Kinh tế sáng tạo dù là khái niệm khá mới, nhưng tại Việt Nam tiềm năng phát triển gần như không có giới hạn và dự báo sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế.
Chuyện của “bình mới, rượu cũ”
Theo nghiên cứu về phát triển kinh tế sáng tạo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thực hiện, các ngành kinh tế sáng tạo nước ta gồm có thủ công mỹ nghệ; thời trang và thiết kế; nghệ thuật ẩm thực; nghệ thuật biểu diễn; nghệ thuật tạo hình; phim và truyền thông; công nghệ thông tin và kỹ thuật phần mềm; du lịch và di sản văn hóa; âm nhạc và giải trí; xuất bản và văn học; sáng tạo nội dung số (blog, vlog, podcast và tạo nội dung trên mạng xã hội); tiếp thị và quảng cáo số…
Kinh tế sáng tạo mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành nghề ở thị trường trong nước và quốc tế |
Khái niệm về kinh tế sáng tạo còn sơ khởi, nhưng thực tế đã thấm sâu vào đời sống kinh tế Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Artex Đồng Tháp cho biết, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình không chỉ có mặt ở hầu hết các chợ, siêu thị lớn nhỏ trên cả nước mà còn xuất hiện ở rất nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Australia… ưa chuộng do bền, đẹp và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Mỗi năm, công ty xuất khẩu khoảng 6 triệu USD các sản phẩm từ lục bình như thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon… Nghề này không chỉ giúp những người làm nghề đan lục bình có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, mà còn góp phần phát triển những nghề dịch vụ trong chuỗi sản phẩm đầu vào như: trồng, cắt, phơi khô cây lục bình để bán cho các cơ sở và các tổ đan.
Dịch vụ sáng tạo cũng là một dấu ấn quan trọng của kinh tế sáng tạo. Ở Việt Nam, MISA được biết đến như một công ty cung cấp phần mềm về tài chính kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phổ biến nhất. Với mong muốn lớn mạnh gấp nhiều lần, MISA đã thay đổi mục tiêu tạo nhiều sản phẩm hơn, mở rộng thị phần. Vì vậy, doanh nghiệp đã thiết kế và xuất khẩu phần mềm MISA CukCuk ra thế giới. Sau 5 năm tiến ra thị trường quốc tế, hiện tại, phần mềm này đã có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới và đạt doanh số gần 2 triệu USD. Đặc biệt, sản phẩm này cách đây không lâu đã chính thức tiến vào thị trường đầy tiềm năng là Mỹ, doanh nghiệp phấn đấu lọt vào top 3 phần mềm POS (công cụ hỗ trợ bán hàng) tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này với mục tiêu doanh số 1 triệu USD trong năm 2024 và 50 triệu USD trong 5 năm tới.
Cần lối mở trong cơ chế, chính sách
Theo thống kê của CIEM, Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu thế giới với 14,15 tỷ USD, chiếm 2,7% trong tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo trên thế giới. Giá trị xuất khẩu dịch vụ sáng tạo vượt xa xuất khẩu hàng hóa sáng tạo do sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu phần mềm, dịch vụ nghiên cứu và phát triển cũng như số hóa một số hàng hóa sáng tạo.
Hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ để Việt Nam phát triển ngành kinh tế sáng tạo. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) phân tích, Việt Nam có dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ; di sản văn hóa phong phú; quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng; tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu… Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tại Việt Nam đang được chú trọng đầu tư; các doanh nghiệp Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh nhờ chi phí nhân công thấp; các doanh nghiệp còn chú trọng nâng cao giá trị gia tăng trong từng dự án xuất khẩu sản phẩm sáng tạo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do kinh tế sáng tạo còn tương đối mới nên cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo; chưa có cơ sở chặt chẽ trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản, chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi; các chính sách, cơ chế ưu đãi vẫn còn vướng mắc trong thực hiện; xảy ra tình trạng thiếu dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan
Để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo, bên cạnh sự đầu tư và tìm tòi sáng tạo của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ bằng cách hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho phát triển kinh tế sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, tư duy về kinh tế sáng tạo hay các sản phẩm phần mềm cho xuất khẩu cần được bổ sung, hoàn thiện trong công tác điều hành, quản lý, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động cũng như đổi mới sáng tạo, gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, cần tạo cơ chế hỗ trợ (thuế, tài chính, mặt bằng, kết nối, liên kết ngành…); thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ hiệu quả hơn cho kinh tế sáng tạo.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, kinh tế sáng tạo gắn với sở hữu trí tuệ và khai thác tài sản trí tuệ liên tục và quy mô ngày càng tăng. Hầu hết các lĩnh vực có khả năng sáng tạo cao được thị trường chấp thuận và trả giá cao và rất cao đều có thể trở thành lĩnh vực kinh tế sáng tạo. Do đó cần tăng cường vai trò của cơ quan bảo hộ sở hữu trí tuệ và mở rộng mức độ ảnh hưởng để nguồn lực sáng tạo được “kinh tế hoá”, “giá trị hoá” thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển đột phá.