Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trong năm 2024, Sở đã triển khai thực hiện 18 mô hình, mỗi mô hình 50 ha với tổng diện tích 900 ha tại 09 huyện thị thành và 04 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT với diện tích 52 ha tại 04 huyện Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn và Thoại Sơn; Về phía địa phương có Phú Tân, Châu Phú đã triển khai 165 ha theo quy trình 01 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong vụ Thu Đông vừa qua. Song song với các mô hình, cũng đã triển khai 93 lớp tập huấn tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí 1 triệu ha và 12 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác theo đúng tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Kết quả tổng kết các mô hình cho thấy đã giảm lượng giống trung bình 67 kg lúa giống/ha (Mô hình: 80 kg/ha; Đối chứng: 120 -170 kg/ha); Năng suất ruộng trung bình cao hơn đối chứng 0,1 tấn/ha (Mô hình: 6,5 tấn/ha; Đối chứng: 6,4 tấn/ha); Chi phí sản xuất giảm trung bình 4.000.000 – 5.000.000 đồng/ha; Lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng 3.600.000-5.300.000 đồng/ha. Các mô hình điểm được thực hiện theo quy trình sản xuất 1 triệu hécta lúa chất lượng cao để làm cơ sở cho người sản xuất có cơ hội tham quan, học tập và làm theo, làm cơ sở để nhân rộng cho kế hoạch trong thời gian tới. Bước đầu, với những kết quả khả quan của mô hình điểm có tác động giúp nông dân thay đổi dần tập quán và tư duy trong việc sản xuất theo hướng bền vững và tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật sản xuất một cách chặt chẽ.
Đến nay ngoài 1.117 ha diện tích mô hình được áp dụng triệt để theo các yêu cầu kỹ thuật của quy trình 01 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, toàn tỉnh còn ghi nhận diện tích cơ bản đạt theo quy trình là 7.419 ha/20.690 ha (đây là phần diện tích được phát triển từ dự án Vnsat đến cuối năm 2023 là 22.310 ha, các diện tích này đã đáp ứng các yêu cầu của quy trình 1 phải 5 giảm, trong số đó có 36 % diện tích đáp ứng chỉ tiêu thu gom rơm. Như vậy, tổng hợp chung diện tích áp dụng theo quy trình 01 triệu hecta năm 2024 đạt được 8.536 ha/20.609 ha, đạt 41,4% diện tích kế hoạch của năm 2024.
Nhìn chung, do kế hoạch thực hiện đề án phát triển bền vững 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được triển khai tại tỉnh An Giang chính thức từ tháng 6 năm 2024 đến nay, trong khi đó tỉnh cũng chưa kịp thời có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động để nhân nhanh kế hoạch, nên diện tích chưa thể đạt tiến độ như mục tiêu của kế hoạch. Ngoài ra, các địa phương cũng còn rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện, đến nay chỉ có 2/11 địa phương triển khai mô hình nên diện tích toàn tỉnh chưa đạt theo Quyết định 703/QĐ-UBND.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” là cuộc cách mạng về tư duy của ngành lúa gạo đối với ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng trước những thách thức về biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, đất đai ngày bị chai cứng do sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, nông dân cần thay đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thương hiệu lúa gạo an toàn, phát thải thấp… để phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Lê Minh Hoan cho rằng, phát triển nông nghiệp bền vững không thể chỉ chú trọng vào năng suất và sản lượng mà cần hướng đến giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo. Đồng thời đảm bảo môi trường và sức khỏe nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cấp chính quyền, doanh nghiệp và HTX phải đồng hành cùng nông dân; nâng cao năng lực của người nông dân thông qua các hoạt động khuyến nông, phổ biến kỹ thuật canh tác chính xác và hiệu quả; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp chính xác. Các mô hình sản xuất lúa giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phát thải; nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và giá trị hạt lúa cần được nhân rộng. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe đất và đa dạng sinh học.
Quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo phải dựa trên hệ sinh thái liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân. Chính quyền và các cấp ủy cần sát cánh, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn kịp thời, từ đó tạo niềm tin và sự gắn bó của người nông dân với chuỗi sản xuất. Các tài liệu kỹ thuật khuyến nông cần được trình bày dễ hiểu, trực quan để bà con áp dụng hiệu quả.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/hoi-nghi-so-ket-thuc-hien-de-an-1-trieu-hec-ta-lua-chat-luong-cao.aspx?item=1