Bản tin quân sự 9/1: Tạp chí quân sự Military Watch đánh giá, do đặc điểm thiết kế của hệ thống tên lửa Avangard nên việc đánh chặn nó gần như không thể.
Lầu Năm Góc nhận lô bom hạt nhân B61-12 mới; thiết bị lượn siêu vượt âm Avangard của Nga không thể bị ngăn chặn… là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Lầu Năm Góc nhận lô bom hạt nhân B61 phiên bản mới
Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng 12/2024 đã nhận được lô bom hạt nhân B61 nâng cấp mới nhất là B61-12.
Tổng số bom hạt nhân có lõi plutonium mới được sản xuất tại Trung tâm An ninh Quốc gia Y-12 ở Oak Ridge, Tennessee, vẫn chưa được tiết lộ.
Bom B61-12 thay thế các biến thể 3, 4, 7 và 10 có sức công phá thấp hơn (0,3-50 kiloton). Tuy nhiên, nó được bù đắp bằng một bộ phận cánh đuôi mới, giúp điều khiển bom trên không và chính xác hơn. Khi được thả ở độ cao lớn, bom sẽ tự động lập trình đường bay theo các định vị vệ tinh để tấn công chính xác mục tiêu.
Bom hạt nhân chiến thuật B61 được nâng cấp khả năng tấn công chính xác cao. Ảnh: Defense News |
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, Lầu Năm Góc sẽ sớm bắt đầu triển khai B61-12 tới các căn cứ không quân của đồng minh NATO ở châu Âu.
Tính đến năm 2023, khoảng 100 đơn vị biến thể cũ hơn của bom hạt nhân chiến thuật B61 – B61-3 và 4 được đặt trong các kho chứa dưới lòng đất tại các căn cứ không quân của đồng minh NATO ở châu Âu. Khoảng 15 qua bom hạt nhân được đặt tại các căn cứ không quân Büchel ở Rhineland-Palatinate (Đức), Kleine Brogel (Bỉ), Volkel (Hà Lan) và Gedi (Ý) và 20 quả bom loại này tại các căn cứ không quân Aviano (Ý) và Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ). Chúng có thể được sử dụng bởi các máy bay ném bom chiến thuật F-35A, F-15E, F-16 và Tornado. Tuy nhiên, kho vũ khí chính của họ nằm ở lục địa Hoa Kỳ.
Việc Mỹ nâng cấp bom hạt nhân B61 nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Nga khi nó là vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công chính xác cao và không chịu ràng buộc bởi các quy định quốc tế.
Theo NNSA, Mỹ đang bắt đầu nâng cấp bom B61 lên B61-13, đây là “phiên bản mạnh hơn của B61-12, cung cấp cho quân đội Mỹ khả năng đánh bại các mục tiêu quân sự phức tạp hơn và lớn hơn với sức công phá tương đương 360 kiloton. Quá trình nâng cấp bom B61-13 được thực hiện tại Trung tâm An ninh Quốc gia Y-12 ở Oak Ridge trong năm nay.
Mỹ đánh giá về khả năng ngăn chặn thiết bị lượn siêu vượt âm Avangard
Tạp chí quân sự Military Watch của Mỹ đánh giá, do đặc điểm thiết kế của hệ thống tên lửa Avangard nên việc đánh chặn nó gần như không thể.
Các chuyên gia của Military Watch đã đánh giá các đặc điểm của hệ thống vũ khí siêu vượt âm của Nga. Theo các tác giả, thiết kế của phương tiện lượn với động cơ ramjet siêu thanh cho phép nó thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân ở tốc độ vượt quá Mach 27. Tên lửa cũng giữ được khả năng cơ động cao hơn.
Military Watch đăng tải: “Điều này được cho là khiến nó hầu như không thể bị đánh chặn”.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể mang tới 12 đầu đạn nhiệt hạch để tấn công các mục tiêu riêng biệt, đối với thiết bị như Avangard, việc tấn công gần như không thể bị ngăn chặn. Chính phía Nga cũng thường trích dẫn Avangard như một ví dụ về sức mạnh răn đe hạt nhân.
Thiết bị lượn siêu vượt âm là vũ khí không thể bị ngăn chặn với công nghệ phòng thủ tên lửa hiện tại. Ảnh: Getty |
Thiết bị siêu vượt âm Avangard đã gia nhập quân đội Nga vào tháng 12/2019. Hệ thống này được phát triển ở Liên Xô vào những năm 1980 để đối trọng với việc Mỹ tập trung phát triển lá chắn tên lửa và chiến tranh giữa các vì sao.
Thiết bị lượn Avangard có tầm bắn hơn 6.000km, nặng khoảng 2 tấn và có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Một báo cáo của hãng thông tấn TASS cho biết, đầu đạn hạt nhân của Avangard có sức công phá tương đương 2 megaton.
Thiết bị này có thể được thả ra ở ngoài bầu khí quyển Trái đất trước khi tấn công nhiều mục tiêu trên thế giới trong vòng chưa đầy 30 phút với tốc độ 9,5 km/giây, nghĩa là gấp hơn 27 lần tốc độ âm thanh (khoảng hơn 33.000 km/giờ). Khả năng cơ động này làm quỹ đạo của Avangard trở nên khó đoán, khiến nó trở thành một vũ khí được coi là “bất khả chiến bại”.
Avangard tận dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa SS-19 Stiletto làm động cơ đẩy để đưa tên lửa lên độ cao thích hợp. Tên lửa này có thể cơ động độc lập và di chuyển theo quỹ đạo phi đạn đạo về phía mục tiêu. Sau khi tăng tốc lên mức cực đại dưới quỹ đạo khoảng 100km, vũ khí sẽ tách ra khỏi tên lửa. Avangard sẽ lao xuống mục tiêu trong bầu khí quyển.
Vào giữa tháng 12, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, Đại tướng Sergei Karakaev cho biết, các bệ phóng của hệ thống Avangard với đầu đạn dẫn đường đang hoạt động dưới sự kiểm soát của các sở chỉ huy Bugai. |
Nguồn: https://congthuong.vn/ban-tin-quan-su-91-he-thong-ten-lua-avangard-cua-nga-khong-the-bi-danh-chan-368729.html