Nhìn lại lịch sử, việc chậm trễ trong ứng phó với cơn bão Katrina đã khiến tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống George W. Bush tụt dốc đáng kể, trong khi chính sách cứu trợ hiệu quả của chính quyền ông Barack Obama đã giúp cựu Tổng thống có thêm 4 năm ở Nhà Trắng.
Chỉ còn chưa đầy bốn tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu tháng 11 và hai ứng viên lưỡng đảng vẫn bám đuổi sít sao trên đường đua giành vị trí kế nhiệm ông Biden tại Nhà Trắng. Hai trong số những tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bão Helene, bao gồm Bắc Carolina và Georgia; cũng như bang chiến địa Florida – nơi vừa bị siêu bão Milton tàn phá, nằm trong số bảy chiến trường quan trọng có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử năm nay. Tại thời điểm này, cứu trợ thiên tai một lần nữa trở thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm nay.
Ông Trump công kích đảng Dân chủ
Theo ước tính, siêu bão Milton có thể gây ra thiệt hại tới 245 tỷ USD do ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực đông dân nhất ở bang Florida. Vấn đề khắc phục hậu quả sau bão, ổn định đời sống của người dân đang được đặt lên hàng đầu và rõ ràng, ông Trump đã biến lợi thế kinh tế của mình thành một ngón đòn tranh cử.
Mới đây, ông Trump đã mời 275 công nhân điện ở Florida-nơi con bão Milton vừa mới đổ bộ, vào trú ẩn tại một khu nghỉ dưỡng đắt tiền ở Florida. Trước đó, cựu Tổng thống cũng đứng ra gây quỹ ủng hộ các nạn nhân của bão Helene và số tiền gây quỹ hiện tại đã chạm mốc 7 triệu USD.
Ông Trump liên tục cáo buộc chính quyền ông Biden-bà Harris không đủ năng lực để chỉ đạo các chương trình cứu trợ người dân gặp nạn sau bão lũ và khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời cho rằng chính quyền đương nhiệm đang sử dụng tiền cứu trợ cho dân nhập cư. Xuất hiện trong một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania mới đây, cựu Tổng thống tuyên bố: “Đó là phản ứng tồi tệ nhất từ người đứng đầu Nhà Trắng kể từ khi cơn bão Katrina quét qua nước Mỹ hồi năm 2005 đến nay. Rõ ràng họ không đủ khả năng lãnh đạo”.
Củng cố luận điểm của người đồng hành tranh cử, Thượng nghị sĩ Ohio JD Vance, cũng nói rằng chính phủ liên bang chỉ cung cấp 750 USD viện trợ cho những công dân chịu thiệt hại cho bão Helene.Trong khi đó, Dân biểu Marjorie Taylor Greene đến từ đảng Cộng hòa ở Georgia cho rằng chính quyền đương nhiệm phải chịu trách nhiệm cho những thảm họa thiên nhiên gần đây vì đã “thử nghiệm nhiều công nghệ mới trong không gian, gây ra biến đổi khí hậu”.
Trong bối cảnh cuộc đua đang tiến về đoạn cuối, dù những tuyên bố kể trên có phải là “những lời nói dối trắng trợn” như đảng Dân chủ tuyên bố hay không thì chúng cũng có thể thêu dệt nên một “bức chân dung không mấy tốt đẹp” về ứng viên đại diện đảng Dân chủ Kamala Harris, nhà báo Stephen Collison của đài CNN nhận định.
Bà Harris mạnh mẽ đáp trả
Trong cuộc phỏng vấn hôm 9/10 trên Weather Channel, Phó Tổng thống Kamala Harris đã mạnh mẽ đáp trả những lời công kích từ phía đảng Cộng hòa: “Đây không phải là lúc chúng ta chỉ trích lẫn nhau với tư cách là người Mỹ”, bà Harris nói. “Bất kỳ ai tự coi mình là nhà lãnh đạo thực sự “xắn tay áo lên và là việc”, thay vì chỉ nói nhăng nói cuội”.
