Không quá hoang mang với dịch cúm mùa

Báo Đầu tưBáo Đầu tư15/02/2025

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định vẫn đảm bảo cung ứng đủ thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir (Tamiflu) chữa cảm cúm ra thị trường, người dân không cần hoang mang hay mua thuốc để dự trữ.


Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định vẫn đảm bảo cung ứng đủ thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir (Tamiflu) chữa cảm cúm ra thị trường, người dân không cần hoang mang hay mua thuốc để dự trữ.

Việc tiêm vắc-xin cúm mùa là cần thiết để tránh những biến chứng do căn bệnh này gây ra.
Việc tiêm vắc-xin cúm mùa là cần thiết để tránh những biến chứng do căn bệnh này gây ra.

Gia tăng ca mắc cúm và biến chứng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, trong tháng 1/2025, toàn Thành phố ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm (tăng 51 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024), cộng dồn năm 2024 là 7.133 trường hợp, không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh nhân cúm ghi nhận quanh năm tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có xu hướng gia tăng từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ các cơ sở y tế, số lượng bệnh nhân bị biến chứng nặng do cúm cũng tăng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho một số bệnh nhân cúm, trong đó có ca cúm A nặng phải can thiệp ECMO. ThS. Phạm Văn Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) nhấn mạnh, người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi mắc cúm. Việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng để tránh các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy đa tạng, tử vong.

Hiện nay, có hai loại vắc-xin cúm: vắc-xin cúm mùa bất hoạt (virus đã chết hoặc chỉ một phần của virus đã chết) và vắc-xin sống giảm độc lực. Các loại vắc-xin cúm này có độ an toàn và hiệu quả cao. Vắc-xin cúm mùa có thể là loại Tam giá (3 chủng virus) hoặc Tứ giá (4 chủng virus), giúp bảo vệ khỏi các chủng virus cúm phổ biến đang lưu hành.

Trên quy mô cả nước, theo Bộ Y tế, số ca mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Các chủng virus cúm phổ biến hiện nay là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao trong cộng đồng, thường ghi nhận chùm ca hoặc vụ dịch. Bệnh do virus cúm gây ra với hai nhóm chủ yếu là A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%).

Virus cúm có thể tồn tại lâu ngoài môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ lạnh và môi trường ẩm thấp. Trong điều kiện từ 0 đến 4 độ C, virus có thể sống trong vài tuần; ở nhiệt độ âm 20 độ C, virus có thể sống tới vài năm. Triệu chứng ban đầu của cúm thường bao gồm sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và người bệnh có thể phục hồi trong 2 - 7 ngày. Những triệu chứng này dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, khiến người dân chủ quan, dẫn đến việc phát hiện và điều trị muộn.

Bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan, gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não và nhiễm trùng huyết. Các nhóm có nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và những người có bệnh nền (tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường…) có thể mắc cúm với diễn biến nặng hơn.

Không cần thiết tích trữ thuốc

Trước sự gia tăng ca mắc cúm, nhiều người có tâm lý mua thuốc Tamiflu để tích trữ. Trên các trang mạng xã hội, không ít cá nhân còn rao bán thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir là hàng nhập khẩu “xách tay”, khiến người dân hoang mang và dẫn đến tình trạng tích trữ, gây khan hiếm thuốc.

Đại diện Cục Quản lý Dược khẳng định, Oseltamivir là thuốc kê đơn. Theo quy định tại Khoản 28, Điều 2, Luật Dược, thuốc kê đơn khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sỹ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang mua thuốc để dự trữ, mà chỉ mua thuốc khi có đơn kê từ bác sỹ sau khi khám bệnh.

Cục Quản lý Dược cũng cho biết, giá bán buôn thuốc chứa Oseltamivir vẫn giữ nguyên. Các hành vi lợi dụng để tăng giá nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với cá nhân, và gấp đôi mức phạt đối với tổ chức, theo quy định tại Điều 15, Nghị định 87/2024/NĐ-CP. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc phải trả lại số tiền đã thu lợi bất hợp pháp.

Để chủ động cung ứng thuốc, Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động nguồn cung, không được găm hàng tăng giá, đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Sở y tế các tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc để đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, để đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị cúm, tránh lạm dụng thuốc kháng virus gây ra kháng thuốc.

Các đối tượng có nguy cơ mắc cúm và gặp phải các biến chứng nguy hiểm bao gồm trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh nền như tiểu đường, hen suyễn, bệnh tim mạch… Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải (Hệ thống Tiêm chủng Safpo/Potec) khuyến cáo người dân nên tiêm phòng vắc-xin cúm mùa để phòng chống các biến chứng nghiêm trọng.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tiêm vắc-xin cúm mùa, rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt ở nơi đông người. Khi có triệu chứng cúm như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không nên tự ý xét nghiệm hay mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, Bộ Y tế nhấn mạnh, người dân không hoang mang và chỉ nên mua thuốc khi có chỉ định của bác sỹ, đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tiêm vắc-xin cúm mùa để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch bệnh này.



Nguồn: https://baodautu.vn/khong-qua-hoang-mang-voi-dich-cum-mua-d246145.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available