Năm nay cũng vậy. Trong các giải pháp lần này có tiếp tục kêu gọi mọi người “không cho tiền người xin ăn” nữa. Liệu cách làm này có khả thi?
Đâu lại hoàn đấy
Dễ có đến hàng chục năm rồi, năm nào các ngành chức năng của TP.HCM cũng “kêu ca” về tình trạng người xin ăn ngày một nhiều lên ở khắp các quận, huyện, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông của thành phố.
Các giải pháp cũng được nêu ra như ngành LĐ-TB-XH phối hợp chính quyền các quận, huyện và công an khu vực nắm chắc danh sách người xin ăn trên địa bàn để “gom” họ lại và đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng các đối tượng chính sách và người lang thang cơ nhỡ để nhà nước chăm lo. Sau một thời gian vận động, thu dung, phần lớn số người xin ăn đã được đưa về đúng các địa chỉ mà chính quyền đã quy định.
Những tưởng như thế là đã ổn, thế nhưng, cứ sau mỗi đợt phát động phong trào thu dung người xin ăn, cảnh nhếch nhác từ đủ các dạng xin ăn có giảm phần nào nhưng rồi đâu lại hoàn đấy.
Không ít những trường hợp, nhiều người xin ăn vừa đưa vào trung tâm nuôi dưỡng được vài hôm thì đã thấy họ xuất hiện tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ quen thuộc, đi lại trên các khu vực mà trước đó họ đã từng “hành nghề”. Nghĩa là, tình trạng xin ăn vẫn không được cải thiện triệt để, dù chính quyền thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Cách đây mấy hôm, chính quyền TP.HCM lại đưa ra giải pháp: khuyến cáo người dân và du khách không nên cho tiền người xin ăn. Vì làm như vậy là khuyến khích họ tiếp tục “hành nghề”. Chỉ có cách “cắt nguồn thu”, tức không cho họ tiền nữa thì tình trạng xin ăn mới chấm dứt?
Vì sao?
Thực ra giải pháp này cũng không mới mẻ gì. Từ nhiều năm qua, chính quyền TP.HCM vẫn luôn kêu gọi mọi người đừng cho tiền người xin ăn. Vì việc cho tiền người xin ăn không phải là vấn đề vi phạm pháp luật, nó là quyền tự do thể hiện tấm lòng giữa người với người nên nhà chức trách không thể “cấm” được!
Mà đã “kêu gọi” thì rất khó để thực hiện một cách triệt để. Do vậy, sự thương cảm của một số người vô hình trung đã thành “mảnh đất” để người xin ăn “dung thân”. Cái khó của giải pháp “kêu gọi” này nằm ở chỗ đó.
Có một thực tế là, phía sau không ít hoàn cảnh thương tâm, nhận của bố thí hằng ngày ấy luôn có một đám người chuyên “chăn dắt”. Lúc công khai, khi ẩn mình nhưng đám bất lương này luôn điều hành đường dây xin ăn chuyên nghiệp, trục lợi trên sự đau khổ của những người khuyết tật và lòng thương của người đời.
Số xin ăn hoàn toàn không hưởng trọn số tiền mà họ nhận được mà phải “ăn chia” theo tỷ lệ do đám chăn dắt kia đưa ra. Vì vậy, mọi người cũng đừng ngạc nhiên là có không ít người khuyết tật đi lại khó khăn, thậm chí phải lê lết trên đường phố nhưng họ có mặt ở khắp các ngõ ngách của Sài Gòn chỉ trong một buổi! Đám chăn dắt đã dùng xe máy để đưa người xin ăn đến những địa chỉ do chúng “chia phần lãnh địa”.
Ngoài đám chăn dắt nói trên còn có những trường hợp cha mẹ đã biến những đứa con của mình thành kẻ xin ăn chuyên nghiệp. Họ xua con cái ra đường bằng những hình ảnh không thể thảm thương hơn hòng mong nhận được của bố thí của người đời. Thậm chí có những người còn dã tâm hơn khi biến những đứa trẻ lành lặn thành tật nguyền để dễ bề gợi lòng thương cảm mà nhận của bố thí nhiều hơn.
Có một thực tế là, có một số người đã coi việc đi xin như một nghề kiếm sống. Thậm chí, thu nhập từ việc xin ăn có khi còn cao hơn một số nghề khác. Nên việc “kêu gọi” để họ từ bỏ công việc này không hề đơn giản.
Làm gì?
Ở một đô thị sôi động bậc nhất như TP.HCM, mỗi năm đón hàng chục triệu du khách trong và ngoài nước thì cảnh xin ăn luôn gây phản cảm cần phải được dẹp bỏ. Nhưng “dẹp” theo cách làm lâu nay hoàn toàn không mang tính căn cơ nên đâu lại hoàn đấy.
Kêu gọi mọi người không nên cho tiền người xin ăn để “chặn” nguồn thu đầu vào là đúng nhưng chưa đủ, mà cần loại bỏ triệt để những kẻ chăn dắt đứng sau số người xin ăn. Cần phải “loại trừ” đám bất lương này bằng các biện pháp mạnh.
Tiếp theo là xây dựng nhiều nhất có thể các trung tâm nuôi dưỡng các đối tượng không thể làm gì khác được ngoài việc đi xin ăn này, nhất là số người khuyết tật, không bà con thân thích.
Ngoài nguồn kinh phí của thành phố, các tổ chức xã hội, các nhà từ thiện cũng nên giúp một tay bằng việc cung cấp tài chính để nuôi dưỡng số người này sao đó mà họ cảm thấy “sướng hơn đi xin” thì mới mong giải quyết triệt để nạn xin ăn này.