Tổng thống Biden đã gọi điện cho các quan chức Florida vào tối 9/4, trước khi cơn bão Milton đổ bộ vào tiểu bang này. Trước đó, ông cũng nói chuyện với các thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa từ các tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Helene để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.
“Tôi đã chỉ đạo nhóm của mình làm mọi thứ có thể để cứu sống người dân và giúp đỡ cộng đồng trước, trong và sau cơn bão – cơn bão vừa đi qua và cơn bão khủng khiếp sắp ập đến. Đây là thông điệp quan trọng nhất mà tôi muốn gửi đến những người ở các khu vực bị ảnh hưởng: Xin hãy lắng nghe chính quyền địa phương, tuân thủ mọi hướng dẫn an toàn và lệnh sơ tán. Tình hình hiện nay rất nghiêm trọng.”, ông Biden phát biểu vào cuối một ngày dài giám sát hoạt động ứng phó của liên bang đối với các cơn bão.
Đáp lại tuyên bố của ông Trump về việc sử dụng quỹ cứu trợ sai mục đích, Nhà Trắng đã mở một tài khoản trên nền tảng Reddit nhằm mục đích xác định và đính chính lại thông tin sai lệch. Quản trị viên cao cấp của Cơ quan Quản lý trường hợp khẩn cấp FEMA, bà Deanne Criswell đã xuất hiện trên chương trình “CNN News Central”, thuyết phục người dân không nên tin vào những tuyên bố của ông Trump.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cơn bão Helene đổ bộ bờ Đông nước Mỹ hồi cuối tháng 9 và siêu bão Milton càn quét Florida mới đây được xem là biểu hiện của vấn đề biến đổi khí hậu – một vấn đề vốn được không được đánh giá cao trong cuộc bầu cử Mỹ.
Một cuộc thăm dò của Gallup được tiến hành ngay trước khi bão Helene đồ bộ vào Florida hồi cuối tháng 9 cho thấy, chỉ 5% đảng viên Cộng hòa và những cử tri có khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng hòa, cùng với hơn 1/3 đảng viên Dân chủ và những cử tri có khuynh hướng ủng hộ đảng Dân chủ, cho biết vấn đề biến đổi khí hậu “cực kỳ quan trọng” đối với lá phiếu của họ.
Tuy nhiên, những con số trên bảng thống kê không nói lên tất cả, đặc biệt sau khi hai cơn bão lớn vừa quét qua nước Mỹ. Trái ngược với niềm tin của ông Trump rằng “biến đổi khí hậu không có thật”, bà Harris và ông Walz có dự định sẽ xây dựng một nền kinh tế xanh trong nhiệm kỳ tiếp theo ở Nhà Trắng. Bà cũng ủng hộ danh sách mong muốn tiến bộ về các mục tiêu khí hậu, bao gồm việc chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào nhiên liệu hóa thạch trong vòng 10 năm tới, với tư cách là người đồng tài trợ cho dự luật Thỏa thuận xanh mới (Green New Deal) tại Thượng viện. Đảng Dân chủ coi dự luật này là giải phép cho vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời hướng tới các mục tiêu xã hội khác như tạo việc làm và giảm bất bình đẳng kinh tế.
Trong cuộc thăm dò gần đây của Gallup, bà Harris đang có lợi thế 26 điểm phần trăm so với ông Trump trong lĩnh vực xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là mức chênh lệch kỷ lực trong các cuộc thăm dò gần đây, khi ông Trump chỉ dẫn trước đối thủ đến từ đảng Dân chủ 9 điểm phần trăm trên lĩnh vực kinh tế và nhập cư.
vov.vn
Nguồn:https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hai-sieu-bao-helene-va-milton-anh-huong-gi-toi-duong-dua-tong-thong-my-post1127514.vov