뱀 소녀 - 태국 응우옌 전자 신문

Việt NamViệt Nam09/02/2025


Hiền về đến xóm lúc mới ngang chiều. Vừa đến đầu xóm, anh lái xe đã trầm trồ khen cảnh đẹp. Xóm núi của Hiền đẹp thật, xa xa là những dãy núi đá vôi chập trùng gối nhau bao quanh một thung lũng. Xóm nằm gọn trong thung lũng ấy, những ngôi nhà thấp thoáng dưới tán cây, những mảnh ruộng đan xen và vườn quả phủ khắp các sườn núi.

 

Cô gái tuổi Rắn
 

Giờ này, chắc không có ai ở nhà. Trước Tết, mẹ gọi điện khoe Tết này nhà mình không thiếu gì con ạ. Có đủ gạo nếp, bánh kẹo, tất cả các hộ khó khăn trong xóm đều được hỗ trợ cả quà, cả tiền. Mẹ gói mười cái bánh dài, bốn cái bánh vuông nhân ngọt mà con thích ăn nhất đấy. Vui nữa là con trâu mẹ lại sắp có nghé, sang năm bố mẹ sẽ tính chuyện sửa nhà.

Hiền không nói với mẹ chuyện đã mua vé máy bay, sẽ về ăn Rằm tháng Giêng với gia đình. Cô muốn dành cho bố mẹ và em trai niềm vui bất ngờ đầu xuân. Nhà Hiền ở giữa xóm, anh lái xe vẫn tiếp tục xuýt xoa với cảnh sắc của làng quê. Đào núi nhiều quá. Nhà ai cũng trồng đào làm cảnh. Đào làm hàng rào. Đào đầu ngõ vào nhà. Đào trước sân. Những cây đào tự nhiên đang độ đẹp nhất, đào phai hồng tươi, đào bích đỏ thắm, đào tuyết trắng ngần.

Mấy năm Hiền xa nhà, bất cứ sự thay đổi nào của xóm cũng được mẹ và em trai cập nhật thường xuyên, nhưng Hiền vẫn ngỡ ngàng khi xe bon bon trên đường làng. Con đường này vốn là con đường đất nhỏ gồ ghề, đã thế cây cối làm hàng rào của các nhà hai bên đường cứ xoà ra mặt đường, lá cây rụng thành lớp dầy cả gang tay, hàng ngày Hiền đạp xe đi học rất sợ bị ngã.

- Đường miền núi mà đẹp quá! Anh lái bắt chuyện với Hiền.

Hiền vui vẻ kể nhà em cũng góp mấy hàng chè, dài đến mấy chục mét để xóm mở rộng mặt đường và nắn đường cho thẳng như này đấy anh ạ. Các nhà có điều kiện thì đóng góp tiền nữa.

Sáu năm trước, Hiền đang học lớp 12 ở trường nội trú, em học khá đều các môn, mơ ước thi vào trường đại học để trở thành cán bộ. Bố mẹ em rất tự hào về hai đứa con xinh xắn, chăm ngoan, tính chăm vào đàn bò và đàn lợn đủ nuôi các con ăn học, chi tiêu hàng ngày thì có ruộng vườn.

Không ai ngờ tai họa dồn dập kéo đến, bố em đang đốn cây thì bị bất tỉnh, vào viện được cấp cứu kịp thời nhưng sức khoẻ rất yếu. Năm sau, mẹ em lại được chẩn đoán suy thận tốn rất nhiều tiền thuốc điều trị. Không đủ sức làm việc nặng như trước, đàn bò đàn lợn cũng phải bán hết để lo chữa bệnh. Bao năm bố mẹ Hiền chăm chỉ làm lụng, có của ăn của để bỗng chốc thành hộ nghèo.

Một hôm, bác Hoàng trưởng xóm, cũng là bác họ em đến thăm, bác bàn với cả nhà Hiền, nên tính cho con Hiền đi lao động nước ngoài, có lợi lắm. Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ dạy tiếng, dạy nghề và giới thiệu công ty cho, thu nhập cũng khá. Chỉ cần cháu quyết tâm và chấp nhận xa nhà.

