Giáo sư dạy khởi nghiệp tại Mỹ chia sẻ cách để startup Việt vươn tầm quốc tế

Starup công nghệ Việt có thể nhanh chóng ra thị trường quốc tế nếu có sản phẩm, công nghệ sáng tạo, đột phá và thông thạo ngoại ngữ. Việt Nam có thể tham khảo mô hình hỗ trợ khởi nghiệp của Mỹ tạo hệ sinh thái làm bệ đỡ hiệu quả cho startup.

VietNamNetVietNamNet15/02/2025


GS Trần Lương Sơn, Giám đốc Chương trình Khởi nghiệp của SUNY Cobleskill - Đại học New York (Mỹ) - chia sẻ với PV VietNamNet nhiều thông tin thú vị về sự tương đồng và khác biệt trong hoạt động đào tạo, ươm mầm khởi nghiệp (startup) tại Mỹ so với Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để các startup công nghệ Việt có thể vươn tầm quốc tế.

Khởi nghiệp để có cuộc sống sung túc để giúp đỡ cộng đồng

- Đảm nhận vị trí Giám đốc Chương trình Khởi nghiệp của Đại học New York - SUNY Cobleskill, điều gì khiến ông cảm thấy tự hào nhất, thưa ông?

GS Trần Lương Sơn: Khi nhận được quyết định tuyển dụng để đảm nhận vị trí giám đốc chương trình khởi nghiệp của một trường đại học Mỹ, niềm vui gặp may mắn của tôi có lẽ lớn hơn cảm xúc tự hào.

Tôi giảng dạy khởi nghiệp ở Việt Nam từ năm 2011, coi đây là một hoạt động đóng góp xã hội hơn là công việc kinh doanh. Khi cùng gia đình sang Mỹ định cư vào năm 2021, tôi vẫn mong muốn được làm công việc này, với một sự tự tin nhất định. Nhưng hóa ra, mọi sự không dễ dàng như tôi tưởng.

Theo quy định trong giáo dục đại học ở Mỹ, để giảng dạy trong một ngành nhất định, bạn phải có học vị tiến sĩ của ngành đó. Thí dụ, để giảng dạy về khởi nghiệp (entrepreneurship), cần phải có bằng tiến sĩ về khởi nghiệp. 

Ông Trần Lương Sơn, Giám đốc Chương trình Khởi nghiệp của SUNY Cobleskill - Đại học New York (Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, duyên may là do rất thiếu nhân lực đủ tiêu chuẩn về học thuật, các trường đại học ở Mỹ khoảng 10 năm gần đây tuyển chọn cả những người không phải từ giới hàn lâm tham gia giảng dạy khởi nghiệp và trao cho họ học hàm đặc biệt - Giáo sư Thực hành (Professor of Practice, hoặc Clinical Professor).

Tại Mỹ có nhiều giáo sư thực hành nổi tiếng trong giới khởi nghiệp. Điển hình như Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) có giáo sư Bill Aulet - một trong những giáo sư thực hành đầu tiên về khởi nghiệp của nước Mỹ; Đại học Stanford có giáo sư Steve Blank.

Họ đều là những doanh nhân khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm rất thành công. Cả hai giáo sư đều có sách nổi tiếng ở Mỹ và toàn thế giới về khởi nghiệp, như Kinh điển về Khởi nghiệp (Bill Aulet), Bốn bước đạt tới đỉnh cao (Steve Blank) là những cuốn sách hàng đầu về khởi nghiệp mà tôi khuyến nghị và đều đã được dịch ra tiếng Việt. 

Người Việt là giáo sư giỏi ở Mỹ thì nhiều, nhưng hình như hiếm giáo sư người Việt giảng dạy về khởi nghiệp ở Mỹ. Tôi đang tìm họ để cộng tác. 

Đại học SUNY Cobleskill mở chương trình khởi nghiệp vào năm 2023, tìm người có cả kinh nghiệm khởi nghiệp và giảng dạy để phụ trách chương trình này. Tôi may mắn được tuyển chọn. Gánh nặng về trách nhiệm quản lý và giảng dạy là có thật do tôi mới chỉ biết đến môi trường đại học Mỹ với tư cách là một sinh viên, chứ không phải một giáo viên. Tôi đã học tập được rất nhiều trong thời gian qua.

- Ông có ấn tượng thế nào với các học viên ở Mỹ tham gia các chương trình đào tạo khởi nghiệp?

Mỹ được biết đến như là một “quốc gia khởi nghiệp”, nhưng tinh thần, sắc thái và môi trường khởi nghiệp là khác nhau ở mỗi tiểu bang. Ở vùng nông thôn của tiểu bang New York - nơi tôi làm việc, nhiều bạn trẻ nghĩ khởi nghiệp là chuyện gì đó xa vời, không nằm trong tầm với của mình, rất khác với thành phố New York cách đó không xa, một biểu tượng về thành đạt kinh doanh của nước Mỹ. 

