Hộ đồng bào dân tộc thiểu số Bình Phước thoát nghèo nhờ bò giống, nhà ở, giếng nước...

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt14/02/2025

Rất dễ hiểu, con bò giống là đầu cơ nghiệp, cái giếng khoan giúp bà con có nước dùng, mái nhà để an cư…Những điều tưởng chừng giản đơn ấy đã được chính quyền tỉnh Bình Phước huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ. Hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo.


Thoát nghèo nhờ… con bò giống nhà nước hỗ trợ

Hộ bà Thị Hen (dân tộc S’tiêng, sinh năm 1978) có 8 nhân khẩu, 3 thế hệ (trong đó có 3 người là con bà Thị Hen. 

Tất cả đều sống chung một hộ ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Gia đình nhiều người, đất sản xuất thì ít ỏi, lại phải ở nhờ, đi làm thuê từng ngày, mà cái nghèo vẫn đeo đuổi mãi.

Năm 2017, chính quyền huyện Hớn Quản hỗ trợ cho hộ bà Thị Hen một con bò sinh sản. Từ một con bò giống, bà Hen nuôi mát tay, chỉ sau hơn 3 năm, thành đàn bò 4 con. 

Bà Hen kể: "Tôi nhớ có một năm dịch Covid 19, suốt năm ròng cả nhà tôi không làm được gì, chỉ đến quán mua thiếu thức ăn về nấu cho cả nhà. Rồi bệnh đau, thuốc men, chi phí cách ly cho cháu.

Từ con bò, cái giếng, căn nhà,…hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo - Ảnh 1.

Từ 1 con bò giống được Nhà nước hỗ trợ; nay, bà Thị Hen đã phát triển lên đàn bò 4 con. Ảnh: Thanh Mai

Lúc đó, có sẵn đàn bò được nhân đàn thành 4 con (từ một con ban đầu do nhà nước cho), tôi bán 2 con đực được hơn 20 triệu đồng. Nhờ đó mới có tiền trả nợ mua thiếu thức ăn ở quán cả một năm ròng. Nói chung đỡ lắm". Đến nay, bò tiếp tục nhân đàn được 4 con. Con nào cũng béo tốt, khỏe mạnh. Trong đó có một con chuẩn bị phối giống.

Chưa hết, trước đây, cả gia đình sống trong căn nhà lợp tranh tre, trống trước hở sau, vỏn vẹn có… 10m2. Những đêm mưa  tạt, gió lùa, bà Thị Hen thầm khát khao có được một căn nhà tươm tất che mưa. Ước mơ thành hiện thực, vào năm 2022, bà Thị Hen được nhà nước xây tặng một căn nhà "Đại đoàn kết" rộng 70m2, cùng một giếng nước. Từ bệ đỡ đó, cộng với nỗ lực vươn lên của từng người trong gia đình; giờ đây, cuộc sống của hộ bà Thị Hen đổi thay rõ rệt.

Từ con bò, cái giếng, căn nhà,…hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo - Ảnh 2.

Căn nhà "Đại đoàn kết" được tổ chức các đoàn thể trao tặng cho gia đình bà Thị Hen. Ảnh: Thanh Mai

Bình minh ló dạng, dẫn đàn bò chuẩn bị đi ăn, bà Hen vui mừng nói: "Lúc trước gia đình cực khổ, khó khăn lắm, được nhà nước hỗ trợ căn nhà, con bò, giếng nước xài. Tôi đang cố gắng làm, chăm sóc đàn bò để phát triển kinh tế cho gia đình đở khổ. Lúc trước không giếng, không nhà, không có bò. Chăn bò thuê mỗi tháng chỉ được 500 ngàn đồng mua thức ăn. Nay, có mọi thứ, mình đi chăn bò về, có nhà để ở, không sợ mưa gió, còn hạnh phúc nào bằng".

Không riêng hộ bà Thị Hen, rải rác tại nhiều vùng có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, việc hỗ trợ bò giống đã được các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước áp dụng, như một sinh kế cho các hộ thoát nghèo một cách hiệu quả nhất.

Từ con bò, cái giếng, căn nhà,…hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo - Ảnh 3.

