Là học viên mù đầu tiên ở khoa piano trong hơn 60 năm của Nhạc viện Hà Nội, Khánh đã giành một số giải thưởng quốc tế, mơ ước thi Fryderyk Chopin như thần tượng Đặng Thái Sơn.
Buổi sáng giữa tháng 11, Bùi Quang Khánh, 16 tuổi, quê Hải Phòng, đến trường Phổ thông liên cấp Edison (Ecopark, Hưng Yên) để học văn hóa. Vừa xuống xe, cậu nắm nhẹ khuỷu tay một bạn chung lớp để đi vào trường.
Ngồi trò chuyện với thầy chủ nhiệm, được hỏi về cuộc thi piano trẻ quốc tế Kayserburg (Kayserburg International Youth Piano Competition) vừa diễn ra ở Trung Quốc vào tháng 10, Khánh say sưa kể.
Ở cuộc thi quy mô toàn cầu được tổ chức hai năm một lần, quy tụ hơn 80.000 thí sinh đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, Khánh đạt giải ưu tú, tương đương giải tư. Em cũng là thí sinh duy nhất bị mù trong 500 người đến Trung Quốc dự vòng chung kết.
“Đó không phải cuộc thi quốc tế đầu tiên em tham gia nhưng là cuộc thi có quy mô lớn nhất. Em muốn tiếp tục chinh phục các đấu trường lớn khác, trong đó có cuộc thi Chopin để tiếp bước Đặng Thái Sơn – nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải nhất năm 1980”, Khánh nói.
Trước đó, nam sinh từng giành huy chương vàng tại Liên hoan nghệ thuật châu Á – Thái Bình Dương tổ chức ở Malaysia hồi năm 2020 và năm ngoái đạt giải vàng một cuộc thi quy mô tương tự tại Hàn Quốc.
Chào đời khi mới được 29 tuần tuổi, Khánh không thể nhìn thấy gì. Một hôm, bố mẹ đưa Khánh đến nhà người bạn chơi. Ngồi đúng vị trí cây đàn piano, Khánh đặt tay lên phím đàn. Âm thanh vang lên có sức cuốn hút kỳ lạ với cậu bé vốn không có nhiều trò tiêu khiển vì khiếm thị. Cả tối hôm đó, em chỉ ngồi bên cây đàn và bấm linh tinh.
Thấy Khánh hứng thú với piano, bố mẹ em nghĩ cách tìm thầy về dạy. Phải gần một năm sau, gia đình Khánh mới mời được giáo viên cho em. Vì không thể nhìn được bản nhạc, Khánh phải nghe cô đọc nốt nhạc, cầm tay để hướng dẫn ghi nhớ từng nốt, từng vị trí phím. Khánh vẫn nhớ như in đó là ngày 19/5/2015.
Khi đã thạo từng tay một, em lại nhẩm tính để ghép hai tay dưới sự hỗ trợ của cô. “Có những quãng tay rất xa mà không nhìn được phím nên em chuyển bằng cảm nhận. Ban đầu lần mò, dần dần dùng cảm giác để ghi nhớ”, Khánh chia sẻ.
Hồi đầu, với những đoạn nhạc rất ngắn, Khánh cũng phải tập đi tập lại 3-4 tiếng. Để hoàn thành một bản nhạc ngắn dưới 3 trang, em phải mất 1-2 tháng. Với những tác phẩm lớn, dài 4-8 trang, Khánh mất nửa năm, có bài tập cả năm.
Thời gian luyện tập của Khánh cũng tăng dần theo sự phức tạp của các bài. Lúc mới tập, em chỉ dành 1,5 tiếng mỗi ngày, sau tăng lên 3 tiếng. Giai đoạn từ tháng 8 năm ngoái đến giữa năm nay, khi phải tập luyện để thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, có ngày Khánh tập 6 tiếng với mục tiêu bỏ hoàn toàn những động tác kiểu sờ hay vồ phím, chỉnh tư thế tay sao cho đẹp.
Trước mỗi cuộc thi lớn, Khánh dành nhiều thời gian hơn cho cây đàn. Em từng đạt nhiều giải thưởng, trong đó nhớ nhất giải nhất “Cây đàn tuổi thơ” – cuộc thi đầu tiên em tham dự, dù quy mô chỉ ở cấp tỉnh.
Trúng tuyển vào hệ trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sau kỳ thi đầu vào như những bạn khác, Khánh là học viên mù đầu tiên trong lịch sử hơn 60 năm của khoa piano, chưa kể em còn khiếm thính một phần, theo TS Triệu Tú My, giảng viên học viện, người trực tiếp giảng dạy Khánh.
“Các khoa khác có nhiều học viên khiếm thị nhưng piano thì không bởi cấu tạo cây đàn này rất phức tạp với hơn 200 dây, 88 phím trải dài khoảng 1,5 m. Người bình thường học piano cũng rất khó chứ chưa nói đến người như Khánh”, cô My nói.
Để dạy Khánh, thầy cô mất thời gian gấp 5-10 lần so với học trò bình thường. Tuy nhiên, Khánh rất quyết tâm và kiên trì, nhanh nhẹn trong mọi vấn đề, cảm thụ âm nhạc tốt nên thầy cô cũng kiên trì hỗ trợ.
Từ ngày nhập trường, Khánh bận rộn hơn khi học môn chung ở trường và qua nhà thầy cô học chuyên ngành vào các buổi chiều. Đa số học viên như Khánh sẽ chọn học chương trình bổ túc văn hóa nhưng nam sinh Hải Phòng lại chọn học ở trường phổ thông. Điều này đồng nghĩa thời gian học tập nhiều hơn và khó khăn hơn.
Giống như khi học THCS, Khánh xin phép thầy cô cho mang máy tính đến lớp để ghi, thay vì viết chữ nổi vào vở. Nhiều lúc, Khánh căng thẳng vì gặp bài khó, tương tự như khi chơi đàn. Mỗi khi như vậy, em hát để giải tỏa. “Em mê nhạc đỏ, thần tượng ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ”, Khánh nói.
Nam sinh cũng tự đặt ra quy tắc 10 phút. Khi gặp chuyện buồn bực, căng thẳng, Khánh khiến mình trở nên vui vẻ, tích cực hơn trong vòng 10 phút. Nếu không thể cân bằng cảm xúc, em ngừng học để tránh ức chế và trở lại vào hôm sau.
Thầy Trịnh Viết Hào, giáo viên chủ nhiệm của Khánh tại trường Edison, cho biết Khánh rất tập trung nghe giảng trên lớp. Em học rất tốt các kiến thức về văn bản nhưng gặp khó khăn ở một số phần như Hình học do không nhìn được. Lượng kiến thức Khánh thu thập được bằng cách riêng của mình khiến thầy cô bất ngờ.
Các bạn trong lớp của Khánh cũng ấn tượng bởi khả năng ghi nhớ của nam sinh, đặc biệt là biệt tài nắm tay ai một lần khi nắm lại lần hai có thể biết ngay đó là ai.
“Vượt qua bài khảo sát đầu vào ba môn Toán, Văn, Anh như học sinh bình thường, Khánh được trao học bổng 100% học phí, điều chưa có tiền lệ ở đây”, thầy Hào chia sẻ.
Khánh nói thích nhất bài hát “Khát vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với những ca từ “Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng/Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông”. Với Khánh, đây cũng là kim chỉ nam, thúc đẩy em vượt qua mọi khó khăn và không từ bỏ mơ ước.
Vnexpress.net