Sáng 28-12, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) và Công ty Ansys Software Pvt Ltd. (Ansys) đã ký kết hợp tác cùng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Theo đó, Ansys cam kết sẽ cung cấp các công cụ phần mềm giảng dạy học thuật, cung cấp các chương trình đào tạo liên quan cho các trường đại học trên địa bàn TPHCM.
Theo đại diện Ansys, TPHCM có đội ngũ nhân lực trẻ và tài năng, các trường đại học tại TPHCM có thế mạnh về khoa học kỹ thuật, có mong muốn tham gia vào ngành mô phỏng kỹ thuật đang phát triển mạnh trong khu vực. Do đó, việc hợp tác sẽ giúp gia tăng kinh nghiệm thực tiễn và học hỏi sử dụng các phần mềm mô phỏng của các nước tiên tiến trên thế giới.
Ông Rafig Somani, Phó Chủ tịch Ansys khu vực Ấn Độ Dương và Nam Á, cho biết, dòng phần mềm của Ansys bao gồm RedHawk, Sherlock, HFSS, PowerArtist mang đến những khả năng độc đáo có thể giúp các công ty điện tử và vi mạch bán dẫn, nhà nghiên cứu đẩy nhanh quá trình thiết kế, phát triển và đổi mới sáng tạo các sản phẩm công nghệ cao. Hiện nay, phần mềm này được nhiều công ty và trường đại học hàng đầu trên thế giới sử dụng để nâng cao năng lực của các sản phẩm công nghệ cao.
“Tôi tin rằng với phần mềm hàng đầu mà Ansys cung cấp sẽ giúp SHTP phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm công nghệ cao trong khu vực. Ansys hoàn toàn cam kết hỗ trợ SHTP hiện thực hóa tầm nhìn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các startup, từ đó từng bước phát triển ngành công nghệ vi mạch bán dẫn tại Việt Nam”, ông Rafig Somani, chia sẻ tại sự kiện.
“Việc hợp tác cùng Ansys sẽ thúc đẩy hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh phần mềm mô phỏng. Chương trình này sẽ tạo cơ hội cho các bạn sinh viên được tiếp cận công nghệ hiện đại và phương pháp mới nhất trong mô phỏng kỹ thuật, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc hợp tác sẽ có đóng góp lớn cho việc nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm đào tạo Điện tử, Vi mạch bán dẫn (BSC), góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cho TPHCM và đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM chia sẻ.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, năm 2023 là năm mà Việt Nam có nhiều hoạt động sôi nổi liên quan đến công nghệ cao như: trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, chuyển đổi số, thành phố thông minh… Ngay từ năm 2021, thành phố đã có định hướng Khu công nghệ cao TPHCM sẽ trở thành nơi đào tạo nhân lực, trung tâm phát triển đổi mới sáng tạo của cả nước.
Đến nay, Khu công nghệ cao TPHCM đã thực hiện nhiều hoạt động để hiện thực hóa mục tiêu định hướng của thành phố như thành lập Trung tâm điện tử Vi mạch bán dẫn; liên kết với các trường – viện đào tạo nguồn nhân lực; tạo cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư vào ngành vi mạch bán dẫn…
“Định hướng của TPHCM là các khu công nghiệp đều phải chuyển đổi theo hướng công nghệ cao, ưu tiên nghiên cứu, phát triển và đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm. Hiện nay, TPHCM là trung tâm kinh tế – khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước. Thành phố có nhiều viện – trường, đội ngũ sinh viên, nguồn nhân lực có trình độ cao, thành phố có cơ sở hạ tầng và những chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón các nhà đầu tư trong ngành vi mạch bán dẫn đến với Khu công nghệ cao TPHCM”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
BÙI TUẤN