Công trình giếng khoan ở ấp Địa Hạt – sóc Dầm, xã Thanh An, huyện Hớn Quản - giúp người dân tiết kiệm nhiều chi phí mua nước vào mùa khô. Ảnh: Thanh Mai

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hộ bà Điểu Thị Phương (dân tộc S’tiêng, ngụ sóc Lộc Khê, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản) được hỗ trợ 1 căn nhà tình thương, cặp bò giống và được vay vốn 100 triệu đồng.

Vốn vay 100 triệu đồng, vợ chồng bà Phương mua lô cao su thanh lý để có thu nhập hàng ngày. Trong vòng 4 tháng đã thu hồi vốn. Sau này thu bình quân một tháng được hơn 20 triệu đồng. 

Chồng bà Phương còn đi làm thêm, một tháng được 8 triệu đồng. Cộng thêm số tiền cạo cao su thanh lý, một tháng 2 vợ chồng thu gần 30 triệu đồng. Năm 2023, gia đình bà Điểu Thị Phương đã thoát nghèo.

Tương tự, hộ bà Điểu Thị Phải (dân tộc S’tiêng, ngụ thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) cũng được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà, giếng nước và cặp bò sinh sản. Tổng kinh phí hơn 145 triệu đồng, từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh Bình Phước.

Từ con bò, cái giếng, căn nhà,…hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo - Ảnh 4.

Bàn giao bò giống cho đồng bào DTTS ở huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: B.H

"Trước đây, gia đình sống trong căn nhà tạm, mưa dột, nắng nóng, nay không còn lo lắng nữa. Có nhà, có phương tiện sinh kế, cả gia đình tôi đã cố gắng chăm chỉ lao động, kinh tế ngày càng ổn định hơn. Năm 2023, gia đình đã không còn trong danh sách hộ nghèo của xã" – bà Phải nói.

Một hộ thoát nghèo điển hình khác, láng giềng bà Phải là hộ bà Thị Geo, cũng ở xã Đắk Nhau. Trước đây, nhà bà Geo hết sức khó khăn, nguồn thu chủ yếu dựa vào cây điều, chăn nuôi khó phát triển, vì không có vốn, kinh nghiệm lại hạn chế.

Năm 2022, nhà bà Geo được hỗ trợ 50 triệu đồng từ ngân hàng. Bà Geo đã đầu tư mua bò, lợn giống về nuôi. Nhờ được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, gia đình bà đã có 11 con lợn và 15 con bò. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, các nguồn thu bảo đảm, thuộc danh sách hộ thoát nghèo.

Từ con bò, cái giếng, căn nhà,…hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo - Ảnh 5.

Ông Bùi Văn Hiếu - phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước (thứ 2, phải qua) - trực tiếp bàn giao cặp bò giống cho hộ nghèo. Ảnh: B.H

Hay như gia đình anh Điểu Y La (thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng) cũng một trong những hộ có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Trong 3 năm trở lại đây, anh tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cho người DTTS, với số tiền hơn 100 triệu đồng, anh đã đầu tư mua 1 cặp bò, trồng và chăm sóc 1.000 cây cà-phê.

Anh vui mừng cho biết: "Đến nay, đàn bò đã sinh được 5 con, cà phê mỗi năm thu hơn 4 tấn, nên gia đình đã có cái ăn, cái mặc, có tiền cho con đi học, sau này kiếm việc làm nuôi sống bản thân".

Gia đình bà Thị Nơ (dân tộc S’tiêng, ngụ thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng) được thụ hưởng từ chương trình giảm nghèo của huyện. Bà được hỗ trợ bò giống, khoan giếng và được vay vốn 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội. 

Có vốn, bà mua thêm bò về nuôi, sửa chữa nhà cửa và đầu tư chăm sóc vườn cao su của gia đình. Đến nay, bò phát triển khỏe mạnh đã sinh sản bê con giúp gia đình bà vươn lên thoát nghèo.

Từ con bò, cái giếng, căn nhà,…hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo - Ảnh 6.

