(Dân trí) – Theo cơ quan chức năng, hầu hết người lang thang đều có nơi cư trú trên địa bàn thành phố. Sau khi bị đưa về phường, người nhà sẽ đem giấy tờ lên để xin về nhưng hôm sau họ lại… lang thang.
3 tháng tập trung 522 người lang thang, xin ăn
Ngày 29/3, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức hội nghị giao ban tháng 3, 3 tháng đầu năm 2024.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đánh giá cao nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên trong quý I/2024 (Ảnh: Tùng Nguyên). |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đánh giá cao nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên để hoàn thành các nhiệm vụ trọng yếu trong quý I/2024, quý có nhiều sự kiện quan trọng của ngành, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán với nhiều hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người khó khăn…
Trong 3 tháng đầu năm, Sở đã hoàn thành 8/25 nội dung chương trình, kế hoạch trình UBND TPHCM (đạt 32% kế hoạch năm), không có nội dung trễ hạn và thực hiện 8/30 nội dung chương trình công tác của Sở (đạt 26,66% kế hoạch năm).
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Công tác quản lý, chăm lo cho diện chính sách, trẻ em, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng cai nghiện ma túy tại các đơn vị được quan tâm thực hiện kịp thời và đúng đối tượng…
Tình hình an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội được đảm bảo. Công tác cải cách hành chính và chương trình chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm thực hiện xuyên suốt”.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Thinh đánh giá thị trường lao động trong những tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm khởi sắc so với các quý trong năm 2023, số lượng lao động thiếu việc làm, mất việc làm đều giảm.
Theo ông Lê Văn Thinh, thị trường lao động việc làm của TPHCM đang có dấu hiệu khởi sắc (Ảnh: Tùng Nguyên). |
Ông Thinh nhấn mạnh đến nỗ lực của các trung tâm cai nghiện khi cố gắng tiếp nhận, tổ chức cai nghiện khi số lượng người cai nghiện tăng rất cao. Theo ông Thinh, thành phố đang nỗ lực đưa người cai nghiện đi cai nghiện tập trung, không để họ cai tại cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Hiện tổng số người nghiện đang cai nghiện tập trung tại 15 cơ sở là 13.347 người, tăng 84,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng khẳng định nỗ lực của phòng LĐ-TB&XH các địa phương đã phối hợp tốt với cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trong dịp Tết Nguyên đán.
Bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Trong quý I/2024, các quận huyện đã tập trung và giao về các trung tâm bảo trợ 522 trường hợp, so với quý I/2023 tăng gấp đôi, cho thấy nỗ lực của các tổ công tác địa phương. Cao điểm là thời gian từ ngày 5/12/2023 đến ngày 4/1/2024 tập trung hơn 200 người”.
Trong quý I/2024, thành phố đã tập trung 522 trường hợp lang thang, xin ăn (Ảnh minh họa: Hữu Khoa). |
Tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Đức Tài, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Tân Bình, cho biết: “Dự kiến trong năm 2024, phòng sẽ kết hợp với các địa phương giáp ranh để xử lý ở địa bàn giáp ranh, tránh tình trạng đẩy đuổi, đối tượng từ địa phương này chạy sang địa phương khác, bắt cóc bỏ dĩa”.
Theo ông Tài, hiện 15/15 phường trên địa bàn quận đều thành lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ này. Qua công tác rà soát các địa bàn trọng điểm xác định có 11 tuyến đường thường xuyên có người lang thang, xin ăn xuất hiện.
Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tập trung chuyển hóa từng tuyến đường trọng điểm trên. Ra quân, lập hồ sơ đưa 11 người vào các trung tâm bảo trợ xã hội, trong đó có 1 trẻ em.
Ông Trần Đức Tài, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Tân Bình (Ảnh: Tùng Nguyên). |
Tuy nhiên, điều bất ngờ là hầu hết những người lang thang trên đều có nơi cư trú trên địa bàn thành phố. Thậm chí là có trường hợp một số người bán vé số cố tình ngồi cùng với những người lang thang, xin ăn để trục lợi tình thương.
Ông Tài chia sẻ: “Ban đầu, người lang thang không xuất trình được giấy tờ. Nhưng khi đưa về phường thì người nhà đem giấy tờ lên để xin về. Sau đó, họ lại xuất hiện ở chỗ cũ, hoặc di chuyển sang chỗ khác”.
Ông Trần Đức Tài cho biết, quận đã nhiều lần tuyên truyền người dân nên hỗ trợ tiền, quà tại các cơ sở từ thiện xã hội có uy tín, hợp pháp nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều người cho tiền trực tiếp những người lang thang, xin ăn nên chưa chấm dứt được tình trạng này.
Bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH, cho biết thành phố đã ban hành nhiều giải pháp để kịp thời phát hiện, tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn.
Hiện Sở Thông tin – Truyền thông đã chỉ đạo Tổng đài 1022 tiếp nhận thông tin từ người dân, chuyển về địa phương giải quyết. Những thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường cũng được giao theo dõi, phát hiện trường hợp lang thang, xin ăn thì báo ngay cho cấp trên để tập trung về cơ sở bảo trợ xã hội…
Bà Phụng cũng đánh giá cao biện pháp liên kết các địa phương lân cận để đảm bảo hiệu quả hoạt động, tránh việc địa phương này làm căng thì các đối tượng lại chạy sang địa bàn khác.
Bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên). |
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đề nghị phòng Bảo trợ xã hội nghiên cứu thêm về quy định cho phép người thân bảo lãnh, nếu chưa chặt chẽ thì đề xuất siết chặt như thế nào cho phù hợp để không tiếp diễn tình trạng người lang thang, xin ăn xuất hiện trên đường.
Ông nói: “Quy định chúng ta cho phép người thân bảo lãnh cho nên cứ đưa vào họ lại xin ra, không đạt hiệu quả bền vững, có khi chính thân nhân của họ lại là đối tượng chăn dắt, trục lợi và lợi dụng quy định này”.
Tại hội nghị, Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức trao tặng bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong năm 2023 (Ảnh: Tùng Nguyên). |
Theo Dân trí