Là địa phương duy nhất tiếp giáp biển, Cần Giờ được biết đến như “lá phổi xanh” của TP HCM với khu dự trữ sinh quyển thế giới. Phà Bình Khánh hiện là tuyến độc đạo để đến huyện đảo này do chưa có cầu kết nối.
Thu nhập bình quân đầu người của Cần Giờ chỉ đạt gần 70 triệu đồng/năm, chưa bằng một nửa so với mức chung của TP HCM. Trong 30 năm tới, TP HCM muốn đưa Cần Giờ từ một huyện đảo nghèo, trở thành thành phố biển nghỉ dưỡng và trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm quốc tế.
Thu nhập bình quân đầu người của Cần Giờ chỉ đạt gần 70 triệu đồng/năm, chưa bằng một nửa so với mức chung của TP HCM. Trong 30 năm tới, TP HCM muốn đưa Cần Giờ từ một huyện đảo nghèo, trở thành thành phố biển nghỉ dưỡng và trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm quốc tế.
Hai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ) gần 6 tỷ USD và khu đô thị lấn biển hơn 9 tỷ USD, được kỳ vọng là “bàn đạp” để huyện đảo này “thay da đổi thịt”. Trong đó, cảng Cần Giờ dự kiến tạo ra 8.000 việc làm, còn khu đô thị lấn biển sẽ thu hút gần 300.000 người đến sinh sống – gấp 3 lần dân số Cần Giờ, và 9 triệu du khách mỗi năm – bằng 1/3 số khách đến thành phố hiện tại. Dự án khu đô thị đã được Chính phủ phê duyệt, TP HCM đang thẩm định, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, còn cảng Cần Giờ mới ở bước lập đề án, xin bổ sung quy hoạch.
Dự án cảng Cần Giờ nằm biệt lập ở cù lao Phú Lợi, thuộc vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ. Tổng diện tích cảng là 571 ha (chiếm 0,8% của huyện), bao gồm 90 ha đất cù lao rừng phòng hộ ven biển và 481 ha diện tích mặt nước. Để triển khai, dự án phải chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ.
Cần Giờ được đánh giá có lợi thế nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và sở hữu tuyến luồng tốt nhất nước, đủ khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới (250.000 tấn). Cảng này nhắm đến khai thác thị trường trung chuyển quốc tế đang bị bỏ ngỏ tại Việt Nam, trong khi các cảng tại Đông Nam Á nắm giữ 28% tổng lượng hàng trung chuyển quốc tế toàn cầu, theo số liệu năm 2021.
TP HCM tham vọng đưa cảng Cần Giờ ngang tầm các trung tâm trung chuyển hàng hoá quốc tế lớn nhất Đông Nam Á như Singapore và Malaysia. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, các hãng tàu sẽ tiết kiệm ít nhất 1/4 chi phí nhiên liệu khi chọn Cần Giờ thay vì Singapore để trung chuyển hàng hóa từ Thái Lan, Campuchia, Philippines nhờ rút ngắn hải trình.