Hội thảo có 2 phiên thảo luận, gồm: “Phát huy vai trò cộng đồng tự lực, tự quản, tự chủ, thực hiện tư duy kinh tế nông nghiệp” và “Hội quán tham gia bảo vệ môi trường, phát huy giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng và phát triển du lịch nông nghiệp”.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp – khẳng định: Từ khi ra đời đến nay, Hội quán đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Với những lợi ích đó, Hội quán đã không ngừng lan tỏa sâu rộng và có mặt hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Từ Hội quán đầu tiên là “Canh Tân Hội quán” tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp vào năm 2016, đến nay Đồng Tháp có 127/143 xã phường, thị trấn thành lập 145 Hội quán, với 7.580 thành viên. Hội quán hoạt động đa dạng các loại hình như: sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột… và thành lập mới 35 Hợp tác xã từ Hội quán.
Trên nền tảng đó, đại biểu đại diện các Hội quán và nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã báo cáo minh chứng cho thấy, với lợi thế của thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn, Hội quán mang lại nhiều đóng góp tích cực. Đặc biệt là đóng góp thúc đẩy lộ trình thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Cụ thể, thông qua hợp tác, chia sẻ trong các sinh hoạt Hội quán, đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể.
Đây là nền tảng giúp giải được bài toán “liên kết – hợp tác” giữa các nông dân với nhau, là mắc xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí – tăng chất lượng”, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy lấy chất lượng làm tiên phong.
Đặc biệt là từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ cấp ủy, chính quyền nghĩ thay, làm thay. Qua đó chủ động tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy tích cực chương trình OCOP.
Với Hội quán trồng cây ăn trái, đã xây dựng được mã vùng trồng, nhãn hiệu riêng cho nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc. Qua đó có 14 Hội quán được cấp mã số vùng trồng với diện tích 603,41 ha, xuất khẩusang thị trường Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Nga, Nhật Bản và EU.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến đóng góp quan trọng của Hội quán trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, thực tiễn Hội quán vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, sự thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp ở một số thành viên Hội quán đôi lúc chưa theo kịp; tính chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp còn chậm; tính liên kết hợp tác trong một số lĩnh vực còn chưa bền vững…
Đại diện các Hội quán mong muốn được các ban, ngành địa phương, trung ương quan tâm hỗ trợ cả về nội dung, phương thức hoạt động để Hội quán thật sự là trung tâm kết nối cộng đồng, vừa góp phần phát triển kinh tế – xã hội, vừa tạo nền tảng bền vững cho tam nông.