Mới đây, Parveen Kaswan, nhân viên Cục Lâm nghiệp Ấn Độ, đã chia sẻ những hình ảnh hiếm thấy về một số cá thể hổ sở hữu bộ lông màu đen lạ mắt, thay vì bộ lông sọc đen vàng như thường thấy. Kaswan cho biết những cá thể hổ này hiện đang sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Simlipal (bang Odisha, Ấn Độ).
“Những con hổ đen của Ấn Độ. Bạn có biết rằng những con hổ sở hữu bộ lông đen này được tìm thấy tại Khu bảo tồn Simlipal. Chúng có bộ lông đặc biệt như vậy vì một dạng đột biến gen và rất hiếm gặp. Sinh vật này thật xinh đẹp”, Parveen Kaswan chia sẻ trên trang X (trước đây là Twitter) cá nhân.
Parveen Kaswan cho biết, thông tin về cá thể hổ sở hữu bộ lông màu đen được ghi nhận lần đầu tiên năm 1993. Cụ thể, ngày 21/7/1993, một cậu bé có tên Salku, sống tại ngôi làng Podagad trong khu bảo tồn Simlipal, đã nhìn thấy một con hổ với bộ lông đen khác thường. Đến năm 2007, hình ảnh cá thể hổ với bộ lông đen mới được bẫy ảnh chụp lại được lần đầu tiên tại Simlipal.
Theo báo cáo tổng điều tra về hổ năm 2018, số lượng hổ đen đã giảm mạnh. Tuy nhiên, điều đáng nói 70% số hổ đen trên thế giới có ở Odisha.
Trong tổng số quần thể, hầu hết chúng có thể được tìm thấy trong Khu bảo tồn hổ Similipal ở Odisha. Dù vậy về cơ bản chúng vẫn là những cá thể rất hiếm gặp.
Theo các nhà khoa học, những cá thể hổ lông đen có vẻ ngoài đặc biệt do một dạng đột biến gen được gọi là hắc tố giả, trong đó họa tiết sọc sẫm của chúng trở nên dày nằm sát nhau trên bộ lông màu vàng cam nhạt, thường khiến bộ lông của chúng trông có màu tối khác lạ.
Lý giải thêm về vấn đề này, trước đó, Indian Express từng đưa tin: “Các nhà nghiên cứu đã kết hợp các phân tích di truyền của các quần thể hổ khác từ Ấn Độ và dữ liệu từ các mô phỏng trên máy tính để chỉ ra rằng những con hổ đen Similipal có thể phát sinh từ một quần thể hổ mới thành lập rất nhỏ, bị cô lập và giao phối cận huyết”.
Tiết lộ lý do đằng sau những con hổ chỉ ở lại Odisha, chuyên gia động vật hoang dã và các nhà khoa học tại Viện Động vật hoang dã Ấn Độ, cho rằng đó là nơi rất nhiều rừng và môi trường sống đa dạng, kết quả hổ không cảm thấy cần phải di chuyển khỏi nơi này.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Dân Việt)