Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong triển khai các dự án đường sắt, đường đô thị

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian sẽ giảm từ 3-5 năm, rút ngắn trình tự phê duyệt theo nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm và chịu trách nhiệm.

VietnamPlusVietnamPlus15/02/2025

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 15/2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh phân cấp trong triển khai dự án

Đây là các dự án được kỳ vọng tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức.

Trao đổi tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, với các cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển đường sắt đô thị, mô hình giao thông công cộng (TOD) rất được quan tâm nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, giúp ổn định đời sống nhân dân, cảnh quan môi trường.

Thông tin về một số đề xuất về thủ tục, chính sách về chủ trương đầu tư cho các dự án, Bộ trưởng cho biết, theo quy định thông thường, dự án cần lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu, thi công, triển khai dự án, với thời gian mất từ 3-5 năm, thậm chí là 5 năm ở hai thành phố.

Vì vậy, nếu thành phố phải thực hiện đúng quy định về thủ tục, các tuyến đường sắt đô thị sẽ không thể kịp thời về thời gian, yêu cầu, trong khi nhu cầu xây dựng là cần thiết, các dự án cũng đủ điều kiện xác định quy mô, hướng tuyến, khả năng cân đối.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho biết sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian sẽ giảm từ 3-5 năm, rút ngắn trình tự phê duyệt theo nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm và chịu trách nhiệm.

Cho ý kiến về xây dựng tuyến đường sắt và đường sắt đô thị, một số đại biểu đề nghị, cần làm rõ hơn việc chuyển giao công nghệ, vận hành, khai thác dự án sau khi hoàn thành để tránh việc phụ thuộc công nghệ.

Bên cạnh đó cần ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nội địa tham gia xây dựng đường, cầu và hầm; sản xuất đường ray và đóng toa xe.

Sẽ có một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân

Phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận chiều 15/2 của Quốc hội về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đặt ra nguyên tắc tăng trưởng nhanh, nhưng phải bền vững, đảm bảo môi trường, không được đẩy lạm phát lên, các cân đối lớn đảm bảo.

Về thuận lợi để đạt tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới sự đồng thuận của hệ thống chính trị, niềm tin của doanh nghiệp, người dân được củng cố.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) 

Cùng với đó là các quy định mới đột phá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được ban hành đi vào cuộc sống; nhiều điểm nghẽn lâu nay được cơ bản tháo gỡ; nhiều dự án hạ tầng chiến lược đẩy nhanh tiến độ. Các cơ hội mới từ hiệp định thương mại tự do. Hiện đàm phán với nhiều thị trường, FTA mới. Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang là cơ hội cho Việt Nam.

Trước những khó khăn và tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là tác động từ chính sách của Mỹ, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp chủ động ứng phó chính sách của Mỹ tới kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, các dự án tồn đọng, ách tắc đang chậm tháo gỡ; chất lượng nhân lực, năng suất lao động khó chuyển biến... cũng là những khó khăn cần được tiếp tục tháo gỡ.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết Chính phủ xác định 6 nhóm giải pháp chính, gồm ngắn hạn và dài hạn. Các giải pháp ngắn hạn cần triển khai ngay tức thời là hoàn thiện thể chế pháp luật, đáp ứng tình hình mới; hoàn thành sớm, nhanh việc tổ chức sắp xếp bộ máy mà không làm ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phát triển các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…).

Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, ngay sau khi Quốc thông qua đề án này, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương để rà soát, thúc đẩy các giải pháp đảm bảo mỗi địa phương đạt chỉ tiêu tăng trưởng trên 8%.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương để ban hành một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, gồm hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng dẫn dắt.

Về dài hạn, theo Bộ trưởng, tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp phân quyền triệt để hơn; thực hiện tốt Nghị quyết 57, phát huy nhân lực chất lượng cao, phát triển khu vực kinh tế tư nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/day-manh-phan-cap-phan-quyen-trong-trien-khai-cac-du-an-duong-sat-duong-do-thi-post1012553.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available