Cuộc tổng rà soát gần nhất được tiến hành với 523 văn bản, gồm 76 luật, nghị quyết, pháp lệnh của QH, Ủy ban Thường vụ QH; 230 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 217 văn bản quy phạm pháp luật khác do các cơ quan T.Ư ban hành. Kết quả, có đến hàng trăm quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập.
Với 22 lĩnh vực trọng tâm (xem bảng), đã phát hiện 16 văn bản (gồm 8 luật, 6 nghị định, 2 thông tư) với 18 quy định mâu thuẫn, chồng chéo. 104 văn bản với 167 quy định bất cập, vướng mắc. Với các văn bản không thuộc 22 lĩnh vực trọng tâm nói trên, cũng phát hiện 99 nội dung có bất cập, vướng mắc.
Chưa hết, báo cáo của Chính phủ gửi QH nêu rõ những mâu thuẫn, bất cập được tổng hợp nói trên chỉ là những vấn đề đã có sự thống nhất giữa cơ quan rà soát với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và văn bản đó điều chỉnh. Với các nội dung còn ý kiến khác nhau hoặc cần có thời gian để phân loại, xem xét, “tạm thời” chưa được thống kê, tổng hợp. Trong khi đó, không chỉ các luật mà các văn bản hướng dẫn, nghị định, thông tư vẫn đang ngày một nhiều lên và các mâu thuẫn, bất cập vẫn tiếp tục phát sinh.
Tại kỳ họp 7 QH khóa XV đang diễn ra, ĐB Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) đã dẫn thực tế một “vướng mắc không thể làm được” tại địa phương này khi vấp phải sự xung đột, thiếu thống nhất trong quy định. Cụ thể, Nghị định hướng dẫn luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định Bộ TN-MT thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thủy điện có công suất từ 20 MW trở lên. Trong khi đó, nghị định hướng dẫn luật Tài nguyên nước 2012 hiện đang có hiệu lực lại quy định UBND cấp tỉnh chỉ được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với thủy điện có công suất dưới 2 MW.
Điều này tạo ra “khoảng trống pháp lý” khi không có cơ quan nào được giao thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện từ 2 – 20 MW. Tỉnh Điện Biên đã có nhiều văn bản gửi xin ý kiến Bộ TN-MT nhưng không xử lý được. Bộ TN-MT trả lời các dự án dưới 20 MW đã được phân cấp cho địa phương, song quy định pháp luật đang có hiệu lực lại chỉ cho phép địa phương được thẩm định các dự án dưới 2 MW.
“Hệ thống pháp luật có sự mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất thì trước tiên cán bộ, công chức sẽ giữ gìn sự an toàn của mình. Không ai dám làm những việc mà pháp luật quy định không rõ ràng, nếu làm sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý và rủi ro cho cá nhân. Hiện đã có một số cán bộ đã phải chịu hậu quả rủi ro về pháp lý vì các quy định không rõ ràng. Nếu anh nào liều, cứ quyết mà làm thì nhắm mắt làm, nhưng đến khi có sự kiện xảy ra, khi các cơ quan kiểm tra, thanh tra vào thì chỉ áp dụng quy định pháp luật để xử lý cán bộ”, bà Luyến nói và cho rằng việc đánh giá tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức cần đúng “cốt lõi, bản chất” hơn khi nó có quan hệ chặt chẽ với hệ thống pháp luật.
Việc cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm vì hệ thống pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, áp dụng thiếu thống nhất cũng là một trong các lý do QH yêu cầu Chính phủ tiến hành tổng rà soát hệ thống văn bản pháp luật. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc thảo luận tại tổ QH mới đây cũng thừa nhận tình trạng sợ trách nhiệm có nguyên nhân từ những vướng mắc của thể chế. Gói phục hồi kinh tế gần 400.000 tỉ đồng, thực hiện trong 2 năm (2022 – 2023) không đạt được mục tiêu kỳ vọng cũng có nguyên nhân chính là đụng phải “một rừng vướng mắc” của cơ chế và thủ tục.
Trên thực tế, cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm có thể còn vì nhiều lý do khác bên cạnh mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, để khắc phục được tâm lý này, chỉ khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm là không đủ mà còn phải khắc phục những bất cập, chồng chéo của hệ thống pháp luật đã được chỉ ra. Nói như ĐB Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), cần phải xây dựng pháp luật sao cho cán bộ không phải “dám nghĩ, dám làm” theo nghĩa “xé rào” hay phải vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập trong thực tế của pháp luật. Nếu không, những “rừng vướng mắc”, những nút thắt, điểm nghẽn trong thể chế, pháp luật sẽ còn là nguyên nhân gây ra trì trệ, ách tắc, thậm chí kéo lùi sự phát triển của đất nước…
Nguồn: https://thanhnien.vn/khong-de-can-bo-phai-xe-rao-185240612224831262.htm