Châu Âu phải thuê SpaceX vì hết tên lửa chung để phóng vệ tinh và nhìn Ấn Độ sắp vượt lên thành nước thứ 4 đưa người vào vũ trụ.
Ngày 2/12/2014, lo lắng trước SpaceX ngày càng cạnh tranh khi cung cấp dịch vụ đi vào không gian giá rẻ hơn, châu Âu phản ứng bằng quyết định thiết kế Ariane-6, một tên lửa có khả năng cạnh tranh với Falcon 9 của Elon Musk. Mục tiêu dự án là có chuyến bay đầu tiên vào tháng 7/2020.
Gần 9 năm sau, thời hạn đặt ra đã qua từ lâu nhưng Ariane-6 vẫn chưa thành hình. Trong khi, SpaceX càng thống trị hơn trong ngành phóng vệ tinh. Kể từ mùa thu năm nay, châu Âu không còn khả năng tự tiếp cận không gian nữa. Chiếc tên lửa Ariane-5 cuối cùng đã được phóng vào tháng 7 và kế hoạch chuyển đổi sang phiên bản Ariane-6 đình đốn đến nay.
Tiến độ này cho thấy lần phóng đầu tiên của Ariane-6 sẽ không thể diễn ra trước 2024. Tệ hơn nữa, tên lửa Vega nhỏ của Italy cũng đã thực hiện lần phóng cuối cùng vào tháng 10. Trong khi, phiên bản nâng cấp là Vega-C đã bị đình chỉ hoạt động sau một sự cố vận hành.
Việc tiếp cận không gian là mang tính chiến lược, và sự phụ thuộc vào dịch vụ phóng tên lửa ngoài khối đang đặt ra vấn đề cho chủ quyền của châu Âu. Những gì diễn ra hiện tại rất rõ ràng. Châu Âu phải thuê SpaceX để phóng 4 vệ tinh định vị Galileo vào 2024, và có thể cũng phải làm như vậy cho vệ tinh quan sát trái đất Sentinelle-1C.
Ngoài những khó khăn về kỹ thuật và công nghiệp, chương trình Ariane-6 giậm chân tại chỗ vì cách thức tổ chức rườm rà và căng thẳng chính trị. Đức, một trong ba đối tác chính trong dự án do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dẫn đầu, cùng với Pháp – nhà thầu chính và Italy, hiện muốn tự mình du hành vào không gian.
Các nước này có ý định chấm dứt sự lãnh đạo của ArianeGroup (Pháp) bằng cách theo đuổi việc phát triển các tên lửa mini của riêng mình và cạnh tranh với Ariane, Vega. Thậm chí, Berlin đang gây áp lực bằng cách đe dọa ngừng tài trợ cho hoạt động tên lửa chung khối vì cho là quá đắt và quản lý kém.
Trong bối cảnh nhiều bất đồng, các thành viên, đại diện 22 quốc gia thành viên ESA bắt đầu gặp nhau tuần này tại Hội nghị Thượng đỉnh Không gian tổ chức tại Seville (Tây Ban Nha). Hội nghị được tổ chức sáu tháng một lần tại quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên, hiện là Tây Ban Nha. Cùng với Hội nghị là cuộc họp của Hội đồng Liên minh châu Âu về các vấn đề không gian
Mục đích các cuộc gặp là tìm ra một thỏa hiệp đảm bảo hoạt động của Ariane-6 trong 10 năm đầu và chuẩn bị cho tương lai bằng cách mở cửa thị trường tên lửa cạnh tranh. Có hai thách thức cơ bản tạo ra khủng hoảng mà các cuộc thảo luận tuần này phải tìm lối thoát.
Đầu tiên là tranh cãi ngân sách. Theo thời gian, chi phí đội lên quá mức khiến những nước tham gia vào 15 lần phóng đầu tiên của Ariane-6 chấp nhận một cách miễn cưỡng. Cụ thể, cần 300 đến 350 triệu euro mỗi năm để duy trì chương trình này, và chi phí phóng sẽ tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm.
Khi đó, mỗi quốc gia sẽ phải cung cấp khoản vốn tương ứng với mức độ tham gia của họ. Pháp đóng góp lớn nhất nên chịu 55,3%, tiếp theo là Đức (21%) và Italy (7,6%), phần còn lại được chia cho 10 quốc gia khác.
Kể từ lần phóng thứ 16, kế hoạch của ESA là để Ariane-6 trở nên tự chủ tài chính, không cần đóng góp bổ sung từ các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, giá nguyên liệu thô tăng vọt và lạm phát làm kế hoạch càng mờ mịt.
ArianeGroup đã tiến hành đánh giá việc cắt giảm chi phí đối với các nhà thầu phụ của mình trong vài tháng nay. Trong khi các nhà thầu phụ ở Pháp đang bận rộn thì MT Aerospace (Đức) và Avio (Italy) lại trì trệ, khiến Berlin và Rome không muốn nỗ lực. Hơn nữa, Avio giờ dồn sức tiếp thị tên lửa Vega một cách độc lập.
Thách thức thứ hai là yêu cầu phải định hình lại mô hình phát triển ngành công nghiệp vũ trụ chung của khối trong bối cảnh nhiều startup ra đời. Đức đang dẫn đầu với hai công ty tư nhân là Rocket Factory Augsburg và Isar Aerospace. Họ chuẩn bị có lần phóng tên lửa đầu tiên từ năm 2024. Ở Pháp, đã có nhiều dự án nhưng chưa phát triển đến mức cao. Chúng bao gồm ArianeGroup – có tên lửa Maia và tên lửa tái sử dụng Themis, hay startup Latitude với tên lửa nhỏ Zephyr.
Những thay đổi sâu rộng này khiến các quy trình hợp tác rườm rà của châu Âu, vốn là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ và chi phí vượt mức, trở nên lỗi thời. Một ví dụ rõ ràng là quy tắc “lợi ích địa lý”, tức phân bổ lại cho mỗi quốc gia khối lượng công việc tương đương với đóng góp tài chính của họ.
Khi ấy, nước tham gia có thể đưa một trong các công ty của mình vào dự án, ngay cả khi đó không phải là công ty giỏi nhất. Trên thực tế, điều này đã cho phép Đức cử công ty vào tiếp thu công nghệ và phát triển đến mức mong muốn được tự chủ.
Ngoài ra, một lĩnh vực chiến lược khác mà châu Âu không thể vắng mặt là các chuyến bay có người lái vào vũ trụ. Ấn Độ sắp trở thành quốc gia thứ tư có tên lửa có khả năng đưa con người vào vũ trụ, sau Nga, Mỹ và Trung Quốc. Còn với châu Âu, không có gì là chắc chắn.
ESA đang có kế hoạch tiếp cận từng bước và về mặt này, ban đầu nhắm đến tài trợ cho việc chế tạo một phương tiện trị giá 100 triệu euro vào năm 2025, có thể chở hàng hóa đến Trạm vũ trụ quốc tế ISS và quay trở lại trái đất.
Trong giai đoạn thứ hai, tàu vũ trụ sẽ được nâng cấp để chở người được. Lần này, không còn những phương thức hợp tác cũ kỹ như “lợi ích địa lý”. Thay vào đó, ESA sẽ tổ chức đấu thầu trên toàn châu Âu, với sự tham gia của cả các tập đoàn lớn và các công ty khởi nghiệp. Điều này sẽ là bước tiến nhỏ hướng đến kỷ nguyên mới cho công nghiệp vũ trụ châu Âu.
Phiên An (Le Monde)