Để bước chân vào Nhà Trắng, nhiệm vụ khó khăn nhất với cựu phó tổng thống Mike Pence sẽ là thuyết phục cử tri rời xa sếp cũ Donald Trump.
Chiến dịch tranh cử của cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 5/6 nộp hồ sơ lên Ủy ban Bầu cử Liên bang, đánh dấu thời điểm ông bắt đầu tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Giới quan sát cho rằng Mike Pence, 63 tuổi, là ứng viên sáng giá của đảng Cộng hòa, bởi ông hội tụ đủ các yếu tố về tuổi tác lẫn kinh nghiệm trên chính trường. Ông không quá trẻ như Thống đốc Florida Ron DeSantis, 44 tuổi, cũng không quá già như cựu tổng thống Donald Trump, người năm nay đã 76 tuổi và sẽ đón tuổi 80 tại Nhà Trắng nếu đắc cử.
Ông từng giữ ghế thống đốc bang, phục vụ trong cả lưỡng viện quốc hội. Với 4 năm trên cương vị phó tổng thống, ông đã quen với mọi công việc của chính phủ và có quãng thời gian quý giá để xây dựng mối quan hệ với các cơ sở ủng hộ trong đảng.
Ông còn là một diễn giả thu hút với phong cách tranh luận quyết đoán, lôi cuốn, kỹ năng được tôi rèn từ những năm tháng làm người dẫn chương trình phát thanh. Những yếu tố đó rất phù hợp với cử tri vốn có chiều hướng bảo thủ của đảng Cộng hòa.
“Pence là một người bảo thủ truyền thống”, David Oman, cựu chủ tịch đảng Cộng hòa chi nhánh bang Iowa, nhận xét. “Ông ấy không phải một người ồn ào”.
Tuy nhiên, chính trường Mỹ đã không còn là một thế giới bình thường, đặc biệt kể từ khi ông Trump tìm đường trở thành ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa và bước chân vào Nhà Trắng hồi năm 2016.
Các chuyên gia cho rằng cuộc đua năm 2024 sẽ tạo ra tiền lệ khác trong nền chính trị hiện đại Mỹ, khi lần đầu tiên một cựu tổng thống và cựu phó tướng của ông sẽ cạnh tranh với nhau để trở thành ứng viên đại diện đảng chạy đua vào Nhà Trắng. Sau thời gian dài kín tiếng, ông Pence gần đây đã có những động thái quyết liệt hơn với ông Pence.
Tháng trước, ông ra làm chứng trước đại bồi thẩm đoàn liên bang điều tra vai trò của cựu tổng thống Trump trong vụ bạo loạn Đồi Capitol. Hồi tháng 3, ông tiếp tục có những bình luận cứng rắn nhằm vào cựu tổng thống, tuyên bố “lịch sử sẽ buộc Donald Trump phải chịu trách nhiệm”.
Tuy nhiên, những bình luận như vậy khiến ông Pence hứng chịu sự soi xét ngày càng lớn từ những người ủng hộ ông Trump, đặt ra thách thức rất lớn mà cựu phó tổng thống phải vượt qua để có thể trở thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa.
Cựu tổng thống Trump đang gần như nắm trong tay mọi lợi thế. Ông có một quỹ tranh cử khổng lồ, tỷ lệ tán thành cao của các cử tri đảng Cộng hòa và sự ủng hộ chắc chắn từ khoảng 30% cử tri trung thành trong đảng.
Những người trung thành với ông Trump cũng có cái nhìn tiêu cực với việc cựu phó tổng thống Pence tuyên bố tranh cử, coi đây là hành vi “phản bội” của ông với sếp cũ.
Để thành công với chiến dịch tranh cử của mình, Pence sẽ cần sếp cũ chùn bước và chủ động từ bỏ cuộc đua. Nhưng nếu điều đó xảy ra, nhiều khả năng những người ủng hộ trung Trump sẽ tìm đến ai đó khác như Thống đốc DeSantis, bình luận viên Anthony Zurcher và Sam Cabral từ BBC đánh giá.
Dù vậy, vẫn có một lĩnh vực mà Pence có lợi thế hơn ông Trump.
Là một người sùng đạo Thiên Chúa, ông Pence có mối quan hệ chặt chẽ và lâu dài với cộng đồng truyền giáo Mỹ. Một trong những lý do khiến Trump chọn Pence cho vị trí ứng viên phó tổng thống năm 2016 là bởi các cố vấn chiến dịch tranh cử của ông tin rằng Pence sẽ xoa dịu mối lo ngại trong nhóm cử tri Cơ đốc giáo, những người có thể không ủng hộ một tỷ phú New York đã ba lần kết hôn và vướng nhiều bê bối.
Chuyên gia nhận định cựu phó tổng thống Pence thực sự là đại sứ của chính quyền Trump đối với cộng đồng Cơ đốc giáo cánh hữu. Bây giờ, ông đang đặt hy vọng vào khả năng tận dụng lịch sử đó và lôi kéo về bên mình những cử tri sùng đạo của cựu tổng thống.
Điều này đặc biệt quan trọng ở Iowa, bang đầu tiên tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ lựa chọn ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa và là nơi những người theo đạo Cơ đốc bảo thủ có ảnh hưởng đáng kể.
“Đó là nhóm mà các ứng viên phải rất coi trọng”, Oman lưu ý.
Thách thức đối với Pence là sẽ có những ứng viên khác cũng cạnh tranh cho lá phiếu của các cử tri Cơ đốc giáo, trong đó có Thống đốc DeSantis, người đấu tranh cho các vấn đề văn hóa bảo thủ ở Florida, và thượng nghị sĩ Nam Carolina Tim Scott.
Sân chơi càng đông và chia rẽ thì khả năng các ứng viên không thể đánh bại cựu tổng thống Trump càng lớn.
“Mike Pence có khởi đầu đầy khó khăn khi một phần đáng kể cử tri đảng Cộng hòa không ủng hộ ông ấy”, Oman nói, thêm rằng để thành công, cựu phó tổng thống phải “tạo ra được cảm giác gần gũi và mang đến cho cử tri niềm tin rằng ông hoàn toàn có thể thay thế sếp cũ Donald Trump”.
Ông Pence có thể được khơi gợi cảm hứng từ chính đương kim Tổng thống Joe Biden, người từng là phó tổng thống dưới thời Obama, sau đó tranh cử và thành công.
“Việc một cựu phó tổng thống như ông Biden đang điều hành trong Phòng Bầu dục cho thấy giấc mơ vào Nhà Trắng của Pence không phải điều quá xa vời, dù khe cửa mà ông phải lách qua là rất hẹp và chưa từng có tiền lệ”, hai bình luận viên Zurcher và Cabral từ BBC cho hay.
Vũ Hoàng (Theo BBC)