Lực lượng dân quân Sudan phóng drone tự sát tập kích vận tải cơ C-130 của quân đội chính phủ gần Khartoum, khiến máy bay bị phá hủy.
Nhóm dân quân Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) ở Sudan ngày 20/3 đăng video triển khai thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone) tự sát tấn công máy bay vận tải C-130H Hercules của Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF).
Vụ tập kích được cho là xảy ra vào ngày 19 hoặc 20/3, tại căn cứ không quân Wadi Saydana của quân đội Sudan, cách thủ đô Khartoum khoảng 22 km về phía bắc.
Đầu video là hình ảnh chụp từ trên cao của căn cứ Wadi Saydana, tiếp đó là cảnh vận tải cơ C-130H di chuyển trên đường băng, dường như vừa hạ cánh. Toàn bộ quá trình hạ cánh và tới điểm đỗ của máy bay đều bị giám sát chặt chẽ.
Một lúc sau, chớp lửa bùng lên ở mạn phải chiếc phi cơ do trúng đòn từ drone tự sát của RSF. Đòn đánh khiến máy bay C-130H bốc khói đen kịt, trong khi các binh sĩ tại căn cứ rút chạy trong hoảng loạn.
“Video được quay từ khoảng cách xa và kéo dài trong hơn một phút, cho thấy cuộc tập kích đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng sau khi quan sát hoạt động di chuyển của đối phương”, Parth Satam, bình luận viên của Eurasian Times, nhận định.
Không rõ RSF đã sử dụng loại drone nào trong đòn tấn công. Nhóm này trước đó nhiều lần đăng video sử dụng drone 4 cánh để thả đầu nổ xuống đường phố, hoặc dùng loại tự sát để tập kích các tòa nhà và xe cộ nhằm ám sát các quan chức cấp cao của SAF.
Đây dường như là lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh khí tài hạng nặng của quân đội Sudan bị RSF tập kích bằng drone.
Loại vũ khí này đã xuất hiện từ lâu, song chỉ thật sự được chú ý nhiều sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Drone, đặc biệt là loại góc nhìn thứ nhất (FPV), được sử dụng với tần suất cao trên chiến trường Ukraine, nhờ có giá thành rẻ, dễ sản xuất, song có thể tiêu diệt các khí tài hạng nặng có giá đắt gấp hàng nghìn lần nếu tập kích trúng vào vị trí hiểm yếu.
C-130 là phương tiện vận tải đường không chủ lực có biệt danh “ngựa thồ” được Mỹ sản xuất. Máy bay nặng hơn 34 tấn, có thể tải 19 tấn hàng hoặc 64 lính dù.
Máy bay được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ vận tải, chuyển quân, cứu thương và có khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn, dã chiến.
Quân đội Sudan và lực lượng RSF, tiền thân là nhóm vũ trang Janjaweed, từng cùng chiến đấu để lật đổ chính phủ của tổng thống Omar al-Bashir hồi năm 2019. Hai năm sau, các lực lượng này tiếp tục hợp tác để tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền chuyển tiếp ở Sudan vào thời điểm đó.
RSF và SAF dự kiến ký kế hoạch được cộng đồng quốc tế hậu thuẫn về việc thành lập chính phủ dân sự ở Sudan vào tháng 4/2023. Tuy nhiên, kế hoạch đã đổ vỡ do RSF và SAF nảy sinh bất đồng. Xung đột vũ trang giữa hai phe sau đó bùng phát và kéo dài đến nay.
Phạm Giang (Theo Eurasian Times, Defence Blog, Reuters)