Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo công tác triển khai và tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm trong năm 2025 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, như: Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.749F đoạn từ cầu Tây Ninh - Bình Dương đến Quốc lộ 56B; đường dọc Sông Bé; cầu Hiếu Liêm; hồ điều tiết chống ngập khu vực Suối Cái, Suối Giữa; đường trục chính Đông Tây (giai đoạn 2) đoạn từ Quốc lộ 1K đến đường Trần Hưng Đạo; nâng cấp, mở rộng đường An Bình kết nối cầu vượt Sóng Thần; đường ven sông Sài Gòn; khu di tích cách mạng và du lịch sinh thái Hố Lang giai đoạn 2…
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Sở Giao thông vận tải phát biểu tại cuộc họp
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã có chỉ đạo cụ thể đối với từng dự án, đề nghị các sở ngành phân công công việc theo phương châm "rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả", thực hiện đúng trình tự, quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng và đấu thầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc, tham mưu bố trí vốn cho các dự án.
Riêng đối với các dự án trọng điểm đang triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải làm việc với Becamex hoàn thiện hồ sơ đường Vành đai 4 ngay trong tuần này để họp hội đồng thẩm định hồ sơ dự án trong tuần sau; thuê đơn vị tư vấn lập phương án bồi thường dự án đường Vành đai 4, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương, đảm bảo cân đối giá đất giữa các địa phương để thuận lợi trong giải phóng mặt bằng.
Toàn cảnh cuộc họp
Cuộc họp cũng đã nghe báo cáo Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng hai con số trong năm 2025. Với quan điểm lấy tăng trưởng đột phá để phát triển bền vững và phát triển bền vững để thúc đẩy "kỷ nguyên vươn mình", tỉnh Bình Dương quyết tâm vượt qua những thách thức và phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức hai con số theo mục tiêu chung của Vùng Đông Nam bộ và cả nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.
Tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 10%, riêng ngành công nghiệp tăng trưởng trên 12% và dịch vụ tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2024; quy mô nền kinh tế tỉnh ước đạt trên 572.442 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt trên 195 triệu đồng/người.
Cơ cấu các ngành kinh tế có bước chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó: khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 65,01%; thương mại - dịch vụ đạt 25,20%; nông, lâm, thủy sản đạt 2,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 7,18%.
Kim ngạch xuất - nhập khẩu phấn đấu tăng trên 10%/năm, đạt lần lượt khoảng 38.000 triệu đô la Mỹ xuất khẩu và 26.800 triệu đô la Mỹ nhập khẩu.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 179.798 tỷ đồng tăng tối thiểu 11%/năm, đạt 31,4% GRDP toàn tỉnh. Trong đó, dự kiến tập trung mọi nguồn lực đầu tư khoảng 36.000 tỷ đồng cho khu vực đầu tư công. Tổng thu ngân sách đạt trên 80.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 52.488 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại cuộc họp
Để phấn đấu đưa tăng trưởng của tỉnh đạt mức cao nhất có thể, các ngành cần thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời tham mưu UBND tỉnh, ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực.
Trong đó cần tập trung 06 nhóm giải pháp trọng tâm. Nhóm nhiệm vụ xây dựng và triển khai chính sách ổn định và tăng trưởng kinh tế: Tập trung thực hiện 03 đột phá theo Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 6/12/2024 của Tỉnh ủy gồm đột phá về huy động mọi nguồn lực đầu tư với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đột phá về đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, giao thông nội vùng để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường cao tốc, vành đai, tạo kết nối thông suốt với TP.Hồ Chí Minh và hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế; đột phá về khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, rõ kết quả và tăng cường kiểm tra, giám sát. Phấn đấu trong năm 2025 đạt số thu ngân sách 80.000 tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt trên 3 tỷ đô la Mỹ với tỷ lệ giải ngân vốn FDI đạt trên 70%.
Nhóm nhiệm vụ về đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư: Tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất với mục tiêu đạt trên 6.400 tỷ đồng để đảm bảo nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch. Đảm bảo nguồn lực đầu tư, phát huy vai trò đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, có lộ trình đảm bảo tập trung thực hiện và giải ngân hết 36.000 tỷ đồng trong năm 2025.
Nhóm nhiệm vụ thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư: Phát triển mới đồng bộ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch; trong đó, thành lập 1-2 khu công nghiệp, 3-5 cụm công nghiệp chuyên ngành phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, ưu tiên các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ tạo nền tảng hình thành hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục triển khai nhóm nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng; nhóm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; nhóm nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh kết luận cuộc họp
Qua ý kiến của các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ ngay vướng mắc ở khâu cấp giấy phép đầu tư. Từng sở ngành phải thành lập các tổ để xử lý những vướng mắc cho doanh nghiệp. Xác định cụ thể danh mục công việc, dự án cần tập trung trong năm 2025, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ khu công nghiệp cơ khí, khu công nghiệp VSIP 4, khu thương mại tự do, khu công nghệ thông tin… Đẩy mạnh chỉ tiêu thành lập mới doanh nghiệp trong nước. Đồng thời tập trung phát triển các khu đô thị đáng sống tạo cú hích cho tỉnh, thu hút chuyên gia về Bình Dương sinh sống và làm việc. Có chính sách thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đặt trụ sở tại Bình Dương.
Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/ChiTiet.aspx?ID=15721
コメント (0)