Mô hình sinh kế hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo đồng bào DTTS là điểm nhấn trong công tác xóa đói - giảm nghèo ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: T.L

Bà Thị Nơ cho biết: " Sau khi được hỗ trợ 2 con bò, tôi cố gắng chăm sóc. Hàng ngày, tôi đi cắt cỏ rồi chăn thả bò. Bò nó đẻ bê con, bán được mấy lứa rồi, thu nhập cũng ổn định. Rồi được vay vốn, tôi mua phân bón, thuốc trừ sâu chăm sóc vườn cây gia đình và sửa chữa lại nhà. Đến nay, thu nhập gia đình ổn định, không còn nghèo khó nữa".

Xây dựng nhiều mô hình sinh kế cho đồng bào DTTS thoát nghèo

Bình Phước đã đạt những kết quả đáng khích lệ trong công tác giảm nghèo - đặc biệt, đối với các hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS). Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, chương trình đặc thù nhằm hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo, vươn lên thoát nghèo, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Từ con bò, cái giếng, căn nhà,…hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo - Ảnh 7.

Nhờ được hỗ trợ bò giống, vốn vay từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gia đình anh Điểu Út (xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) đã có được vườn cao sư, thoát nghèo năm 2023. Ảnh: Thanh Mai

Theo bà Phạm Thị Mai Hương – phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước: "Một trong những điểm nhấn trong công tác giảm nghèo của tỉnh Bình Phước, là việc xây dựng các mô hình sinh kế bền vững. Các mô hình này không chỉ giúp hộ nghèo cải thiện đời sống, mà còn tạo ra những cơ hội kinh tế lâu dài.

Ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 19 mô hình chăn nuôi, với nguồn kinh phí từ Trung ương. Các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp và chăn nuôi giúp nhiều hộ gia đình có thể vươn lên, ổn định cuộc sống".

Từ con bò, cái giếng, căn nhà,…hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo - Ảnh 8.

Trao tặng căn nhà "Đại đoàn kết" cho gia đình ông Điểu Mát ở huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Q.S

Ông Bùi Văn Hiếu – phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng – cho rằng: "Thời gian qua, huyện Phú Riềng đã tranh thủ mọi nguồn lực, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chúng tôi rà soát nhu cầu thực tế các hộ dân, từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp như: hỗ trợ con giống; nông cụ sản xuất; nhà ở, nước sinh hoạt; vay vốn ưu đãi tín dụng ngân hàng chính sách;....sát với nhu cầu thực tế của các hộ dân, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững".

Trước khi, bàn giao bò giống, các hộ dân đã được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, trị bệnh, kỹ thuật phối giống bò, chăm sóc và nuôi dưỡng bê con mới sinh.

Trao bò cho các hộ dân, đại diện chính quyền dặn dò các gia đình chăm sóc tốt bò giống, phải đảm bảo chuồng nuôi, nguồn thức ăn cho bò, phòng chống dịch bệnh, thường xuyên liên hệ với cán bộ xã, huyện để được hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc bò, nhanh chóng phát triển đàn vật nuôi…

Từ con bò, cái giếng, căn nhà,…hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo - Ảnh 9.

Các hộ dân nghèo được vay vốn từ các chương trình xóa đói - giảm nghèo lồng ghép ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: T.L

Đáng chú ý, ở tỉnh Bình Phước, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã được lồng ghép linh động vào các chương trình giảm nghèo của tỉnh, mang lại hiệu quả rõ rệt. Các nguồn vốn này đã được sử dụng để hỗ trợ các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo DTTS, giúp họ có thêm cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế.

Theo bà Trần Tuyết Minh – phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước: Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo đồng bào DTTS ở Bình Phước chỉ còn 574 hộ, chiếm tỷ lệ 51,2% trên tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh. Năm 2024, số hộ nghèo đồng bào DTTS tiếp tục được giảm thêm 292 hộ.

"Bình Phước hiện đặt ra mục tiêu lớn là đến năm 2025, không còn hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo DTTS. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục lồng ghép các chương trình hỗ trợ và huy động các nguồn lực xã hội, nhằm tạo ra những cơ hội phát triển bền vững cho các hộ nghèo" – bà Minh nói.



Nguồn: https://danviet.vn/ho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-binh-phuoc-thoat-ngheo-nho-bo-giong-nha-o-gieng-nuoc-20250213120548248.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available