観光地を結ぶソリューションを見つける

Việt NamViệt Nam05/02/2025


Để tạo đột phá, khai thác, phát huy tiềm năng tối đa các điểm đến thu hút khách du lịch, các ngành chức năng của thành phố cần có giải pháp đồng bộ về cơ sở hạ tầng, chính sách, sản phẩm du lịch…

Khách tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn đầu năm 2025. Ảnh: NGỌC HÀ
Khách tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn đầu năm 2025. Ảnh: NGỌC HÀ

Năm 2025, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn đặt ra mục tiêu phấn đấu đón khoảng 1,8 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của di tích, ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý cho rằng thành phố cần quan tâm triển khai sớm sản phẩm du lịch đường thủy nội địa, trong đó có bến thủy nội địa X5 và X6 tại di tích K20 và chùa Quán Thế Âm.

Khi bến thủy nội địa X5 và X6 hình thành, du khách có thể tham quan đầy đủ hơn về quần thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Khi tuyến X5 và X6 khớp nối sẽ gắn chặt được các điểm du lịch di tích, Khu căn cứ cách mạng K20 và tổng thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Bến X6 nằm gần khu “Bến Ngự” - Di tích xưa kia vua Minh Mạng dừng thuyền để tham quan Ngũ Hành Sơn; từ điểm này có thể tham quan ngôi chùa Quán Thế Âm nổi tiếng, động Quán Thế Âm, Bảo tàng Phật Giáo, chùa Phổ Đà Sơn, động Huyền Vi…; sau đó có thể kết hợp tham quan quần thể Thủy Sơn.

Ngoài ra, khi đường thủy nội bộ kết nối với Hội An, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách kết nối giữa một thành phố sôi động và một thành phố trầm mặc với không gian cổ xưa; đồng thời gắn kết Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, di tích K20 với đa chiều văn hóa sẽ là một trải nghiệm mới của du khách khi đến với miền Trung Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường cho biết, đề án Phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt xác định phát triển du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) trong giai đoạn 2024-2030, cụ thể với tuyến du lịch sông Cu Đê - sông Trường Định.

Tuyến này được định hướng phát triển thuộc không gian du lịch sinh thái phía tây của thành phố với khu vực Làng Vân, Khe Răm và hồ chứa nước kết hợp dịch vụ du lịch (khu vực nam sông Bắc), kết nối theo sông Cu Đê và các điểm du lịch dọc sông và hòn Chảo. Về phát triển tuyến du lịch đường thủy, sẽ phát triển khai thác các tuyến du lịch sông Cu Đê đi vịnh Đà Nẵng - hòn Chảo - bán đảo Sơn Trà và phát triển khai thác tuyến du lịch đường thủy trên sông Cu Đê kết nối huyện Hòa Vang, gắn với điểm đến sinh thái, nông nghiệp, nông thôn. “Tuyến du lịch đường thủy nội địa sông Cu Đê chưa hình thành nên không thuận lợi trong kết hợp khai thác tour, tuyến du lịch liên kết vùng”, ông Nguyễn Nhường nói.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch, sở đã đề nghị Sở Giao thông vận tải tham mưu các giải pháp phát triển du lịch đường thủy nội địa. Cụ thể là nạo vét, khơi thông luồng lạch tại dự án “Khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò”; đề xuất giải pháp khai thác cầu cảng phía tây cầu Nguyễn Văn Trỗi (Y7). Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Sông Hàn (Y6) và khu vực bến cảng du thuyền sông Hàn (Y5) thành cảng du lịch chuyên dụng có quy mô lớn; hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị đề xuất mở rộng, khai thác tuyến đường thủy nội địa bán đảo Sơn Trà, Hòn Chảo.

Trong năm 2025, tiếp tục triển khai theo lộ trình các dự án, đề án động lực trọng điểm như kế hoạch Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án, giúp khơi thông nguồn lực sớm đầu tư, tạo sản phẩm dịch vụ du lịch mới...

“Chúng tôi cam kết tiếp tục nỗ lực cùng các sở, ban, ngành, quận, huyện, các đơn vị liên quan cùng tìm giải pháp khai thác tiềm năng du lịch thành phố, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng phát triển du lịch bền vững và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế thành phố, khẳng định thương hiệu Đà Nẵng - điểm đến đặc sắc, an toàn và mến khách”, bà Trương Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.

NGỌC HÀ



Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202502/tim-giai-phap-ket-noi-cac-diem-den-du-lich-4000196/

コメント (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available