Đoàn của Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị vừa hoàn thành khảo sát diện tích đất trồng lúa không canh tác vụ hè thu trên địa bàn toàn tỉnh. Việc này nhằm rà soát và thực hiện các giải pháp sử dụng đất lúa có hiệu quả.
Theo đó, từ ngày 11 đến 14/3/2025, đoàn đã tiến hành khảo sát tại các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà với số lượng 35 xã/phường, 106 hợp tác xã/tổ hợp tác.
Kết quả khảo sát cho thấy, tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh là 11.458,1 ha. Trong đó, diện tích sản xuất vụ đông xuân là 6.853,0 ha; diện tích sản xuất vụ hè thu là 4.605,1 ha; diện tích đất không canh tác vụ hè thu là 2.030,3 ha; diện tích đã chuyển đổi trong vụ hè thu là 217,6 ha.
Trong 2.030,3 ha diện tích đất không canh tác vụ hè thu có 751,1 ha có khả năng thực hiện canh tác (591,8 ha có khả năng sản xuất lúa 2 vụ, 159,3 ha có thể chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn khác); 1.279,2 ha không thể canh tác.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, nguyên nhân đất lúa bị bỏ hoang, không canh tác thời gian qua là vì vụ hè thu khô hạn do thiếu nguồn nước tưới, nước không chủ động, phụ thuộc nước tự nhiên; đất bị nhiễm mặn, chua phèn. Bên cạnh đó, diện tích sản xuất manh mún, có những nơi không tập trung, ruộng choi hóc, chân ruộng cao, ruộng nằm ở vùng xa dân cư, vùng cao, ở cuối nguồn nước tưới.
Một số nơi đồng ruộng xa khu dân cư, một số hộ sản xuất với diện tích ít thường bị chuột gây hại nặng và gia súc phá hoại.Mặt khác, do quan điểm của nông dân làm một vụ đông xuân thuận lợi năng suất cao, đủ lương thực ăn cả năm, vụ hè thu khó khăn nên bỏ hoang cho đất nghỉ, công lao động tập trung làm vườn, phụ thợ nề kiếm tiền. Hơn nữa, người dân giữ đất, không làm nhưng cũng không muốn cho ai thuê...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hồng Phương, một số địa phương đã rất quyết liệt trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng những năm qua, tuy nhiên hiệu quả mang lại không cao, mất nhiều hơn được, nên người dân không còn mặn mà khi vận động tiếp tục chuyển đổi. Một khó khăn nữa là lao động nông thôn ngày càng khan hiếm.
Đối với 159,3 ha đất lúa có khả năng chuyển đổi sang cây trồng cạn, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất UBND tỉnh cho phép sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hàng năm giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc sở tiếp tục rà soát, xây dựng mô hình chuyển đổi làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới.
Cũng theo bà Nguyễn Hồng Phương, qua khảo sát cho thấy phần lớn diện tích đất lúa không canh tác vụ hè thu nguyên nhân do không đảm bảo nguồn nước tưới, hệ thống kênh mương không đảm bảo, nếu được đầu tư hệ thống kênh mương và các hạng mục khác phục vụ sản xuất thì vẫn mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa kênh mương cần nguồn kinh phí lớn.
Để đầu tư hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất đối với diện tích đất lúa không canh tác vụ hè thu, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính bố trí các nguồn vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư làm mới, nâng cấp hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất.
Quang Hải
Nguồn: https://baoquangtri.vn/toan-tinh-nbsp-co-hon-2-030-ha-dat-khong-canh-tac-vu-nbsp-he-nbsp-thu-192797.htm
Bình luận (0)