Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị ở Quảng Ninh đều nghiêm túc thực hiện những yêu cầu, nhiệm vụ đã được chỉ ra tại Kết luận số 01-KL/TW (ngày 18/5/2021) của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW (ngày 15/5/2016) của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng quán triệt gắn kết việc “học tập” và “làm theo” Bác, thúc đẩy việc học tập Bác trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục phát huy nội lực, vượt qua thách thức, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới…
Cụ thể hoá việc học và làm theo Bác, tỉnh xác định quan điểm lấy người dân làm trung tâm, mọi quyết sách, hành động đều vì hạnh phúc của nhân dân như lời dạy của Bác “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị. Trong đó, việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW đã trực tiếp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với xây dựng tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ gắn với tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, tỉnh giải quyết hiệu quả các khâu đột phá trong nghị quyết đại hội Đảng các cấp gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, cũng như giải quyết hiệu quả các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn, hướng đến mục đích cuối cùng là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Hơn 3 năm qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân toàn tỉnh trong thực hiện mọi nhiệm vụ, kinh tế của tỉnh duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022). GRDP bình quân đầu người của tỉnh năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc).
Quảng Ninh cũng đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của Trung ương. Toàn tỉnh hiện còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026% tổng số hộ dân; không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể. Nhiều dự án hạ tầng giao thông đã hoàn thành đưa vào khai thác, như: Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả; cầu Tình Yêu; đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; cầu Triều (kết nối TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương)…
Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay (176/1.163km). Qua đó, tạo bước đột phá mới trong nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới rất to lớn định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực”.
Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh không ngừng cải thiện, Quảng Ninh nằm trong nhóm đứng đầu cả nước. Năm 2022, lần thứ hai Quảng Ninh giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí quán quân chỉ số PCI và 10 năm liền (2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Cùng với đó, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được chú trọng. Quốc phòng – an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển…
Gắn kết học tập với làm theo gương Bác đã và đang tạo động lực để Quảng Ninh tiếp tục vươn lên đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực; trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.