Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh
Hiện nay, tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Tăng trưởng xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, không thâm dụng tài nguyên và lao động. Đặc biệt, Việt Nam đang có một cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng chung tay vì mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu gia nhập “cuộc chơi”, tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0” để bắt kịp với các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải. Đồng thời sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó Vingroup – một trong các doanh nghiệp tiên phong nỗ lực trong quá trình chuyển đổi xanh đã quyết tâm đẩy nhanh lộ trình phát triển xe điện và kiên định với lựa chọn này, cho dù đây là một trong những lĩnh vực khó nhất, tốn nhiều nguồn lực nhất và cạnh tranh khốc liệt nhất.
Tại Hà Nội, xuất hiện ngày càng nhiều các phương tiện giao thông chạy điện do VinFast sản xuất, từ xe máy, xe ôtô, xe taxi đến xe buýt. Các tuyến buýt điện do Vinbus vận hành cũng là những tuyến buýt điện đầu tiên của khu vực. Điều đó thể hiện sự quyết tâm và quyết liệt của Vingroup, VinFast trong việc phổ cập xe điện nhằm giảm phát thải trong giao thông, góp phần bảo vệ môi trường, giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050. Đặc biệt mới đây doanh nghiệp này còn phát động chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam – Vì tương lai xanh”, như một lời cam kết mạnh mẽ trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Cần 16,1 tỉ USD mỗi năm để chuyển đổi năng lượng
Theo chuyên gia, xây dựng nền kinh tế xanh hướng đến ba mục tiêu. Đầu tiên là phát triển kinh tế, tức cần tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính. Thứ hai là bảo vệ môi trường, tức giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn. Thứ ba là mục tiêu xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm sự mất công bằng trong xã hội. Các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: Chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.
Những năm qua, chuyển đổi hệ thống năng lượng trở nên cấp thiết trong việc hướng tới tương lai phát triển bền vững. Việc Chính phủ Việt Nam khẳng định và cam kết mạnh mẽ tại các Hội nghị COP về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia công bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.
Giai đoạn từ năm 2017 – 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, chương trình hành động về cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời. Qua đó đã huy động được nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển năng lượng tái tạo. Đây là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.
Theo ông Kristoffer Bottzauw – Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch đánh giá, Việt Nam có nguồn năng lượng dồi dào và chuyển đổi xanh sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững cho toàn xã hội. Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam chỉ rõ, lựa chọn tốt nhất và hiệu quả nhất về chi phí nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững của Việt Nam là mở rộng quy mô điện mặt trời và điện gió, cũng như điện hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp. Điều quan trọng là cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam để tránh những chi phí lớn không cần thiết do các tác động gia tăng của biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn và có công nghệ phù hợp trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo để có thể đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định. Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện trong giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 134,7 tỉ USD (tương ứng 13,4 tỉ USD/năm), nhưng 3 năm qua mới thực hiện được khoảng 30 tỉ USD (8,5 tỉ USD/năm). Như vậy, trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư tới 105 tỉ USD (16,1 tỉ USD/năm).
Ngoài việc cần nguồn lực lớn, theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, chúng ta cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền và nguồn năng lượng tái tạo. Ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với mục tiêu năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Ban hành quy định về huy động các nguồn điện linh hoạt; khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ (BESS) và thủy điện tích năng.
Và trong hành trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp là nhóm đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì thế, các cơ quan xây dựng chính sách cần xây dựng cơ chế hỗ trợ, mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, vì tương lai phát triển bền vững của chính doanh nghiệp và của quốc gia.
Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/kinh-te-xanh-xu-the-khong-the-dao-nguoc-1364956.ldo