Hy Lạp cảnh báo cuối tuần tháng 7 nóng nhất trong 50 năm qua, với nhiệt độ dự kiến trên 40°C.
Quan chức khí tượng Hy Lạp ngày 22/7 cảnh báo đợt sóng nhiệt tại nước này có nguy cơ kéo dài thêm nhiều ngày nữa, dù tính đến nay hiện tượng thời tiết cực đoan đã bước sang ngày thứ 11.
“Dữ liệu cho thấy sóng nhiệt sẽ kéo dài khoảng 16-17 ngày tại Hy Lạp. Đây là hiện tượng chưa từng có tại đất nước chúng tôi”, Kostas Lagouvardos, giám đốc nghiên cứu của Đài quan sát Khí tượng Quốc gia, trả lời đài ERT.
Lần gần nhất Hy Lạp ghi nhận hiện tượng sóng nhiệt kéo dài là vào năm 1987, với mức nhiệt hơn 39°C trong 11 ngày.
Giới chức quốc gia Nam Âu khuyến cáo người dân không nên ra đường vào những khung giờ có nhiệt độ cao. Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, trong đó có di tích Acropolis ở Athens, phải đóng cửa vào những khung giờ nóng trong ngày.
“Cuối tuần này, Hy Lạp có thể ghi nhận nhiệt độ tính riêng trong tháng 7 hàng năm cao nhất 50 năm qua”, nhà khí tượng học Panagiotis Giannopoulos cho biết.
Cơ quan khí tượng quốc gia thông báo nhiệt độ nước biển cao hơn mức bình thường 2-3°C. Trạm quan trắc khí tượng Akrotiri ghi được mức nhiệt 42,6°C vào ngày 21/7 và cảnh báo nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng. Akrotiri có thể nóng đến 44°C trong ngày 23/7, còn vùng Thessalia ở miền trung có thể ghi nhận nhiệt độ 45°C.
Hy Lạp đang có 79 vụ cháy rừng xảy ra cùng lúc trên cả nước. Quan chức chính phủ thông báo sẽ duy trì cảnh báo cháy rừng trong suốt cuối tuần. Vụ cháy trên đảo Rhodes đã buộc hàng chục cư dân bỏ lại nhà cửa để sơ tán đến nơi an toàn. Lính cứu hỏa Slovakia được huy động sang hỗ trợ đồng nghiệp trên đảo.
Nhiều nơi trên khắp Bắc Bán cầu đang hứng chịu cái nóng khắc nghiệt trong những ngày qua. Giới chuyên gia cho rằng các hình thái thời tiết cực đoan ngày một nghiêm trọng và thường xuyên vì biến đổi khí hậu, thúc đẩy bởi khí thải nhà kính từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Gavin Schmidt, chuyên gia khí hậu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), cảnh báo tháng 7 năm nay sẽ là tháng nóng nhất lịch sử thế giới, không chỉ xét từ thời điểm các nước bắt đầu thống kê số liệu, “mà là trong hàng trăm, hàng nghìn năm qua”.
Ông lập luận hiện tượng El Nino, xuất hiện khi nhiệt độ nước biển tăng ở vùng trung và đông Thái Bình Dương, không phải là nguyên nhân duy nhất cho thời tiết nóng các nước trong năm nay. Hiện tượng El Nino chỉ mới bắt đầu và trên lý thuyết phải sau vài tháng sau mới tạo hiệu ứng mạnh.
Schmidt cảnh báo các hình thái nắng nóng cực đoan sẽ tái diễn nhiều hơn và kéo dài lâu hơn trong tương lai, do con người “tiếp tục thải khí nhà kính vào khí quyển”.
Thanh Danh (Theo AFP)