Những năm qua, các nhà khoa học đã đặt bẫy ảnh ở nhiều nơi trong vùng phân bố của Gà lôi lam mào trắng nhưng không phát hiện dấu vết của loài này trong tự nhiên. Dù vậy, họ nhận định chưa có bằng chứng và cơ sở để nói loài này đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Các chuyên gia vẫn hy vọng tìm ra dấu chân loài gà lôi lam mào trắng quý hiếm trong tự nhiên và triển khai các phương án nhằm bảo tồn, nhân giống loài gà này.
Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt khoản viện trợ Dự án “Hỗ trợ bảo tồn Gà lôi lam mào trắng tại Việt Nam” do Hội Trĩ Thế giới tài trợ với số tiền tương đương gần 600 triệu đồng nhằm góp phần bảo tồn Gà lôi lam mào trắng tại Việt Nam thông qua việc xây dựng chuồng, nhân nuôi bảo tồn Gà lôi lam mào trắng tại Trạm nhân nuôi bảo tồn Gà lôi lam mào trắng thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Bảo tồn Thiên nhiên Việt.
Thời gian thực hiện dự án đến tháng 12/2024.
Gà lôi lam mào trắng báo động tuyệt chủng ở một số khu vực và sự biến mất rất lâu trong tự nhiên khiến cộng đồng bảo tồn rất quan tâm lo lắng. Do đó, năm 2012, Gà lôi lam mào trắng được nâng cấp lên mức rất nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên).
Gà lôi lam mào trắng là loài chim trĩ đặc hữu của miền Trung Việt Nam. Loài này có tên khoa học là Lophura edwardsi, phân bố chủ yếu tại 4 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Loài động vật này được ghi nhận trong tự nhiên gần đây nhất là từ năm 2000.
Tại Quảng Bình, Khu Bảo tồn thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong ở huyện Lệ Thủy được đánh giá có sự xuất hiện và sinh tồn của Gà lôi lam mào trắng. Động Châu – Khe Nước Trong được Tổ chức Bảo tồn Chim Thế giới công nhận là một trong 62 vùng chim quan trọng và trong Vùng chim đặc hữu đất thấp của Việt Nam (BirdLife International 2002).
Đây là nơi có độ đa dạng sinh học cao của Việt Nam, đồng thời là nơi hiếm hoi trong toàn quốc bảo tồn được thảm thực vật trên 50% (diện tích 14.574ha) diện tích rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới vùng núi đất thấp và rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới, tài nguyên còn rất phong phú, trong khi kiểu rừng này không còn tồn tại ở địa phương khác.