Hôm nay (20/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Buổi chiều của ngày làm việc đầu tiên đợt 2, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, sáng 13/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tuyến đường sắt bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, chiều dài tuyến khoảng 1.541km.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Về công nghệ, Chính phủ đề xuất hệ thống đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán, tàu hàng sử dụng động lực tập trung; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới.
Đề xuất lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm tàu tốc độ thiết kế 350km/h.
Chính phủ đề xuất bố trí 23 ga hành khách, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200 – 500ha, 5 ga hàng hóa, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5ha.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người.
Về tổng mức đầu tư, Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công, việc phân chia dự án thành phần được thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm (từ năm 2025 – 2037).
Bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.
Tính toán sơ bộ cho thấy trong 4 năm đầu khai thác, nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế tương tự như hệ thống đường sắt quốc gia hiện nay. Thời gian hoàn vốn khoảng 33,61 năm.
Chính phủ nêu dự kiến khởi công vào năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2037.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay dự án đề xuất 19 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội và 5 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội đánh giá đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án có quy mô rất lớn, chưa từng có tiền lệ, tuy nhiên Chính phủ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với thời gian nghiên cứu gần 12 năm.
Nhiều đại biểu thống nhất đây là thời điểm chín muồi để trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư và cần thiết triển khai trong thời gian sớm nhất.
Sáng nay (20/11), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Sau đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phiên họp buổi chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hom-nay-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-192241119213326142.htm