Tuy nhiên, khởi nghiệp có nhiều loại. Mở cửa hàng nhỏ, tạo ra một sản phẩm mới để tiêu thụ trong cộng đồng ở địa phương cũng là khởi nghiệp, không nhất thiết phải là những công ty công nghệ cao, phát triển thần kỳ.

Sau khi tham gia chương trình giảng dạy của chúng tôi, nhiều sinh viên đã vỡ lẽ: Hóa ra khởi nghiệp không quá khó. Yếu tố may mắn là có, nhưng hiểu biết sẽ giúp bạn dễ dàng gặp may mắn hơn. 

Tôi đã giúp sinh viên của trường hiểu rằng, khởi nghiệp đòi hỏi phải học tập, và có thể học tập. Học tập khởi nghiệp có thể là rất khó, như nhiều chương trình tại các đại học hàng đầu của Mỹ, nhưng cũng có thể không quá khó, như giáo trình “7 bước khởi nghiệp” mà tôi đem tới cho trường.

Mục đích là để người học không có kiến thức cơ sở về kinh doanh có thể dễ dàng tiếp thu, vận dụng. Giáo trình này đã được tiếp nhận và hoàn thiện tại SUNY Cobleskill để giảng dạy không chỉ cho sinh viên mà cả các chủ doanh nghiệp nhỏ trong vùng.

Đại học SUNY Cobleskill mở chương trình khởi nghiệp từ năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Điều đáng mừng là chương trình có nhiều sinh viên rất thông minh, nắm bắt kiến thức rất nhanh, chỉ trong vòng 1-2 tháng đã có thể xây dựng nên một dự án kinh doanh cơ bản để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp trong vùng, trong tiểu bang. Nhiều sinh viên đã làm tôi ngạc nhiên về sự sáng tạo và táo bạo trong ý tưởng kinh doanh.

- Học viên bên Mỹ của ông có nhiều doanh nhân thành đạt hay không?

Chương trình khởi nghiệp của trường tôi mới được một năm. Chúng tôi chưa đủ thời gian để có được những câu chuyện thành công đáng kể của sinh viên và học viên. Tuy nhiên, chúng tôi đã thấy những triển vọng rõ ràng từ sự tự tin và hứng khởi của tất cả thành viên sau mỗi học trình.

Cộng đồng học viên mà tôi tham gia giảng dạy bao gồm cả sinh viên và doanh nhân trong vùng. Ban ngày tôi dạy sinh viên, còn buổi tối thường đứng lớp dành cho doanh nhân, gồm cả những chủ doanh nghiệp nhỏ trên 40 tuổi. 

Tôi luôn tâm niệm, chia sẻ với các học viên của mình và được tiếp nhận nhiệt thành triết lý rằng khởi nghiệp kinh doanh không phải là để trở nên rất giàu có, mà để có cuộc sống đủ sung túc, hạnh phúc, với những đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển của cộng đồng dân cư trong vùng - điều đặc biệt mà tôi khám phá được ở vùng nông thôn của tiểu bang New York.

Ươm mầm khởi nghiệp công nghệ: Việt Nam có thể học hỏi Mỹ điều gì?

- Hoạt động đào tạo ươm mầm khởi nghiệp công nghệ ở Mỹ có điểm gì đặc biệt?

Khởi nghiệp là khái niệm rất rộng, gồm cả khởi nghiệp phi công nghệ (như mở nhà hàng, tiệm làm bánh, bán đồ ăn... ), và khởi nghiệp công nghệ (tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, đột phá sáng tạo dựa trên công nghệ), song đều cần và nên áp dụng nền tảng kiến thức về khởi nghiệp nói chung. 

Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của Silicon Valley, Texas,... hay các trường lớn như MIT, Stanford, Harvard đều có những khung chương trình như thế. 

Tuy nhiên, dòng đào tạo đại học theo hướng học thuật, hàn lâm của MIT, Stanford, Harvard... nghiêng về hướng giảng dạy cách xây dựng kế hoạch kinh doanh và những kiến thức cơ sở cho khởi nghiệp như marketing, bán hàng, quản trị nhân sự, còn dòng đào tạo ngoài môi trường học thuật như Silicon Valley, Texas... chú trọng về mô hình sáng tạo, kinh doanh dựa trên công nghệ, các phương pháp hình thành nên sản phẩm mới có tính chất đột phá cũng như phương thức thương mại hóa sản phẩm.

