TP HCMNhằm đánh thức khả năng bơi lội bẩm sinh cũng như giúp con ăn ngoan ngủ khỏe, nhiều bố mẹ cho trẻ từ hai tháng tuổi bơi thủy liệu, bác sĩ khuyến cáo cần kiểm soát tính an toàn.
Những năm gần đây, bơi thủy liệu (Floating baby) là trào lưu được nhiều bố mẹ quan tâm. Con trai chị Ngân, hiện 18 tháng tuổi, đã duy trì bơi thủy liệu mỗi tuần 1-3 lần suốt hơn một năm qua.
Bơi thủy liệu được hiểu là để cơ thể của trẻ nổi trên mặt nước tự nhiên, giúp đánh thức khả năng bẩm sinh bơi lội từ khi bé còn trong bụng mẹ. Ngoài ra, điều này cũng giúp thúc đẩy tiêu hóa, tuần hoàn và hô hấp. Bé từ hai tháng tuổi đã có thể bơi thủy liệu.
Quy trình một buổi bơi thủy liệu kéo dài 50-60 phút với các bước như nhân viên làm quen bé, massage, khởi động, tắm tráng, cho bé mặc đồ và đeo phao bơi, kiểm tra nhiệt độ hồ, cho bé làm quen nước và xuống bơi, massage dưới nước bằng sục thủy lực. Bơi xong, các bé được lau người, quấn khăn, vệ sinh tai mũi, mắt và các bộ phận còn lại. Sau cùng, kỹ thuật viên sẽ bôi kem hăm, dầu tràm vào chân hoặc ngực bé, bôi kem dưỡng da, mặc đồ mới và trao bé lại cho bố mẹ.
Chị Ngân khá vất vả trong buổi đầu tiên vì con không chịu xuống nước. Sau hai buổi, bé đã quen và hào hứng bơi lội. Con ăn uống tốt, cải thiện vấn đề táo bón và ngủ sâu giấc hơn, chị quyết định duy trì hoạt động này cho con như một thói quen hằng tuần. Chi phí gói bơi của con chị Ngân là 12,3 triệu đồng cho 48 buổi (256.000 đồng/buổi).
Ngược lại, chị Bình, 30 tuổi, có phần lo lắng khi cho con gái 6 tháng tuổi trải nghiệm dịch vụ này dù con có nhiều thay đổi tích cực sau khi bơi.
Theo chị Bình, các trung tâm thường quảng cáo nguồn được sử dụng là nước ấm, luôn được thay mới và lọc qua các hệ thống tiệt trùng. Tuy nhiên, phụ huynh rất khó kiểm chứng việc này. Ngoài ra, bé còn khá nhỏ nên chị băn khoăn nước có thể vào tai, vào mũi con khi bơi và có thể va đập nếu không chú ý kỹ.
Để tránh các vấn đề trên, chị thường chọn các trung tâm có uy tín, sạch sẽ, dịch vụ bơi một bé/hồ. Đồng thời, bố mẹ sẽ ở cạnh quan sát con suốt buổi khi các kỹ thuật viên thực hiện tắm, kiểm tra nhiệt độ, massage và cho bé xuống bơi. “Ngoài những lo lắng trên, hiệu quả mà bơi thủy liệu mang lại cho con trong việc ăn ngon, ngủ khỏe là không thể phủ nhận”, chị Bình nói.
Nhận xét về những lợi ích được quảng cáo rầm rộ của dịch vụ bơi thủy liệu, BS.CK2 Lê Minh Lan Phương, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bơi thủy liệu khá tốt cho bé nếu thực hiện đúng. Dịch vụ này mang nhiều lợi ích cho bé như hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt, tăng sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch, phát triển tối ưu các giác quan, cải thiện hệ cơ, xương, phát triển hệ vận động, giúp bé ăn ngon, ngủ sâu hơn và giảm tình trạng khóc đêm.
