Khói thuốc lá có thể tồn tại lâu trên các bề mặt, tiếp xúc với chúng có nguy cơ mắc ung thư, gan nhiễm mỡ, xơ phổi.
Khói thuốc lá có thể bám trên các bề mặt, đồ vật và vải trong phòng, trên sàn nhà, tường, quần áo, đồ nội thất, đồ chơi, màn, giường và thảm… Ngay cả khi ngừng hút thuốc, dư lượng khói thuốc lá tồn tại trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nghiên cứu năm 2014 của Đại học California Riverside, Mỹ, cho thấy khói thuốc thụ động có thể tồn tại trên các bề mặt, nhất là vải và đồ nội thất trong 19 tháng.
Khói thuốc lá thụ động xâm nhập vào cơ thể theo ba cách là nuốt, hít và hấp thụ. Bạn có thể nuốt phải nicotine và các hóa chất khác từ khói thuốc lá nếu chạm vào bề mặt có khói thuốc bám và đưa tay lên miệng. Trẻ em có thể ăn phải khi cho đồ vật nhiễm khói thuốc lá vào miệng.
Khói thuốc lá giải phóng các chất gây ô nhiễm vào không khí, mọi người có thể hít phải những chất độc hại này bám trên vải, gối, màn… Nicotine và các hóa chất khác còn sót lại sau khi hút thuốc có thể được hấp thụ qua da. Trẻ em có làn da mỏng hơn nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn.
Khói thuốc thụ động chứa nicotine và các hóa chất như asen, benzen, butan, xyanua, formaldehyde… là chất làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh khác.
Ung thư: Theo đánh giá năm 2014 của Đại học York, Anh, dựa trên 80 nghiên cứu, khói thuốc thụ động có thể phản ứng với các chất ô nhiễm thông thường trong nhà, trong không khí để tạo thành chất độc mới và có khả năng gây bệnh cao hơn. Ví dụ, oxit nitơ (được tạo ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu và phát thải nước thải) khi trộn với các hóa chất trong khói thuốc thụ động tạo ra nitrosamine gây ung thư phổi, gan, miệng, dạ dày và thực quản.
Huyết khối mạch vành: Tiếp xúc với khói thuốc thụ động thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ đông máu. Nghiên cứu năm 2015 của Đại học Khoa học Y tế Western, Mỹ, chỉ ra hút thuốc và tiếp xúc khói thuốc thụ động làm tăng nguy cơ huyết khối mạch vành cấp tính, cản trở lưu lượng máu đến tim và gây đau tim.
Bệnh gan nhiễm mỡ: Hấp thụ khói thuốc lá kích thích tích tụ chất béo trong tế bào gan, làm tăng khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Theo thời gian, bệnh có thể phát triển thành xơ gan, ung thư gan.
Tăng động: Theo nghiên cứu năm 2014 của Đại học California, Mỹ, trên 50 trẻ em, hút thuốc thụ động có liên quan đến chứng hiếu động thái quá ở trẻ em. Điều này có thể là do nicotine trong khói thuốc hoạt động như chất kích thích hệ thần kinh trung ương.
Vết thương lâu lành: Nghiên cứu năm 2016 của Đại học California, Mỹ, cho thấy tiếp xúc với chất độc trong khói thuốc lá thụ động trên các bề mặt làm trì hoãn và giảm khả năng lành vết thương do chúng phá vỡ các quá trình tự lành của vết thương thông thường. Hóa chất khói thuốc lá khiến vết thương suy giảm khả năng lắng đọng collagen, thay đổi phản ứng viêm, giảm sự hình thành mạch dẫn đến chậm lành.
Kháng insulin: Theo Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Mỹ, hút thuốc thụ động gây tổn thương oxy hóa và giảm thụ thể insulin trên tế bào tuyến tụy, tăng nguy cơ kháng insulin, dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
Xơ phổi: Hít hoặc nuốt khói thuốc lá thải ra ngoài môi trường ảnh hưởng đến việc sản xuất collagen ở các đường dẫn khí nhỏ hơn (tiểu phế quản) và túi khí (phế nang) của phổi, dẫn đến xơ phổi (các mô dày lên và sẹo ở phổi). Điều này có thể làm tăng thêm các vấn đề về hô hấp ở người hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ nang. Nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của phổi trẻ em.
Để tránh các nguy cơ trên, nên tránh hút thuốc trong nhà hoặc xe hơi, tăng cường nhận thức về mối nguy hại của sản phẩm này. Nếu trong nhà có người hút thuốc, nên thường xuyên vệ sinh tường, đồ dùng, đồ chơi trẻ em, vải… bằng chất tẩy rửa và nước nóng.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |