Hơn một tiếng hái nấm ở bìa rừng ven hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, Hà thu hoạch được gần 6 kg nấm cối, nấm gan bò.
Mùa mưa Đà Lạt bắt đầu từ cuối tháng 5 đến tháng 10. Thời điểm này nấm bắt đầu mọc nhiều dưới gốc thông trong bìa rừng gần thành phố. Hà “Dím”, sinh sống tại Hà Nội, lần đầu được trải nghiệm hái nấm trong rừng vào một buổi sáng nắng ráo cuối tháng 5 vừa qua.
Gần 9h, Hà di chuyển bằng xe máy từ trung tâm thành phố đến bìa rừng gần hồ Tuyền Lâm, nơi mọc nhiều nấm ăn được, có giá trị dinh dưỡng.
“Nấm rừng thường mọc tự nhiên dưới gốc thông, nơi ít ánh sáng. Khi đã xác định được một gốc cây có nấm, rảo một vòng xung quanh sẽ kiếm được rất nhiều. Nấm thường mọc tập trung, theo từng cụm”, Hà nói.
Thời điểm nữ du khách đến Đà Lạt là đầu mùa nấm mọc nên số lượng chưa nhiều. Hà mất gần nửa tiếng để tìm được gốc cây có nấm mọc. Tại khu vực bìa rừng hồ Tuyền Lâm có nhiều loại nấm ăn được, dễ phân biệt qua hình dáng bên ngoài như nấm gan bò, nấm trứng gà, kaki, nấm san hô.
Trong một tiếng, Hà thu hoạch được gần 6 kg chủ yếu là nấm cối có màu vàng, thân to gần bằng cổ tay, dài hơn một gang tay và nấm gan bò có màu đỏ, nhỏ bằng một nửa nấm cối.
Trong khi hái nấm, Hà đeo găng tay và nhẹ nhàng hái từ gốc để cây nấm không bị rụng mũ. “Nên đem theo một con dao nhỏ để cắt phần thân bị hỏng, vệ sinh cây nấm trước khi bỏ vào giỏ. Làm như vậy sâu bệnh sẽ không lan sang các cây nấm khác, việc sơ chế tại nhà trước khi nấu ăn cũng nhanh gọn hơn”, nữ du khách chia sẻ
Sau khi hái nấm về, Hà chọn lọc lại nấm một lần nữa, rửa sạch bằng muối, sau đó luộc sơ với nước và chế biến thành nhiều món ăn.
Chị cho biết ở Đà Lạt mùa này có nhiều dịch vụ hái nấm cùng người dân địa phương. Du khách được dẫn đến khu rừng có nấm, hướng dẫn cách hái và cách phân biệt nấm độc. Nữ du khách cho rằng những người không có kinh nghiệm đi rừng và phân loại nấm nên đặt dịch vụ để có trải nghiệm an toàn. Trong trường hợp muốn tự khám phá, cần tìm hiểu thật kỹ các thông tin về khu vực hái nấm, địa hình, các loại nấm.
Anh Quốc Dũng, sinh sống tại Đà Lạt và thường dẫn khách trekking rừng và hái nấm, cho biết cách đây 20 năm, khi du lịch còn chưa phát triển, chỉ có người đồng bào sinh sống tại các vùng cao nguyên gần Đà Lạt vào rừng hái nấm. Những năm gần đây, du khách bắt đầu hứng thú với hoạt động mang tính địa phương này.
Hoạt động thường diễn ra trong ngày, từ 6h đến 10h. Hướng dẫn viên địa phương đến nơi lưu trú đưa đón khách bằng xe máy, sau đó trekking rừng thông và hái nấm, với giá 500.000 đồng mỗi người, trẻ em dưới 10 tuổi được miễn phí.
“Mỗi buổi, tôi chỉ nhận dẫn tối đa 3 khách để tránh việc khách hái nhầm nấm độc. Khách đặt dịch vụ chủ yếu là các gia đình có trẻ nhỏ, phụ huynh muốn con có những trải nghiệm gần gũi thiên nhiên”, anh Dũng nói. Đang vào kỳ nghỉ hè nên các gia đình đưa con nhỏ lên Đà Lạt đông. Anh Dũng thường xuyên “kín lịch cả tuần”.
Anh luôn yêu cầu khách tham gia phải đeo găng tay để tránh chạm vào chất độc trên một số cây nấm. Khi cắt nấm nên cắt ngang thân cây, giữ phần rễ để nấm sinh trưởng vào mùa sau.
Từ cuối tháng 6 đến hết tháng 8, lượng nấm sẽ ít dần. Nấm mọc nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Anh Dũng cho biết nấm sẽ mọc sau 2-3 ngày mưa liên tục và ngày tiếp theo có nắng. Khu vực hồ Tuyền Lâm và xã Dar Sar là hai địa điểm nhiều nấm mọc nhất. Các loại nấm dễ thấy là kaki, nấm gan bò, nấm trứng gà, nấm mỡ. Loại hiếm gặp nhất là nấm hoa đá hay còn gọi là nấm san hô.
“Nấm sau khi hái về cần phân loại thêm lần nữa để tránh lẫn nấm độc. Các loại nấm rừng ăn được có giá trị dinh dưỡng cao, giá bán ở ngoài thị trường từ 500.000 đồng mỗi kg tùy loại”, anh Dũng chia sẻ.
Bích Phương