Hoàng tráng và chuyên nghiệp
Giải đấu thể thao điện tử (eSports) – Dota 2 (The International – TI) hiện được coi là giải đấu eSports có giá trị nhất hành tinh khi luôn tự phá kỷ lục của chính mình suốt từ năm 2011 đến nay. Đây là giải đấu do công ty phát hành và phát triển Valve Corporation tổ chức, quy tụ 18 đội chơi xuất sắc nhất mùa giải theo hệ thống tính điểm Dota Pro Circuit của Valve. Tiền thưởng của giải đấu được quyên góp theo hình thức Crowfunding trực tiếp từ người chơi.
Năm 2011, TI là giải đấu eSports đầu tiên công chúng có thể mua vé tới xem trực tiếp, với kinh phí và tiền thưởng 1 triệu USD do Valve cung cấp, còn Nvidia tài trợ thiết bị. 10 năm sau, bất chấp đại dịch Covid, 2021 là năm có mức tiền thưởng cao nhất trong lịch sử giải này khi tổng giá trị giải thưởng hơn 40 triệu USD và 18,2 triệu USD riêng cho đội vô địch.
Một giải đấu khác cũng không thua kém Dota 2 về sức hút là Giải vô địch thế giới Liên Minh Huyền Thoại) do Riot Games tổ chức thường niên tại Thụy Điển. Trong năm đầu tiên 2011, tổng giải thưởng của giải đấu này mới vẻn vẹn 100.000 USD nhưng sang đến mùa thứ 2, con số này đã tăng gấp 20 lần lên 2 triệu USD. Giải được tổ chức luân phiên địa điểm trên các quốc gia và khu vực khác nhau qua mỗi năm.
Đến năm 2018, trận chung kết LMHT đã thu hút tới 99,6 triệu người theo dõi, với lượng người xem đồng thời đạt mức cao nhất là 44 triệu người. Nhờ lượng theo dõi khổng lồ từ người hâm mộ, LMHT đã được đưa vào thi đấu chính thức cùng 7 bộ môn eSports khác tại Đại hội Thể thao châu Á 2022.
Nền kinh tế tỉ đô
Có nhiều cách để định nghĩa về công nghiệp thể thao điện tử. Theo Newzoo, thể thao điện tử có nghĩa là một trò chơi điện tử mang tính cạnh tranh, được tổ chức bán chuyên hoặc chuyên nghiệp theo một hình thức xác định (tournament hoặc league) với giải thưởng nhất định (danh hiệu hoặc hiện kim) và có sự khác biệt giữa người chơi thông thường và các đội tham gia thi đấu.
Tương tự như bóng đá, eSports xoay quanh 2 yếu tố chính: người chơi và người xem. Khi công nghệ ngày càng đi sâu vào đời sống sinh hoạt, học tập và giải trí của con người, eSports dần trở thành một bộ môn thể thao phổ biến. Không chỉ quan tâm nâng cấp trải nghiệm người hâm mộ tại những giải đấu tổ chức trực tiếp, mà các nhà phát triển game còn quan tâm xây dựng các kênh online như Twitch hay Youtube – cùng các công nghệ đi kèm như AR, VR, tích hợp tính năng livechat,… để phục vụ cộng đồng. Thể thao điện tử được đánh giá là một trong những lĩnh vực hiếm hoi có thể phát triển mạnh trên cả 2 phương diện: sự kiện offline và trải nghiệm trên môi trường số.
Tính đến cuối năm 2022, lượng khán giả theo dõi thể thao điện tử toàn cầu đạt 532 triệu người, trong đó 49% là khán giả theo dõi thường xuyên. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 640,8 triệu người đến cuối năm 2025 (Nguồn: Newzoo).
Thể thao điện tử đang trở nên rất hấp dẫn trong mắt các nhãn hàng với dư địa phát triển cực kỳ lớn, cũng theo Newzoo, khi 74% khán giả theo dõi eSports thường xuyên là nhân viên toàn thời gian và 44% trong số đó là thuộc nhóm thu nhập cao. Dự kiến đến năm 2025, doanh thu thể thao điện tử toàn cầu sẽ đạt mốc 1,86 tỉ USD.