“Bé đeo phao cổ sẽ khá an toàn khi bơi vì sau một tháng tuổi trẻ đã biết giữ cổ”, bác sĩ nhận định.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trọng Tín, Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết hầu hết động vật thuộc lớp thú khi sinh ra đều có phản xạ tự nhiên bơi lặn. Con người thuộc bộ linh trưởng cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, qua quá trình biến đổi về thể chất cũng như tác động từ môi trường, phản xạ tự bơi lặn này bị thoái triển, chúng ta không thể tự biết bơi như các loài vật khác mà buộc phải học.
Theo bác sĩ Tín, trẻ sơ sinh đến khoảng 6 tháng tuổi, phản xạ bơi này vẫn còn, thậm chí trẻ còn có khả năng lặn dưới nước nhờ phản xạ lặn. Trong phản xạ lặn, nhịp tim của trẻ sơ sinh giảm, thanh môn tự động bịt kín một cách tự nhiên. Khi đó oxy được bảo tồn sử dụng cho tim và não, làm chậm quá trình khởi phát tổn thương não do thiếu oxy. Nhờ phản xạ tự nhiên này mà cơ thể được bảo vệ tạm thời nếu rơi xuống nước.
Hiểu được cơ chế thích nghi tự nhiên này, tại một số các quốc gia phương Tây, phụ huynh thường cho trẻ tiếp xúc nước rất sớm. Bố mẹ thường bơi chung với con trong bồn tắm, trong hồ bơi, dựa vào phản xạ tự nhiên khi tiếp xúc với nước để giúp con phát triển về thể chất thông qua quá trình vận động cũng như phát triển trí não, nhờ tiếp xúc các giác quan với thế giới xung quanh.
Do đó, bác sĩ Tín cho rằng bơi thủy liệu đem lại những lợi ích nhất định cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Một trong số đó là khả năng kích thích phản xạ bơi lội, làm cho trẻ thích nghi để dễ dàng học bơi sau này. Bên cạnh đó, môi trường nước trong bể bơi thủy liệu cung cấp áp lực và chuyển động, tạo sự kích thích cho các hệ tiêu hóa, tuần hoàn và hô hấp của trẻ. Những khu vực này được kích thích trong quá trình bơi, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và tăng cường thể chất của trẻ.
Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ, việc học bơi cho trẻ chỉ nên bắt đầu khi trẻ từ bốn tuổi trở lên, vì trẻ em dưới bốn tuổi chưa được coi là đã sẵn sàng về mặt phát triển. Tuy nhiên, Hiệp hội giáo viên và huấn luyện viên bơi lội Australia lại khuyến cáo có thể bắt đầu cho trẻ học bơi sớm hơn.
Về điều này, bác sĩ Tín cho rằng bơi thủy liệu là quá trình trẻ mới tiếp xúc và học làm quen với nước, còn quá trình học bơi là một bước tiến xa hơn khi trẻ lớn hơn.
Dù tiếp xúc sớm với nước có nhiều lợi ích nhưng vẫn có các báo cáo tai nạn xảy ra khi bơi thủy liệu hoặc tình trạng đuối nước khi học bơi. Do đó, khi áp dụng vào thực tế tại Việt Nam, bác sĩ Tín khuyên cần đánh giá môi trường, hoàn cảnh phù hợp, trẻ càng nhỏ thì càng cần có sự kèm cặp chặt chẽ, bố mẹ nên bơi cùng con, tiếp xúc, tương tác nhiều với con, từ đó tăng mối gắn kết đồng thời các lợi ích của việc tiếp xúc môi trường nước mới phát huy tác dụng. Ngược lại, nếu chỉ đơn thuần “bỏ” trẻ vào hồ nước thì các lợi ích trên sẽ kém đi.
Bác sĩ Phương cũng lưu ý về nhiệt độ, môi trường nước, thời gian bơi nên ngắn, tập cho trẻ quen dần. Không cho trẻ bơi khi no. Phụ huynh chọn các trung tâm uy tín, có nhân viên đã qua đào tạo, huấn luyện về bơi thủy liệu và massage cho bé, tuyệt đối không nên tự cho bé bơi ở nhà để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc.
“Ngoài việc bơi thủy liệu, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn có những phương pháp khác nhằm kích thích sự phát triển thể chất và giác quan để có được sự trưởng thành toàn diện”, bác sĩ Tín nói.
Mỹ Ý
*Tên nhân vật được thay đổi