YênBái - Phát triển công nghiệp xanh hướng tới bền vững đang được tỉnh Yên Bái coi là một bước đi chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai, huyện Yên Bình trong giờ sản xuất.
|
>>Yên Bái phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 11,1%
>>Công nghiệp Yên Bái: Phát triển ngành, lĩnh vực có thế mạnh
Công nghiệp là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, không thể không nhắc đến những tác động tiêu cực của ngành công nghiệp đối với môi trường. Từ ô nhiễm không khí, nước, đất đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách lãng phí, các hệ lụy này đang trở thành thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Vì vậy, phát triển công nghiệp xanh hướng tới bền vững đang được tỉnh Yên Bái coi là một bước đi chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Bám sát, cụ thể hóa triết lý phát triển của tỉnh Yên Bái: "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trong lĩnh vực công nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành phối hợp xây dựng và ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 06/CTr- UBND ngày 25/6/2021 thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TU; ban hành Quyết định số 1593/QĐ-UBND ngày 29/7/2021 phê duyệt và triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Từ đó, tạo cơ sở quan trọng về định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp theo bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường; trong đó, định hướng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: chế biến nông lâm sản; khai thác chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu; phát triển năng lượng sạch như thủy điện, năng lượng tái tạo... Định hướng quy hoạch và phát triển các khu, cụm công nghiệp, đưa doanh nghiệp sản xuất vào các khu công nghiệp, xử lý triệt để các dự án gây ảnh hưởng đến môi trường...
Một trong những yếu tố then chốt trong việc triển khai nghị quyết là sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh Yên Bái. Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: "Công tác triển khai nghị quyết đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả từ đó tạo được sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân. Từ đó, ngành công nghiệp từng bước có chuyển biến tích cực, thu hút được các nhà đầu tư, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã xác định rõ tầm quan trọng của công tác lãnh đạo trong việc phát triển công nghiệp bền vững. Đặc biệt, công tác chỉ đạo phải bảo đảm sự tham gia của tất cả các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, trong việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp. Trong giai đoạn 2021 - 2025, công tác quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp tại Yên Bái cũng được quan tâm đặc biệt. Chính quyền tỉnh đã nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp trong khuôn khổ các quy định pháp luật. Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành chức năng để tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất công nghiệp để đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh khẳng định: "Công tác quản lý nhà nước không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp mà còn bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống cho cộng đồng. Việc tăng cường quản lý nhà nước giúp hạn chế các tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất công nghiệp, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng bền vững”.
Vì vậy, bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Yên Bái. Các biện pháp bảo vệ môi trường được triển khai nghiêm ngặt, từ khâu lập kế hoạch đến thực hiện và giám sát. Các cơ sở sản xuất công nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và khí thải; đồng thời, áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu ô nhiễm. Chính quyền tỉnh đã xây dựng các cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm môi trường. Mặc dù, gặp phải nhiều khó khăn do điều kiện địa lý và nguồn lực hạn chế nhưng tỉnh Yên Bái đã nỗ lực bảo đảm rằng các hoạt động sản xuất công nghiệp không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và đời sống người dân.
Sản phẩm hạt nhựa của Công ty cổ phần An Tiến Industries, Khu Công nghiệp phía Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Để hỗ trợ phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh Yên Bái đã chú trọng vào việc đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hệ thống logistics như Khu Công nghiệp phía Nam, Khu Công nghiệp Âu Lâu, Khu Công nghiệp Minh Quân, Cụm Công nghiệp Yên Thế…
Tính riêng trong 4 năm (2021 - 2024), vốn ngân sách tỉnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là trên 300 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút mời gọi được 1 tập đoàn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; mời gọi, lựa chọn được một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, trong đó, Khu Công nghiệp Trấn Yên với tổng mức đầu tư trên 1.860 tỷ đồng; Cụm Công nghiệp Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, Phú Thịnh 3, Y Can, Hợp Minh, tổng vốn đầu tư trên 2.700 tỷ đồng.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản.
Các khu, cụm công nghiệp được xây dựng không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất mà còn chú trọng đến việc đảm bảo bảo vệ môi trường, hạn chế tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng. Nhờ đó, đến nay tỉnh đã thu hút được 85 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 15.065 tỷ đồng, tổng diện tích đất đăng ký sử dụng 455 ha; tỷ lệ lấp đầy trung bình trong các khu công nghiệp đạt trên 80%. Đã thành lập mới 1 cụm công nghiệp Tân Hợp với diện tích 12 ha.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 773,78 ha, thu hút 55 dự án đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp, tổng số vốn đăng ký là 3.717 tỷ đồng; 42 dự án đã đi vào sản xuất, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 40%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp đạt trên 76%; các cụm công nghiệp bình quân đạt trên 60%; tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TU, Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Một trong những điểm sáng là công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thủy sản từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại và bền vững. Tỉnh chú trọng phát triển vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu. Cụ thể, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, rừng có Chứng chỉ FSC; thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chè, sắn, quế, măng tre…
Tỉnh cũng đã thu hút và hoàn thành đầu tư một số nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao, sản xuất một số sản phẩm mới như: tơ tằm, viên gỗ nén. Các sản phẩm chế biến sâu đã gia tăng về số lượng và chất lượng, giúp tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản cũng đã có những bước chuyển dịch tích cực từ khai thác thô sang chế biến sâu nhằm tăng giá trị các sản phẩm khoáng sản và tiết kiệm tài nguyên.
Đến nay, tỉnh đã từng bước thu hút được các nhà đầu tư lớn, dự án lớn như: dự án sản xuất hạt nhựa và các sản phẩm nhựa - Công ty cổ phần Nhựa châu Âu Yên Bái, tổng công suất 450.000 tấn/năm; dự án sản xuất các sản phẩm gỗ và ván lát sàn SPC Thiên Hòa - Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hòa, sản phẩm ván lát sàn SPC 1 triệu m2/năm; tủ bếp 100.000 bộ/năm; dự án chế biến đá xẻ, bột đá trắng và viên nén năng lượng xanh Yên Bái - Công ty cổ phần Khoáng sản năng lượng xanh Yên Bái với sản phẩm đá xẻ: 6.000 m3/năm; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2024 đạt 18.480 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kịch bản và bằng 100,4% kế hoạch; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 9,23% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong 6 chỉ tiêu của Nghị quyết, có một chỉ tiêu về tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý đạt 100%. Các chỉ tiêu khác cũng đạt trên 75%, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của tỉnh trong thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững.
Nghị quyết số 29-NQ/TU đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng và khả thi. Công tác triển khai Nghị quyết đã thu được nhiều kết quả tích cực, từ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, đến việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển bền vững, tỉnh cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được; đồng thời, khắc phục các khó khăn, tồn tại, đặc biệt là trong việc quản lý môi trường và phát triển nguồn nhân lực. Việc thực hiện thành công Nghị quyết 29 sẽ góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương trong tương lai.
Hồng Duyên
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/345419/Quan-tam-phat-trien-cong-nghiep-xanh.aspx
コメント (0)