Bố mẹ Hiền từ chối ngay, vì thương con không muốn con gái phải xa gia đình bươn chải. Nhưng Hiền suy nghĩ rất nhiều về những điều bác Hoàng nói. Trong huyện, cũng đã có các cô chú, các anh chị đi lao động ở nước ngoài và hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế. Thế là Hiền lên xã tìm hiểu, các cô chú tỉ mỉ hướng dẫn em về thủ tục và chế độ chính sách hỗ trợ của nhà nước cùng những yêu cầu nghiêm ngặt của các công ty tuyển dụng. Hiền xin với bố mẹ cứ cho con theo học tiếng và đi hai năm, con tin là con sẽ làm tốt.

Tròn mười tám tuổi, khi các bạn ríu rít khoe trúng tuyển đại học thì Hiền đã đặt chân nơi xứ người. Trước ngày bay, hai mẹ con thức mấy đêm liền rủ rỉ, mẹ bảo người cầm tinh con rắn làm gì cũng cẩn thận, kiên trì nên mẹ rất yên tâm và tin tưởng con gái.

Thế mà Hiền đã xa nhà hơn năm năm, cần mẫn từ vị trí nhân viên rồi lên quản lý, từ những ngày đầu chắt chiu tiết kiệm từng đồng lẻ gửi về cho bố mẹ chữa bệnh, cho em ăn học, Hiền cũng đã dành dụm được một khoản cho riêng mình. Hiền đã không còn là cô sơn nữ mắt tròn xoe lần đầu tiên rời nơi chôn rau cắt rốn đi kiếm ăn xa xứ, tâm hồn tràn ngập hoài bão xen lẫn âu lo. Hiền đã trở thành một cô gái trưởng thành, chín chắn.

Thằng Hiếu em trai của Hiền bằng đúng tuổi Hiền hồi ấy, đã đăng ký khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Nó bảo em vào quân đội rèn luyện đã rồi mới quyết định chọn tiếp tục học đại học hay học nghề. Nó nói bằng một giọng rất người lớn, những năm qua em còn bé, bố mẹ lại ốm đau nên chị đã phải vất vả lo toan cho gia đình, từ nay em sẽ làm thay để chị còn đi lấy chồng.

Hiền bật cười nghĩ đến khuôn mặt ngơ ngác của thằng Hiếu lúc thấy chị gái nó bất ngờ bước vào sân. Nhưng giờ này chưa chắc nó ở nhà, hôm trước nó khoe Rằm tháng Giêng năm nay xóm tổ chức Hội xuân to lắm, nhân dịp đón bằng nông thôn mới kiểu mẫu và ra mắt làng du lịch cộng đồng. Mọi người trong xóm đều bận lắm, em cùng chi đoàn thanh niên phụ trách tổ chức các trò chơi dân gian. Mẹ cùng hội phụ nữ làm mấy thứ bánh. Chị mà về nhập vào đội làm quả còn thì vui phải biết.

Có một việc quan trọng Hiền cũng chưa nói với gia đình, công ty đã đánh giá cao năng lực và quyết định cử Hiền đi đào tạo để về làm việc lâu dài, Hiền sẽ sang nhập học sau dịp nghỉ phép này.

Nhưng Hiền luôn nung nấu những dự định của riêng mình. Từ nhỏ, cô đã tha thiết yêu xóm núi, thấy không có nơi đâu trên trái đất tươi đẹp và đáng sống như xóm nhỏ tuy nghèo khó nhưng đầm ấm tình người này. Cô muốn trở về, vun cho những gốc đào xuân nào cũng nở rộ và những vườn cây luôn trĩu mọng quả ngọt. Cô muốn mọi người trên thế giới đều biết đến xóm nhỏ yêu dấu của cô.

Hiền quyết định về học đại học trong nước, đồng thời thực hiện dự án quảng bá làng du lịch cộng đồng xóm núi. Hai mươi tư tuổi, Hiền mới bắt đầu trở thành sinh viên đại học chuyên ngành quảng bá, giao thương sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số. Chắc bố mẹ và em trai sẽ vui mừng lắm khi nghe tin này.

Vào đại học chậm một nhịp so với mọi người, nhưng cô gái đã sớm thấy dự án lớn của cuộc đời chạm đến thành công.



Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202502/co-gai-tuoi-ran-6e51665/

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available