Các trường đại học Mỹ 10 năm trở lại đây đẩy mạnh đào tạo về khởi nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với văn hóa và môi trường kinh doanh khác biệt, Việt Nam có thể học hỏi ở Mỹ những gì phù hợp về bất kỳ hình thức khởi nghiệp nào, từ khởi nghiệp nhỏ, địa phương, tới các khởi nghiệp công nghệ cao, có tầm quốc tế.

Các trường đại học Mỹ 10 năm trở lại đây đồng loạt đẩy mạnh đào tạo về khởi nghiệp và xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của sinh viên như trường SUNY Cobleskill - lần đầu tiên xây dựng chương trình “Steps for Success Entrepreneurship” (Các bước khởi nghiệp thành công) mà tôi được giao phụ trách. 

Tôi cũng có dịp làm cố vấn khởi nghiệp cho trường Đại học Maryland, nơi chính phủ liên bang tài trợ cho các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của các giáo sư và sinh viên tiến sĩ. Các dự án này không hướng cho các nhà khoa học trở thành doanh nhân khởi nghiệp mà kết nối họ với các doanh nhân bên ngoài môi trường học thuật để đồng khởi nghiệp, trong khi họ vẫn có thể tiếp tục các công trình nghiên cứu của mình. Khách hàng của họ là những tổ chức có nhu cầu rất cao về công nghệ mới, đột phá như Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông, Bộ Y tế, Cơ quan Hàng không Vũ trụ NASA...

- Còn với hoạt động đào tạo khởi nghiệp ở Việt Nam thì sao?

Việt Nam cũng có cả hai dòng đào tạo khởi nghiệp như Mỹ nhưng cả hai đều có những hạn chế nhất định. 

Thời gian ở Việt Nam, tôi có tham gia hoạt động đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Tuy nhiên, có thể thấy rằng nhiều trường đại học, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đang lúng túng về định hướng chương trình và nội dung đào tạo khởi nghiệp.

Một số doanh nhân rất thành đạt được mời giảng dạy khởi nghiệp lại không có kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh, chỉ chia sẻ bài học thành công trong lĩnh vực đặc thù của mình, thiếu cái nhìn rộng hơn với những kiến thức tổng hợp, dẫn tới việc truyền đạt kiến thức một cách chủ quan, thiếu hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của tôi, đào tạo khởi nghiệp cần phải kết hợp cả hai yếu tố: kiến thức cơ bản về kinh doanh từ các chuyên gia học thuật cùng với những trải nghiệm kinh doanh thực tế từ các doanh nhân giàu kinh nghiệm. Đó cũng chính là vấn đề mà ngay cả nước Mỹ cũng đang đối mặt.

- Chính phủ Mỹ có cơ chế, chính sách, mô hình gì để hỗ trợ khởi nghiệp không?

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ở Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp được chính phủ từ liên bang đến tiểu bang trao cho những ưu đãi rất hào phóng.

Mỹ có nhiều giáo sư, chuyên gia, nhà nghiên cứu rất giỏi. Về nguyên tắc, tất cả những sản phẩm R&D (nghiên cứu và phát triển) phải được thương mại hóa để đem lại giá trị cho thị trường. Nhưng các giáo sư, nhà nghiên cứu giỏi lại không sẵn sàng bước ra khỏi môi trường học thuật để khởi nghiệp. 

Chính phủ Mỹ có chương trình hỗ trợ thông qua việc kết nối họ với các doanh nghiệp, doanh nhân ngoài môi trường nghiên cứu, hình thành những đội nhóm mà nhà nước cung cấp tài chính không hoàn lại để đưa ra thị trường những sản phẩm nghiên cứu khoa học của các giáo sư, chuyên gia nghiên cứu trong trường đại học. Chính phủ Mỹ đã chi rất nhiều tiền cho những hoạt động kể trên, ước tính lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm, thông qua tổ chức Quỹ Khoa học Liên bang - National Science Foundation (NSF).

Mặt khác, ngân sách của nhà nước cũng được đưa vào trường đại học để trả thù lao cho các giáo sư giảng dạy khởi nghiệp. Khi các đội nhóm khởi nghiệp có dự án với sự tham gia hướng dẫn của các giáo sư thì sẽ được ngân sách nhà nước tài trợ trực tiếp mà không tham gia sở hữu cổ phần.

Bằng cách này, Chính phủ giúp tạo ra những công ty khởi nghiệp mới. Giá trị và lợi ích mà Chính phủ thu về sẽ là thành công của họ và tiền thuế mà công ty sẽ nộp vào ngân sách trong tương lai.

- Việt Nam liệu có thể học hỏi, áp dụng theo cách làm của Mỹ?

