Ngừng cho tiền, mua hàng của trẻ em đường phố
Tại một buổi khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về thực trạng trẻ em đường phố ở TP.HCM với sự tham gia của các phóng viên và cán bộ trẻ em, phần lớn ý kiến đều cho rằng việc trẻ em lang thang trên đường phố làm nghề ăn xin, bán vé số, thổi lửa… để kiếm sống vẫn nhan nhản ở TP.HCM nhiều năm qua, đặc biệt là vào các dịp cao điểm lễ Tết.
Trong số đó, ngoài một số ít là con em của người dân thành phố, phần lớn các em từ những tỉnh, thành khác theo cha mẹ vào thành phố kiếm sống, chỗ ở không ổn định, nên địa phương rất khó quản lý.
Bà Trần Thị Kim Thanh – trưởng phòng chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới, công tác lâu năm trong lĩnh vực chăm sóc, bảo trợ trẻ em tại TP.HCM – cho rằng việc hảo tâm cho tiền người ăn xin, trong đó có trẻ em, vẫn là vấn đề gây tranh cãi lâu nay bởi văn hóa truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.
Đồng thời, hiện nay chưa có quy định để ngăn chặn hoặc vận động tuyên truyền bài bản để người dân hiểu hậu quả của việc cho tiền ăn xin, cũng như việc làm thiện nguyện tự phát.
“Việc giúp đỡ, cho tiền không đúng cách sẽ làm cho người được trợ giúp ỉ lại. Chính quyền địa phương khó giải quyết được vấn nạn này vì luật pháp không cấm.
Điều này dẫn đến việc ngày càng có nhiều trường hợp lợi dụng trẻ em để kiếm tiền, nhờ vào lòng trắc ẩn của người dân. Khi cho tiền, thức ăn, quà tặng hay mua bất cứ thứ gì từ trẻ em ăn xin, nghĩa là chúng ta đang khuyến khích các em tiếp tục công việc này.
Người thân, gia đình các em cũng không muốn nhận trợ giúp, hợp tác với các tổ chức để cho các em đến trường. Như vậy, trẻ em sẽ không được đến trường và tiếp tục bế tắc trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo”, bà Thanh chia sẻ thêm.
Khi gia đình không quan tâm đến tương lai của con mình
Trong thực tế, không ít người thân của trẻ em đường phố lẩn tránh sự tiếp cận, hỗ trợ của các tổ chức. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không bằng cấp, nghề nghiệp, họ cần dựa vào các em để kiếm sống. Họ hy sinh tương lai của con cái mình.
Ông Phạm Đình Nghinh – phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM – cho rằng dù trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào, trẻ em luôn phải được quan tâm và bảo vệ đặc biệt.
“Nhiều thành phố lớn trên thế giới vẫn diễn ra tình trạng người lang thang, ăn xin nhưng rất ít hoặc gần như không có trẻ em. Trong khi đó, tại TP.HCM, ngoài người già thì trẻ em lại là nhóm chiếm đa số”, ông Nghinh nêu.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, việc không cho tiền, mua hàng rong của trẻ em sẽ giúp giảm tình trạng trẻ em đường phố bị chăn dắt, lợi dụng.
“Trường hợp các em thật sự khó khăn và gia đình, người thân mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ để các em được học hành thì nên giới thiệu các em đến các dịch vụ của Nhà nước.
Hiện nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cơ sở bảo trợ xã hội đang chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề cho trẻ em; các tổ chức, nhà hảo tâm đang đồng hành chăm lo cho trẻ em; các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em tại các trường học và phường, xã, thị trấn”, bà Thanh nêu.
Bạn có hay cho tiền, mua vé số từ các em nhỏ bán dạo trên đường? Theo bạn, có nên tiếp tục thể hiện tình thương bằng cách này? Mời bạn gửi bài chia sẻ quan điểm về hòm thư [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.