Giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học vì các em đã học hai buổi một ngày ở trường, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.
Thông tin được bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở, nêu tại họp báo thường kỳ của TP HCM chiều 28/9, khi đề cập thực trạng một số nơi vẫn giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học.
Bà Châu cho biết chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và cả chương trình hiện hành là không giao bài về nhà cho học sinh tiểu học. Theo đó, học sinh đã học ở trường hai buổi mỗi ngày, giáo viên phải cho các em làm bài tập, thực hành trên lớp. Thời gian ở nhà, giáo viên khuyến khích học sinh tự giác ôn lại bài cũ hoặc chuẩn bị trước bài mới nếu thấy cần.
“Đầu năm học, Sở đã có văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh giáo viên phải cho học sinh hoàn tất bài tập trên lớp, không giao bài về nhà. Chúng tôi sẽ có những đoàn kiểm tra để ghi nhận, chấn chỉnh kịp thời tình trạng này, nếu có”, bà nói.
Theo Phó Giám đốc Sở, giáo viên có thể áp dụng một số giải pháp để giảm giao bài tập về nhà như: tăng cường việc học tập trong nhóm, xây dựng mối quan hệ giáo viên – học sinh theo hướng cộng tác; hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên.
Trên thực tế, tình trạng giao bài tập về nhà cho học sinh thông qua các nhóm chat phụ huynh hiện vẫn phổ biến. Nhiều phụ huynh cho biết con bị quá tải vì lịch học ngày hai buổi dày đặc ở trường, tối vẫn phải làm bài tập.
Một vấn đề khác được bà Châu đề cập là việc thu chi ở trường học, sau thông tin ban phụ huynh một lớp ở trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh tiêu hết 260 triệu đồng. Trong đó, hơn 220 triệu để lát nền, lắp điều hòa, xây bồn hoa, mua loa…
Bà Châu cho hay việc này là sai. Thời gian tới, Sở sẽ có những đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động này ở các trường.
“Với khoản tài trợ, ủng hộ tự nguyện, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, các trường phải thực hiện đúng tinh thần Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn của TP HCM” bà Châu cho hay.
Thông tư 16 cho phép cơ sở giáo dục vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, việc này phải công khai, trên tinh thần tự nguyện, không quy định mức bình quân hay tối thiểu. Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, và không để thất thoát, lãng phí.
Lệ Nguyễn