Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, sản lượng cá tra năm 2024 ước tính đạt đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so cùng kỳ 2023. Tính đến ngày 15/10/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỉ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2023, cả năm ước đạt 2 tỷ USD. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng là không đồng đều do có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia và dòng sản phẩm cá thịt trắng khác.
Cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra bột lên cá giống; có 61/76 cơ sở sản xuất giống và 97/1.842 cơ sở ương dưỡng giống được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong năm 2024, ngành chức năng đã kiểm tra, duy trì điều kiện sản xuất cho 38/61 cơ sở sản xuất giống và 81/97 cơ sở ương dưỡng giống.
Theo Cục Thủy sản, ngành hàng cá tra vùng ĐBSCL đang đối diện với 3 tồn tại lớn cần có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Một là về con giống: tỷ lệ sống trong quá trình ương dưỡng từ cá tra bột lên cá tra giống chưa được cải thiện đáng kể. Cá bố mẹ tham gia sinh sản có nguồn gốc từ cá được chọn lọc, nâng cao chất lượng di truyền chiếm tỷ lệ chưa cao (chiếm 25%). Tỷ lệ cơ sở ương dưỡng giống cá tra được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện còn thấp (chỉ chiếm 5,3%)
Hai là chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn, nhiên liệu, chi phí cho lao động cao. Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước thải cho nuôi trồng thuỷ sản còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nuôi trồng thuỷ sản. Cơ sở nuôi nhỏ lẻ chưa tham gia vào chuỗi liên kết khó tiếp cận thông tin và thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, nguồn vốn còn hạn chế, không tham gia liên kết chuỗi, dần dần có nguy cơ bị loại trừ và bị thay thế bởi các công ty lớn.
Ba là sản phẩm và thị trường, sản phẩm giá trị gia tăng còn chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu vẫn là sản phẩm đông lạnh. Hơn nữa, việc phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia trong khối ASEAN khiến ngành hàng cá tra có thể gặp bất lợi nếu các thị trường này có thay đổi về chính sách hoặc yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Thiếu sự phối hợp và cạnh tranh quá mức giữa các nhà chế biến, xuất khẩu Việt Nam cùng với chất lượng chưa đồng đều đã ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, các đơn vị quản lý nghành hàng, chuyên gia, doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra đều quan tâm đến việc sản xuất bền vững, xanh hóa giá trị sản phẩm để nâng cao thương hiệu, giúp cá tra Việt Nam tiến vào những thị trường khắt khe bậc nhất như cộng đồng các quốc gia Hồi giáo với hơn 2 tỷ dân.
Chuyên gia cho rằng khi áp dụng đồng bộ công nghệ mới trong quá trình nuôi, mỗi ha ao nuôi cá tra mỗi năm có thể giảm phát thải đến hơn 800 tấn CO2. Hơn nữa, với công nghệ nuôi hiện đại, tỷ lệ cá sống sẽ được nâng cao, tăng hiệu quả sản xuất.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để ngành cá tra tiếp tục phát triển và tận dụng cơ hội, cần phải tập trung phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học. Đồng Thời yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng, đồng thời kiểm soát chất lượng các cơ sở sản xuất giống. Đặc biệt là kêu gọi phát triển chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu hóa việc sử dụng phụ phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh các thị trường truyền thống, việc tìm kiếm và phát triển các thị trường mới, trong đó có thị trường Hồi giáo với chứng nhận Halal, cũng là một chiến lược quan trọng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị tỉnh Đồng Tháp xây dựng vùng sản xuất cá tra giống chất lượng cao cho cả ngành hàng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/hoi-nghi-tong-ket-nganh-hang-ca-tra-nam-2024-va-ban-giai-phap-trien-khai-nhiem-vu-nam-2025–.aspx