Việt Nam đã triển khai đề án rất lớn với quy mô toàn quốc về khởi nghiệp. Trên thực tế, ngân sách nhà nước cấp cho các công ty khởi nghiệp rất hạn chế, chủ yếu tập trung vào các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trong khi sự hỗ trợ của các trung tâm này chưa thực sự hiệu quả như mong đợi.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần học hỏi từ Mỹ sâu sát hơn, cả trong môi trường đại học và thị trường nói chung. Với khoản tài trợ không hoàn lại của nhà nước, hãy cân đối để đầu tư cho cả trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và cả chính các công ty khởi nghiệp; tạo động lực khuyến khích các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp phát triển được nhiều công ty khởi nghiệp thành công hơn nữa.

Ông Sơn cùng các học viên tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Startup công nghệ Việt đừng “sáng chế lại bánh xe”

- Đâu là khó khăn, lực cản với startup công nghệ tại Việt Nam hiện nay?

Kiến thức chuyên môn trong ngành bạn dự định khởi nghiệp là khởi đầu hết sức quan trong, nhưng tôi tin rằng kiến thức cơ sở về kinh doanh, về khởi nghiệp và năng lực thực thi mới là yếu tố quyết định.

Nhiều bạn trẻ Việt Nam vừa ra trường thiếu kiến thức kinh doanh vẫn hăng hái khởi nghiệp, không hình dung được bức tranh tổng thể về kinh doanh, không biết khó khăn, lực cản nào đang chờ đón phía trước, để rồi lãng phí tiền bạc, cơ hội, và cả tuổi trẻ.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt chưa đủ độ sẵn sàng hỗ trợ các ý tưởng và nhóm khởi nghiệp bứt phá. 

Startup công nghệ Việt chưa có nhiều lợi thế để thâm nhập thị trường toàn cầu khi uy tín, năng lực cạnh tranh về công nghệ của Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cải thiện rất nhiều.

- Muốn vươn ra thị trường quốc tế, startup công nghệ Việt cần làm gì?

Để khởi nghiệp thành công thì cần phải tìm được và giải quyết đúng vấn đề của thị trường, phải tạo ra được giá trị mới cho khách hàng. 

Các bạn startup công nghệ Việt cần học cách theo dõi biến động của thị trường, cần biết thế giới đã và đang có gì để tạo ra sản phẩm mới có tính đột phá, không “sáng chế lại bánh xe”. 

Tiến bộ công nghệ, bao gồm cả những cuộc lật đổ thị trường, diễn ra liên tục. Thị trường công nghệ thế giới là phẳng, biến đổi từng ngày. Muốn vươn ra thị trường quốc tế, hãy khẳng định vị thế tại thị trường trong nước trước bởi Việt Nam với dân số một trăm triệu là thị trường rất lớn mà nhiều doanh nghiệp mong có được. 

Cùng với đó, các bạn cần phải thông thạo ngoại ngữ và các tập quán kinh doanh quốc tế. 

Nếu muốn vươn ra thị trường quốc tế, bạn hãy xây dựng công ty mình như một công ty quốc tế ngay từ những ngày đầu tiên. Đó là bài học của tôi khi khởi nghiệp công ty đầu tiên của mình là VietSoftware vào năm 2000 - ngôn ngữ viết, giao tiếp văn bản của chúng tôi khi đó là tiếng Anh.

Đặc biệt, các bạn startup công nghệ hãy cố gắng tiếp nhận trải nghiệm, cọ xát môi trường quốc tế về công nghệ, tìm cách kết hợp với các đội nhóm toàn cầu, chọn cộng sự là người doanh nhân ở các nước phát triển cùng đi đường dài. 

Người trẻ Việt Nam rất nhiều ý tưởng, năng lượng và mơ ước. Tuy nhiên, từ đó tới hiện thực là một hành trình dài, khó tránh những thất bại lớn nhỏ. Nhưng không sao, thất bại cũng là một tài sản quý, cần trân trọng tận dụng.

Tôi luôn đánh giá rất cao tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay: hăng hái dấn thân, mong muốn trải nghiệm, tràn đầy mơ mộng và khát khao thành công. Các bạn, chúng ta rất xứng đáng với thành công trên cả thị trường quốc tế.

Mỗi lần nói tới khởi nghiệp của Việt Nam tôi lại nhớ tới GS Simon Johson, người vừa nhận giải Nobel Kinh tế năm 2024, thầy dạy chúng tôi môn khởi nghiệp ở trường MIT. Năm 1999, ông từng nói: Việt Nam là một trong những quốc gia có tinh thần khởi nghiệp kinh doanh cao nhất thế giới. Có phải chúng ta đang có một tài sản vô cùng quan trọng mà thế giới thừa nhận?

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://vietnamnet.vn/giao-su-day-khoi-nghiep-o-my-mach-nuoc-startup-viet-cach-vuon-tam-quoc-te-2367027.html


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available