(NLĐO)- Với việc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được nâng hạng, hiện tỉnh Thanh Hóa đã có 2 Vườn quốc gia
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa ký quyết định phê duyệt chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (nằm trên địa bàn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) thành Vườn quốc gia Xuân Liên.
"Thần mộc" sa mu - cây di sản ngàn năm tuổi trong Vườn quốc gia Xuân Liên. Ảnh: Tuấn Minh
Sau khi được nâng hạng, Vườn quốc gia Xuân Liên sẽ có chức năng, nhiệm vụ: Bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường; duy trì, đảm bảo ổn định nguồn nước cho Hồ Cửa Đạt, gắn với phát triển du lịch sinh thái và cung ứng dịch vụ môi trường rừng; góp phần cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Bảo tồn và phát triển các giá trị đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng đặc trưng, các giống, loài động, thực vật rừng quý, hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ hiện có trong khu vực; bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên; khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng; làm giàu rừng tự nhiên; gieo ươm, nhân giống các loài cây bản địa, đặc hữu, quý, hiếm và nâng cao độ che phủ rừng gắn với phát triển tài nguyên sinh học bền vững.
Xuân Liên được xem là Vườn quốc gia có dự trữ đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam. Ảnh: Tuấn Minh
Tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường, điều tiết nguồn nước phục vụ công trình thủy lợi, thủy điện Hồ Cửa Đạt; giảm thiểu xói mòn, lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp ổn định nguồn nước cho sản xuất và đời sống vùng hạ lưu.
Tăng cường chức năng nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bên liên quan về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học…
Vườn quốc gia Xuân Liên có tổng diện tích 25.601,98 ha, trong đó đất rừng đặc dụng 23.816,23 ha (bao gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 10.869,18 ha, phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 10.393,38 ha và phân khu dịch vụ - hành chính có diện tích 2.553,67 ha); đất rừng sản xuất là 912,37 ha và đất bán ngập nước hồ Cửa Đạt là 873,38 ha.
Động vật quý hiếm được ghi nhận qua bẫy ảnh tại Xuân Liên. Ảnh Tuấn Minh
Vườn quốc gia Xuân Liên nằm trên địa phận hành chính thuộc 5 xã, thị trấn gồm: xã Bát Mọt, xã Yên Nhân, xã Lương Sơn, xã Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Xuân Liên được xem là một trong những Vườn quốc gia có dự trữ đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam. Theo kết quả điều tra, Xuân Liên hiện có trên 1.228 loài thực vật bậc cao; 1.811 loài động vật hoang dã thuộc 241 họ, 46 bộ, 4 lớp. Đã xác định có 56 loài thực vật nguy cấp quý hiếm, trong đó có 35 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007)…
Đáng chú ý, Xuân Liên là nơi phân bố tập trung của 2 loài cây pơ mu, sa ma có đường kính rất lớn, trong đó có 2 "cụ cây" được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao danh hiệu cây di sản, đó là cây sa mu và cây pơ mu được xác định hơn 1.000 tuổi.
Lực lượng kiểm lâm phối hợp đi tuần rừng tại Xuân Liên. Ảnh: Tuấn Minh
Đặc biệt, tại Vườn quốc gia Xuân Liên còn là nơi phân bố số lượng quần thể lớn nhất Việt Nam với loài vượn đen má trắng đã ghi nhận ít nhất 64 đàn, với 182 cá thể, so với 41 đàn, 129 cá thể cách đây 10 năm; trên 200 cá thể voọc xám, xác định cho khoa học sự tồn tại của loài "Mang Roosevelt" hay còn gọi là "Mang Lào" được coi đã bị tuyệt chủng gần 100 năm nay.
Với việc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được nâng hạng, tại Thanh Hóa hiện có 2 Vườn quốc gia đó là Vườn quốc gia Bến En và Vườn quốc gia Xuân Liên.
Nguồn: https://nld.com.vn/thanh-hoa-co-them-mot-vuon-quoc-gia-19625021010202557.htm
Bình luận (0)