trạch, An Lỗ… từ ngày 3 Tết đến nay đã đông đúc trở lại với nhiều mặt hàng phong phú; trong đó hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả được các nơi đưa về khá nhiều.
Chị Hồ Thị Mậu, tiểu thương tại chợ Phò Trạch (TX. Phong Điền) chia sẻ, hiện nay người dân ít mua sắm trữ hàng nhiều trong dịp tết. Vì vậy những ngày đầu năm, lượng người đi mua hàng hóa, nhất hàng tươi sống, tiêu dùng thiết yếu nhiều hơn. Thời điểm này chắc chắn họ vừa có thời gian, thong thả chọn mua các sản phẩm tươi ngon hơn nhưng giá cả không cao so với ngày thường…
Theo đánh giá của Sở Công thương, tình hình cung - cầu thị trường dịp Tết không có bất thường. Ngành Công thương đã đề nghị các địa phương, ban, ngành đơn vị liên quan theo dõi, đánh giá thị trường, chuẩn bị tốt lượng hàng hóa; chủ động ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp sau Tết và trong năm 2025.
Kiểm soát giá cả chặt chẽ
Thực tế cho thấy, với sự chỉ đạo từ đầu tháng 11/2024 nên các đơn vị thương mại, siêu thị, chợ đã chủ động trữ nguồn hàng hóa phục vụ dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Do vậy, sau tết hàng hoá tại các trung tâm siêu thị, các chợ truyền thống rất phong phú, dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hàng và sốt giá.
Tại chợ đầu mối Phú Hậu (Q. Phú Xuân), hiện nay lượng rau, củ, quả từ các tỉnh, thành khác nhập về để phân phối trên địa bàn thành phố trung bình khoảng 300 tấn/ngày, không tăng so với dịp Tết năm trước. Chị Lê Thị Hồng, kinh doanh rau củ quả ở chợ Phú Hậu cho biết, hàng hóa tại chợ khá dồi dào, nhất là hàng tươi sống. Giá hoa, rau củ cũng không tăng cao so với ngày thường. Tuy nhiên, một số loại rau xanh, củ quả được vận chuyển từ Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh ra trong những ngày Tết nên giá có nhích lên do giá cước phí tăng.
Ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Huế cho biết, trước và sau dịp tết Nguyên đán, đơn vị cử lực lượng phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc bán hàng theo giá niêm yết, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây sốt giá, tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, phân công ứng trực tại cơ quan, đơn vị để tiếp nhận thông tin, kiểm tra đột xuất và xử lý kịp thời nếu phát hiện vi phạm. Song, do các đơn vị, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên địa bàn tiếp cận tốt nguồn thông tin, sự khuyến cáo của ngành chức năng nên đến thời điểm này qua kiểm tra, kiểm soát chưa phát hiện và xử phạt nặng những trường hợp đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến, hoặc vi phạm về buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Lãnh đạo Sở Công thương cho hay, sau dịp Tết, ngành sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa và khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh; chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, thực phẩm an toàn. Đồng thời xây dựng các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định và tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng trong năm 2025.
Theo số liệu đăng ký từ cuối năm 2024 đến nay đã có 762 thông báo khuyến mại của các DN trên địa bàn, với giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi ước đạt 750 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã, đang có chương trình khuyến mại lớn, như: Siêu thị Go! Huế, siêu thị CoopMart Huế, Chi nhánh Công ty CP Traphaco tại Huế, Công ty TNHH Quốc Tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Wilmar Marketing CLV...
Doanh số bán hàng tại các siêu thị trong tháng Tết (tháng 1/2025) gần 190 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với bình thường. Trong đó, siêu thị Go! Huế khoảng 80 tỷ đồng, siêu thị Go! Hương Trà khoảng 20 tỷ đồng, siêu thị Aeon khoảng 50 tỷ đồng, siêu thị Co.opMart Huế khoảng 35 tỷ đồng, Winmart khoảng 2,5 tỷ đồng. |
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/thong-tin-thi-truong/khong-khan-hang-sot-gia-150583.html
Comment (0)