Để phát triển, các tổ chức thể thao điện tử chủ yếu dựa vào việc hợp tác với các thương hiệu tài trợ, do đó doanh thu từ tài trợ chiếm tới 63% doanh thu của thể thao điện tử toàn cầu. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một nguồn thu duy nhất, các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa nguồn thu thông qua nhiều hoạt động khác nhau, trong đó, kiếm tiền từ người hâm mộ được cho là hiệu quả và bền vững, tương tự như các môn thể thao truyền thống như bóng đá, quần vợt, bóng rổ. Cụ thể, đơn vị tổ chức sẽ bán vé tham dự các giải đấu, bán các vật phẩm (offline hoặc online), các chương trình khách hàng trung thành (Loyalty Program),… nhằm thu hút người xem.
Đơn cử, hãng thời trang thể thao PUMA đang hợp tác với rất nhiều đơn vị thể thao điện tử để ra mắt và bán các sản phẩm thời trang ăn khách. Hay kể từ năm 2019, Louis Vuitton – thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng thế giới đã hợp tác cùng Riot Games tạo ra hộp đựng cho chiếc Cúp vô địch của giải vô địch LMHT. Mới đây nhất, Riot Games cũng kết hợp cùng Tiffany & Co thiết kế lại hoàn toàn chiếc cúp, hay chiếc nhẫn vô địch là phần quà từ thương hiệu xe sang Mercedes Benz dành cho các thành viên,…
Thậm chí, một số tổ chức thể thao điện tử còn tiếp cận thị trường tài chính tìm kiếm đầu tư ở mức độ chuyên nghiệp hơn: Guild Esports (Anh) và Astralis (Đan Mạch) đều là các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán lớn thế giới. VSPN – một công ty tổ chức giải đấu eSports Trung Quốc cũng đã IPO thành công trên sàn chứng khoán Hongkong vào tháng 2.2022. ESL và FaceIT cũng trong tháng 2.2022 đã công bố hợp nhất với Savvy Gaming Group với giá trị hợp nhất lên đến 1,5 tỉ USD – khiến công ty hợp nhất mới này trở thành một trong những đế chế thể thao điện tử triển vọng nhất thế giới.
Theo Newzoo, doanh thu eSports khu vực Đông Nam Á sẽ tăng trưởng từ 39,2 triệu USD năm 2021 lên gấp đôi vào năm 2024. Trong đó, Singapore được cho là một điểm đến hấp dẫn của eSports thế giới khi liên tục đăng cai tổ chức các giải đấu thể thao điện tử thế giới như Free Fire World Series, M2 World Championship (tựa game Mobiles Legends Bang Bang), và năm 2022, Singapore cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tổ chức trận chung kết giải vô địch thế giới Dota 2 – The International 11 (giải đấu thể thao điện tử có quy mô tiền thưởng giá trị nhất với hàng chục triệu USD).
Tại Việt Nam, thể thao điện tử cũng đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Theo Statista, năm 2022 Việt Nam có 54,6 triệu người chơi game, với doanh thu toàn ngành game di động đạt 507 triệu USD. Việt Nam cũng khẳng định năng lực khi vận hành giải đấu thể thao điện tử tại SEA Games 31 rất thành công, thu về kết quả 4 HCV, 3 HCB – xếp nhất toàn đoàn.
Mới đây nhất, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử – Bộ Thông tin truyền thông phối hợp cùng các doanh nghiệp trong ngành đã tổ chức Ngày hội Game Việt Nam – Vietnam Gameverse 2023 nhằm xây dựng và phát triển cộng đồng game Việt lớn mạnh, đón đầu sự tăng trưởng của thị trường thế giới nói chung và thị trường Đông Nam Á nói riêng.
Với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc từ các nhà phát triển và phát hành game, cùng với sự cởi mở của chính sách tại nhiều khu vực trên thế giới, thể thao điện tử đã, đang cho thấy tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế khổng lồ, giúp các quốc gia đa dạng hóa nguồn thu ngân sách.